Thị trường

Vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn nước ngoài vào nông nghiệp còn hạn chế

DNVN - Đánh giá về 35 năm kể từ khi Việt Nam mở cửa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, cơ cấu đầu tư nước ngoài trong ngành nông nghiệp còn thiếu tính đa dạng, vốn từ các tập đoàn lớn còn hạn chế.

Cúm gia cầm gây chết người tại Campuchia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra công điện khẩn / Xuất khẩu rau quả - Điểm sáng của nông nghiệp Việt Nam

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, giai đoạn 2009 - 2021, quy mô bình quân dự án đầu tư nước ngoài mới đăng ký trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trực tiếp có xu hưởng tăng mạnh từ 2,6 triệu USD/dự án năm 2009, đạt đỉnh cao nhất năm 2017 ở mức 12,5 triệu USD/dự án, sau đó giảm xuống mức 4,2 triệu USD/ dự án năm 2021.

Quy mô bình quân dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trực tiếp đạt mức cao sau năm 2015 chủ yếu do các dự án lớn trong ngành chăn nuôi và thủy sản.

Tuy nhiên, nhìn chung, quy mô đầu tư nước ngoài trong ngành nông nghiệp còn hạn chế, chưa phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của ngành.

Tổng vốn đầu tư đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp Việt Nam ở mức cao, nhưng quy mô vốn bình quân của dự án còn nhỏ.

Có tới gần 30% số dự án có vốn đăng ký đầu tư dưới 1 triệu USD và chỉ có 12,5% số dự án có vốn đăng ký đầu tư trên 10 triệu USD. Quy mô các dự án đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm dần sau năm 2015, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.

Vốn đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn lớn vào nông nghiệp còn hạn chế.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bên cạnh hình thức đầu tư trực tiếp, các công ty nước ngoài đang tăng cường đầu tư gián tiếp thông qua mua cổ phần, mua bán - sáp nhập các công ty đại chúng trong nước. Dù quy mô chưa lớn nhưng với một số công ty kinh doanh tốt, đã thấy có dấu hiệu mua vào rất quyết liệt của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trực tiếp, đầu tư nước ngoài vào lâm nghiệp có quy mô lớn nhất là mức 14,2 triệu USD/dự án), tiếp đến là chăn nuôi (11,9 triệu USD/dự án).

Một số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có xu hướng mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong ngành chế biến nông sản thực phẩm.

Điển hình, Công ty De Heus của Hà Lan đã liên tục mở rộng hoạt động sản xuất ở Việt Nam. Tập đoàn CJ của Hàn Quốc cho biết đang ấp ủ nhiều dự án lớn vào Việt Nam.

Hiện nay, cơ cấu đầu tư nước ngoài trong ngành nông nghiệp còn thiếu tính đa dạng, vốn từ các tập đoàn lớn còn hạn chế. Chưa có thay đổi đáng kể về cơ cấu đầu tư nước ngoài theo đối tác.

Trong 62 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào ngành nông nghiệp, các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á vẫn là các nhà đầu tư lớn nhất cả về số dự án và vốn đầu tư.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong sản xuất nông nghiệp trực tiếp chủ yếu nhỏ lẻ, khép kín.

“Nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đã có mặt ở Việt Nam, nhưng vốn đầu tư còn rất khiêm tốn. Nhiều tập đoàn lớn mới chỉ lập đại diện, hoặc xin quyền phân phối, cung ứng, mà không đầu tư vào sản xuất hay các hoạt động nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam”, ông Hoan cho biết.

Bên cạnh đó, việc liên kết của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tới khu vực trong nước chưa chặt chẽ, chưa tạo củ huých thực sự cho kết nối chuỗi toàn cầu. Sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn thiếu sự tham gia của các đối tác trong nước.

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng đầu tư 100% vốn, mà không liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong nước (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm hơn 80% tổng số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp).

Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong sản xuất nông nghiệp trực tiếp chủ yếu nhỏ lẻ, khép kín và không liên kết với vùng nguyên liệu xung quanh.

Đối với lĩnh vực chế biến và thương mại nông - lâm - thủy sản, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ đơn thuần mua nguyên liệu thô từ nông dân, sau đó sơ chế và xuất khẩu hàng hóa với trị gia tăng thấp sang thị trường nước ngoài, nơi sản phẩm được hoàn thiện và bán với giá cao hơn nhiều.

Để tạo động lực bước tiếp, ngành nông nghiệp đã xây dựng Đề án Tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chiến lược đặt ra một loạt yêu cầu mới trong thu hút và quản lý hiệu quả nguồn đầu tư nước ngoài theo định hướng nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân thông minh.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh việc huy động sự tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, một số địa phương tiên phong và một số doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước theo các ngành hàng.

Tăng cường đối thoại chính sách giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Triển khai các mô hình hợp tác công - tư theo đúng chuẩn quốc tế để tận dụng tốt nhất hiệu quả của đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp Việt Nam.

Bộ sẽ thành lập tổ công tác làm đầu mối về xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đặt tại Bộ NN&PTNT. Đồng thời, tăng cường xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để nhanh chóng gỡ khó cho doanh nghiệp.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm