Thị trường

Xây dựng thương hiệu riêng cho thanh long Việt Nam để tăng sức cạnh tranh

DNVN - Thanh long Việt Nam đã được xuất khẩu tới nhiều quốc gia và thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ đô. Trước áp lực cạnh tranh về nguồn cung, cần đẩy mạnh quảng bá quả thanh long gắn với nhãn hiệu thương mại, nhãn hiệu chứng nhận giúp gia tăng thương hiệu quả thanh long Việt Nam nói chung và từng vùng nguyên liệu nói riêng.

Vụ mì Acecook và Thiên Hương bị EU cảnh báo có chất độc hại: Chuẩn châu Âu có khác với chuẩn Việt Nam hay không? / Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng tăng 21,2% so với cùng kỳ

Thông tin này đã được các diễn giả nhấn mạnh tại Hội nghị giao thương trực tuyến "Thanh long Việt Nam với các thị trường xuất khẩu tiềm năng 2021" do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 30/8.
Xuất khẩu thanh long nằm trong nhóm sản phẩm tỷ USD
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, ở Việt Nam, thanh long được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực và thường nằm trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam trong những năm qua. Thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia, trong đó Trung Quốc chiếm tới hơn 80% thị phần. Bên cạnh đó, thanh long Việt Nam cũng đã được xuất khẩu sang các thị trường khác như Ấn Độ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, EU, Chile.
Tuy nhiên, những năm gần đây, thanh long Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh ngày càng tăng lên từ một số nguồn cung khác từ Đài Loan, Thái Lan, Malaysia…

Thị trường nước ngoài chuộng thanh long Việt Nam.
Thêm vào đó, trong bối cảnh hiện nay, một số tỉnh trồng thanh long ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đang chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, trong đó có thanh long, gặp khó. Thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc siết chặt kiểm dịch đối với nhiều mặt hàng, trong đó có thanh long hoặc đóng biên tại một vài cửa khẩu trong một số thời gian nhất định, các hoạt động logistics có chi phí tăng cao đột biến cũng chồng thêm những bất cập cho xuất khẩu thanh long.
Song, nhu cầu tiêu thụ thanh long Việt Nam tại các thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục tăng. Thông qua hàng loạt các sự kiện giao thương trực tuyến trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các cơ quan liên quan tổ chức thời gian qua cho thấy, khá nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài quan tâm phát triển nguồn cung thanh long chất lượng cao từ Việt Nam.
Có khả năng xuất khẩu quanh năm
Đánh giá tiềm năng, thế mạnh xuất khẩu thanh long của tỉnh Long An, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, sản lượng thanh long hàng năm của tỉnh đạt khoảng 330.000 tấn. Long An đã và đang thực hiện nhiều giải pháp xây dựng, phát triển vùng thanh long bền vững, theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung cấp theo đơn hàng quanh năm.
Thanh long Châu Thành của Long An đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Trong khi đó, nhãn hiệu thanh long Tầm Vu đã được bảo hộ tại 5 quốc gia, gồm Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore và Trung Quốc.
Đặc biệt, Long An có nhà máy Xử lý trái cây bằng công nghệ hơi nước nóng với công suất 12.000 tấn/năm và đủ điều kiện đóng gói xuất khẩu sang một số thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.
Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận chia sẻ, diện tích trồng thanh long của tỉnh 33.750 ha, trong đó, diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP đạt 11.936 ha, GlobalGAP đạt 517 ha, với sản lượng trung bình 650.000 tấn quả/năm. Toàn tỉnh có khoảng 240 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói thanh long và 6 cơ sở chế biến thanh long. 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch của Bình Thuận đạt 5,5 triệu USD, tương đương 3.323 tấn.
Cần tạo thương hiệu tại nước ngoài
Ông Nguyễn Phú Hòa - Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Úc trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng đột biến, đạt 3 triệu USD, tương đương tăng 84% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp nhiều khó khăn do dịch COVID-19.
"Kết quả ấn tượng này là nỗ lực chung của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cục Xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Úc trong việc giới thiệu quả thanh long đến tất cả các bang ở Úc. Đến nay, nhiều siêu thị ở Úc bán thanh long Việt Nam với giá bán lẻ 4,9 USD/quả hoặc 14 USD/kg", ông Hòa chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, xuất khẩu thanh long sang Úc cần quan tâm đến chất lượng vì Việt Nam đã đến mùa mưa, do đó thanh long dễ bị nhiễm nấm. Đặc biệt, Việt Nam cần xây dựng thương hiệu quả thanh long tại thị trường này.
"Chủ trương của Thương vụ là nâng giá trị quả thanh long tại Úc. Các doanh nghiệp cần lưu ý rằng, người Úc ăn ít nhưng ăn ngon. Người Úc sẵn sàng đón nhận hàng giá cao nhưng phải chất lượng. Thương vụ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các hệ thống phân phối lớn ở Úc cũng như có các hình thức quảng bá để tạo giá trị cộng hưởng, qua đó khẳng định thương hiệu thanh long Việt tại Úc", ông Hòa thông tin.
Đề cập đến xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh - Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho hay, thanh long là loại quả quả quen thuộc với người Nhật Bản. Từ năm 2009, Việt Nam xuất khẩu thanh long ruột trắng sang Nhật Bản với sản lượng khoảng 2.000 tấn/năm, chiếm 80% thị phần thanh long tiêu thụ tại Nhật Bản. Những năm gần đây, thanh long được nhập khẩu đường biển với số lượng lớn, bán rộng rãi tại các chuỗi siêu thị trên toàn Nhật Bản.
Tuy nhiên, theo ông Minh, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản cần lưu ý về tiêu chuẩn, quy cách nhập khẩu, và đặc biệt là chỉ tiêu chất lượng. Thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển, và xuất khẩu để đảm bảo giữ được độ tươi ngon và chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu và thị trường.
"Chúng ta đã mất thời gian để vào được thị trường khó tính này, nên phải giữ chất lượng sản phẩm. Chỉ cần một lô hàng không đạt chuẩn, các lô hàng khác và DN khác sẽ bị ảnh hưởng", ông Minh khuyến nghị.
Ông Minh cũng lưu ý, cần phải bảo đảm sự ổn định giá cả và lượng cung từ phía Việt Nam do người tiêu dùng Nhật Bản nhạy cảm với sự thay đổi liên tục giá bán sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư nghiên cứu và áp dụng công nghệ, kỹ thuật sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại, mẫu mã sản phẩm, từ đó đáp ứng thị hiếu riêng biệt của từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau.
Về vấn đề này, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh, các doanh nghiệp cũng như địa phương cần tránh mở rộng diện tích vùng trồng, thay vào đó phải quy hoạch lại vùng trồng thanh long để gắn với nâng cao chất lượng, gắn với đáp ứng yêu cầu cụ thể của từng thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, cần đẩy mạnh quảng bá quả thanh long gắn với nhãn hiệu thương mại và nhãn hiệu chứng nhận để giúp gia tăng cho thương hiệu quả thanh long Việt Nam nói chung và từng vùng nguyên liệu nói riêng.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm