Thị trường

Vượt qua khó khăn, xuất khẩu đã tăng trưởng ngoạn mục

Dù gặp phải nhiều khó khăn rất lớn trước sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại..., song, nền xuất khẩu nước ta vẫn đạt được sự tăng trưởng ngoạn mục, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2018.

Trái cây Trung Quốc chiếm 15% chợ đầu mối Thủ Đức / Xuất khẩu dầu thô giảm, nhập khẩu tăng mạnh

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Công thương diễn ra sáng nay, ngày 17/1.

Đạt những con số tăng trưởng ấn tượng

Theo đánh giá của Bộ Công thương, năm 2018, mặc dù các thị trường xuất khẩu được mở rộng thông qua các FTAs nhưng chúng ta cũng gặp phải những khó khăn rất lớn trước sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại của nhiều thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và diễn biến kinh tế - chính trị phức tạp ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới tạo ra thách thức lớn cho không chỉ xuất nhập khẩu mà còn tác động tới nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô khác của Việt Nam.

Trong khi đó, nền kinh tế nước ta cũng đối mặt một số khó khăn, thách thức lớn như năng suất lao động trong nhiều lĩnh vực còn thấp, năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp còn hạn chế, chưa tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu...

"Vượt qua những khó khăn đó, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp tích cực vào bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước", Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay.

Đầu tiên phải kể đến quy mô xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017.

Theo số liệu của Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu được kiểm soát tốt, với kim ngạch ước đạt 237,5 tỷ USD, tăng 11,5%. Cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 3 liên tiếp, ước đạt khoảng 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Con số xuất siêu của Việt Nam trong năm nay đã gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: T.U

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: T.U

Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Song song với đó, quy mô các mặt hàng xuất khẩu,thị trường xuất khẩu được mở rộng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc...

“Đáng chú ý, xuất khẩu của khối doanh nghiệp (DN) trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt. Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối DN FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối DN trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã cao hơn khối FDI. Năm 2018, khối DN trong nước xuất khẩu khoảng 69,2 tỷ USD, tăng 15,9%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung và cao hơn mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) là 12,9%”, Bộ Công thương phân tích.

Cùng với việc đó, trong những năm gần đây nướcta đã làm tốt khâu kiểm soát nhập khẩu. Theo đó, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại và nhập khẩu các mặt hàng cần thiết cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu đều tăng.

 

Năm 2019: Nhập siêu có thể sẽ quay trở lại

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Bộ Công thương, các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng và vững chắc.

Mặt khác, tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính gia công còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở bên ngoài, khiến cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Cũng theo Bộ này, tình hình thế giới vẫn đang tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các nước phát triển ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước…

"Năm 2019 xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt vớinhiều khó khăn. Thậm chí, xuất khẩu có thể sẽ đảo chiều, nhập siêu dự báo sẽ quay trở lại với khoảng 3 tỷ USD bởi việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng", đại diện Bộ Công thương nhậnđịnh.

 

Bộ Công Thương cũng dự báo, kim ngạch xuất khẩu 2019 dự kiến đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng 8-10% so với 2018. Trong khi đó nhập khẩu khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7%. Nhập siêu ước khoảng 3 tỷ USD.

Bên cạnh đó, tại hội nghị, các đại biểu nhận định thêm: Dự báo trong năm nay và các năm tiếp theo, việc thực thi các FTAs sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của các nhà đầu tư, tập đoàn, DN nước ngoài. Do đó, DN trong nước cần có sựchuẩn bị để đón bắt và hiện thực hóa hiệu quả các cơ hội cũng như vượt qua những sức ép, thách thức.

Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2018 là 29 mặt hàng (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm 91,67% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm