Vụ mì Acecook và Thiên Hương bị EU cảnh báo có chất độc hại: Chuẩn châu Âu có khác với chuẩn Việt Nam hay không?
Bắt giữ hàng trăm hộp thuốc, thiết bị y tế chống dịch nhập khẩu trái phép / Đại diện Công ty Acecook nói gì vụ Ireland thu hồi lô mì Hảo Hảo Việt Nam vì chứa chất độc hại?
Mì Hảo Hảo tôm chua cay bị EU cảnh báothuốc bảo vệ thực vật ethylene oxide, làchất độc hại tới sức khỏe người dùng. Nguồn ảnh: Internet
Từ hôm qua dư luận trong nước rúng động trước thông tin cơ quan an toàn thực phẩm Ireland thông báo thu hồi các lô sản phẩm mì ăn liền hương tôm chua cay nhãn hiệu Hảo Hảo và miến ăn liền hương sườn non nhãn hiệu Good của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam do có phát hiện thuốc bảo vệ thực vật ethylene oxide, không được phép sử dụng tại Châu Âu do có thể gây hại cho sức khỏe của người dùng. Tiếp đó, Liên minh Châu Âu (EU) tiếp tục cảnh báo đã thu hồi sản phẩm mỳ khô vị bò gà có tên tiếng Anh “Dried noodles with chicken – and beefspices” tại thị trường Na Uy do có chứa 0,052 mg/kg – ppm ethylene oxide, điều này vi phạm Chỉ thị của EU số 91/414/EEC. Sản phẩm này của Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương, có địa chỉ số 1 Lê Đức Thọ, khu phố 02, Tân Thới Hiệp, quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật An toàn thực phẩm, sản phẩm nêu trên thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương. Do đó, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn số 1639/ATTP-NĐTT ngày 27/8/2021 đề nghị Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đang phối hợp với cơ quan chức năng xác minh, làm rõ thông tin phản ánh và kịp thời thông tin tới người tiêu dùng.
Amazon trả lại tiền, cảnh báo người dùng hủy bỏ mỳ Hảo Hảo
Liên quan vụ mỳ Hảo Hảo bị phát hiện chất gây ung thư ethylene oxide, từ CHLB Đức, Tiến sĩ Lê Ngọc Sơn, chuyên gia truyền thông cho biết, hệ thống cảnh báo khẩn cấp về an toàn thực phẩm châu Âu (RASFF) vừa ra cảnh báo về việc mỳ Hảo Hảo chứa các hoá chất độc hại (hazardous chemicals). Amazon Đức và Amazon Anh đều đã gửi email tới người dùng về việc trả lại tiền và đề nghị khách hàng huỷ bỏ không dùng Hảo Hảo vì có các hóa chất độc hại.
Amazon Anh và Đức đã gửi mail cảnh báo người dùng hủy bỏ mì Hảo Hảo có chất độc hại.
Ông Lê Ngọc Sơn cho rằng, việc EU ra cảnh báo với mỳ Hảo Hảo không có chuyện “thuyết âm mưu để triệt hạ đối thủ, hay “chơi’ nhau như một số ý kiến trong nước nêu ra. Vì EU không giống Việt Nam, không phải muốn “chơi” nhau mà chơi được. Vì đó là cạnh tranh không lành mạnh. Mà tội cạnh tranh không lành mạnh ở EU bị phạt đến mức sạt nghiệp! Nên không dại gì người ta “chơi”. Thêm nữa, trên “bản đồ mỳ gói châu Âu”, Hảo Hảo chỉ bán được chủ yếu cho người Việt xa quê thôi. Thêm nữa, EU không bao giờ đi cảnh báo lung tung, vì cảnh báo sai doanh nghiệp cũng có quyền kiện lại. Nên chắc chắn, đây càng không phải là thuyết âm mưu.
Bên cạnh đó, khi một cơ quan chuyên môn uy tín của EU đã cảnh báo, có nghĩa là vấn đề ở mức nghiêm trọng. Bảo vệ doanh nghiệp quan trọng, song việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng mới là quan trọng nhất. Khi có cảnh báo này, việc của những người có hiểu biết là nên ngừng ăn Hảo Hảo. Đến khi nào, có kết luận thêm của cơ quan chức năng theo hướng “ăn cũng không sao” với bằng chứng khoa học, thì lúc đó tiếp tục ăn loại mỳ này cũng không muộn.
“Tôi không đồng tình với lý luận kiểu “chuẩn châu Âu khác chuẩn ta”, với châu Âu là vi phạm, nhưng với ta ăn được. Tôi nghĩ rằng, ta không thể dùng “tư duy đà điểu” để tự trấn an mình (đà điểu luôn trốn đầu vào cát khi gặp hiểm nguy). Người Âu hay người Á thì đều là người. Chả nhẽ sức khoẻ của người châu Âu quan trọng hơn sức khoẻ của người Việt?”, ông Lê Ngọc Sơn nói.
Các quốc gia có quy định khác nhau về ethylene oxide
Theo BFR và các nguồn tin đáng tin cậy khác, các thông tin cơ bản về ethylene oxide mà người tiêu dùng cần biết.
Ethylene oxide được sử dụng nhiều trong công nghiệp và được sử dụng rộng rãi trong hai lĩnh vực liên quan đến sức khoẻ là tiệt trùng các sản phẩm y tế và dùng làm thuốc trừ sâu/bảo quản nông phẩm, vì ethylene oxide có khả năng tiêu diệt vi sinh vật (virus, vi khuẩn, nấm).
Tuy nhiên ethylene oxide có thể gây hại trong một số trường hợp. Các nghiên cứu trên động vật và người chỉ ra rằng ethylene oxide (và sản phẩm phân huỷ của nó 2- chloroethanol) có thể gây biến đổi vật chất di truyền DNA, do đó nó có thể tạo đột biến gây ra nhiều loại ung thư, dị tật thai nhi và rối loạn khả năng sinh sản của phụ nữ. Tác động của ethylene oxide phụ thuộc vào nồng độ, thời gian tiếp xúc, tất nhiên nồng độ càng cao, tiếp xúc càng lâu thì càng gây hại. Các số liệu cụ thể thì chưa thống nhất giữa các nước.
Tại EU, ethylene oxide vẫn được phép dùng trong tiệt trùng các sản phẩm y tế, tuy nhiên cấm sử dụng trong tiếp xúc với thực phẩm. Cấm sử dụng làm chất bảo vệ thực vật. Mọi thực phẩm chứa ethylene oxide để bị cấm sử dụng. Ở Đức cấm sử dụng trong nông nghiệp từ năm 1981, ở EU cấm từ năm 1991.
Các quyết định đều được dựa trên các chứng cứ khoa học từ các nghiên cứu trước đó và từ đề nghị của hội đồng khoa học, năm 2012 EU cũng đã có bản kiến nghị về sử dụng ethylene oxide.
Ngoài EU, Mỹ, Canada và nhiều nước khác vẫn còn cho phép sử dụng ethylene oxide làm thuốc bảo vệ thực vật. Trong sản phẩm nông nghiệp vẫn được phép có tồn dư của ethylene oxide với nồng độ giới hạn tuỳ theo quy định quốc gia.
Quản lý chất lượng thực phẩm là một trong những lĩnh vực được quản lý rất gắt gao tại EU. Mọi sản phẩm khi đã ra thị trường nhưng bị phát hiện ra lỗi hoặc không đáp ứng được điều kiện đều bị cấm bán và thu hồi. Do vậy chuyện thu hồi sản phẩm kể cả đã được bán ra là chuyện thường xuyên xảy ra ở EU. Với ethylene oxide thì các sản phẩm châu Á bị thu hồi và cấm nhập rất nhiều, tiêu biểu là mè/vừng từ Ấn Độ. Do vậy các nhà máy ở Việt Nam khi nhập nguyên liệu thô từ các nước châu Á khác phải lưu ý điều này.
Vậy câu hỏi mà người tiêu dùng quan tâm là tiêu chuẩn thực phẩm khác nhau giữa EU, các nước khác cao hơn Việt Nam hay không? Các tiêu chuẩn đều được dựa theo quy định của chính quyền các nước/khu vực. Thực tế các quy định của EU, Mỹ, Nhật thường rất cao, và có vẻ cao hơn các nước còn lại trên thế giới, tuy nhiên giữa các nước này nhiều khi cũng có khác nhau.
Theo ý kiến của các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam nên kiểm tra và công bố công khai: Liệu các sản phẩm mỳ Hảo Hảo bán tại Việt Nam có chứa ethylene oxide hay không? Nếu có thì hàm lượng bao nhiêu một gói hay trên 100gr mỳ? So sánh hàm lượng đó với mức tối đa theo quy định của Việt Nam? Nếu Việt Nam không có quy định thì lấy quy định của một nước khác như Mỹ, Canada làm so sánh. Liệu tất cả các lô hàng Hảo Hảo đều chứa ethylene oxide hay chỉ một số lô hàng? Ethylene oxide bắt nguồn từ nguyên liệu nào hay quy trình nào trong sản xuất?
Cái khó nhất của người dùng hiện nay là họ sẽ cân nhắc ăn hay không ăn mỳ Hảo Hảo và các sản phẩm vừa được cảnh báo. Đây là câu hỏi khó có câu trả lời chung cho tất cả mọi người. Các nước đều có quy định khác nhau, do vậy đối với khách hàng Việt Nam nên quyết định ăn hay không nên dựa vào hoàn cảnh và suy nghĩ của cá nhân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam