Thị trường

Xuất khẩu gạo đối diện với nỗi lo đảo chiều về giá

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ cao hàng đầu thế giới đã đảo chiều giảm mạnh trong thời gian qua. Đây là áp lực và nỗi lo rất lớn đối với các doanh nghiệp ngành này.

Quảng bá cà phê Việt tới những nhà mua hàng lớn nhất thế giới / Hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới

Đối diện với áp lực đảo chiều về giá

Xuất khẩu gạo đối diện với nỗi lo đảo chiều về giá - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo nước ta đang đối diện với nhiều khó khăn, áp lực.

Thời gian qua, các bộ, ngành đã hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm lúa gạo Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội thâm nhập, phát triển ở những khu vực, phân khúc thị trường mới, tiềm năng như khu vực thị trường châu Phi, Mỹ Latinh…

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục tăng mạnh trong thời gian qua là vì nhu cầu lương thực tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng cao sau khi Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới) cấm xuất khẩu gạo thường. Hiện các thị trường chính như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana... đều tăng mua gạo Việt Nam, đặc biệt là Philippines. Từ đầu năm tới nay, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này đạt 1 triệu tấn và khả năng sẽ vượt mốc 4 triệu tấn trong năm nay. Hiện gạo Việt Nam chiếm hơn 80% thị phần nhập khẩu mặt hàng này tại Philippines.

Chia sẻ với báo giới, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, các hiệp hội, doanh nghiệp đã khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống, đồng thời khai mở thêm nhiều thị trường mới, tiềm năng. Thương hiệu gạo Việt Nam tiếp tục được khẳng định trên thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp, người sản xuất đã tiếp cận, khai thác tốt hơn các lợi thế từ các FTA mà nước ta là thành viên.

Nhờ đó, trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế khi duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng qua, cả nước đã xuất khẩu được gần 4,2 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 2,7 tỷ USD, tăng gần 15% về lượng và tăng tới hơn 38% về giá trị.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, xuất khẩu gạo nước ta đang đối diện với nhiều khó khăn, áp lực. Thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ cao hàng đầu thế giới đã đảo chiều, giảm về thấp nhất trong nhóm các nước xuất khẩu chủ lực.

 

Xuất khẩu các chủng loại gạo có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và ưu thế của Việt Nam ngày càng tăng mạnh như: gạo thơm, ST các loại, gạo trắng cao cấp, gạo japonica...

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu đã giảm từ 5 - 8 USD/tấn. Trong đó gạo tiêu chuẩn 5% tấm giảm 8 USD, xuống còn 574 USD/tấn; gạo tiêu chuẩn 25% tấm giảm 5 USD, xuống còn 552 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo của Thái Lan là 620 USD/tấn (cao hơn 46 USD/tấn) và Pakistan là 593 USD/tấn (19 USD/tấn).

Mới đây, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố thông tin nhập khẩu gạo tháng 5 của nước này. Kết quả cho thấy trong số 150.000 tấn gạo trúng thầu có 90.000 tấn đến từ các doanh nghiệp Việt Nam. Song, mức giá mà các doanh nghiệp nước ta đưa ra lại thấp nhất trong số doanh nghiệp các nước tham gia đấu thầu. Cụ thể, Công ty CP L.T trúng thầu 2 lô với khối lượng 60.000 tấn, mức giá 563 USD/tấn, thấp nhất trong số các đơn vị trúng thầu (giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn). Công ty T.M trúng thầu 30.000 tấn, là đơn vị có giá chào thấp nhất trong số các doanh nghiệp dự thầu, chỉ 564,5 USD/tấn. Nếu so giá gạo trúng thầu với giá gạo nội địa do Hiệp hội Lương thực Việt Nam công bố là 587 USD/tấn, giá trúng thầu của Công ty L.T thấp hơn đến 24 USD/tấn, còn Công ty T.M thấp hơn 22,5 USD/tấn.

Trong khi đó, khối lượng 60.000 tấn còn lại thuộc các doanh nghiệp sử dụng nguồn gạo từ Pakistan và Myanmar có giá trúng thầu từ 621,5 - 629 USD/tấn. Đối thủ xuất gạo lớn nhất của Việt Nam là Thái Lan có mức giá chào thầu là 656,5 và 658,5 USD/tấn.

Nhiều chuyên gia nhận định, sự việc trên cho thấy hiện tượng một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh về giá, từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị hạt gạo Việt Nam.

Muốn phát triển bền vững phải thay đổi tư duy

 

Đánh giá chung về tình hình ngành lúa gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của nước ta đòi hỏi cần nhanh chóng nhận diện và có giải pháp căn cơ để khắc phục.

Xuất khẩu gạo đối diện với nỗi lo đảo chiều về giá - Ảnh 4.

Xuất hiện dấu hiệu cho thấy hiện tượng một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh về giá.

Còn về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mới đây trong đánh giá của mình về hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, hiện chúng ta mới đang xuất khẩu một sản phẩm của doanh nghiệp chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của một ngành hàng.

Bên cạnh đó, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương),* các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu gạo đạt 5 tỷ USD, cao hơn 300 triệu USD so với năm 2023. Với kết quả 2,7 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, chắc chắn xuất khẩu gạo cả năm sẽ vượt mục tiêu đề ra.

Đồng thời thị trường xuất khẩu gạo vẫn có dấu hiệu chưa bền vững, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia...Hơn thế nữa cũng đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cạnh tranh khác như Thái Lan, Myanmar, Pakistan.

 

Mặt khác, thời gian tới,tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp, dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024. "Giá cước vận tải quốc tế vẫn ở mức cao do hoạt động vận tải hàng hóa chịu tác động từ các diễn biến địa chính trị khu vực châu Âu và Trung Đông cũng khiến sức cạnh tranh của gạo Việt Nam giảm", Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay.

Trước tình hình đó,ông Vũ Bá Phú cho rằng quan trọng nhất các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như sản xuất mặt hàng gạo cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu...

Còn tư lệnh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị các doanh nghiệp cần phải tăng cường sự liên kết, hợp tác, cùng với đó là nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng. Chỉ khi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác thì mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra thị trường quốc tế.

Chia sẻ thêm với báo giới, ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thông tin, trong thời gian tới, để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, Bộ Công thương sẽ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo.

Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn thị trường, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại. Đồng thời tăng cường công tác thông tin thị trường; duy trì chế độ báo cáo, cung cấp thông tin từ các thương vụ, chi nhánh thương vụ tại các quốc gia, vùng lãnh thổ để theo dõi, bám sát diễn biến tình hình thị trường thế giới, nhất là tình hình các thị trường lớn để kịp đề xuất các biện pháp xử lý; chủ động có biện pháp ứng phó khi có diễn biến bất thường, thúc đẩy xuất khẩu gạo;nghiên cứu, tìm kiếm, mở rộng thị trường nhằm đa dạng hóa thị trường, tránh để lệ thuộc vào một thị trường trong đó tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thế hệ mới mang lại như các khu vực thị trường mới như châu Mỹ (Peru, Mexico), EU...

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm