Xuất khẩu linh kiện ô tô ‘trông đợi’ khối nội?
Xe buýt TPHCM nguy cơ dừng hoạt động vì... hết tiền? / Thái Bình: “Biến” vùng đất hoang thành trang trại chăn nuôi tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao
Mới đây, lô khung ghế ô tô bằng composite sản xuất tại Nhà máy Linh kiện Composite của CTCP ô tô Trường Hải (Thaco) đã được xuất khẩu (XK) sang Nhật, là lô đầu tiên trong số 1.300 bộ khung ghế sẽ được XK sang thị trường này trong năm 2020.
Mảng kinh doanh mũi nhọn
Nhà máy linh kiện này (có công suất 24.000 bộ sản phẩm/năm, được đầu tư các dây chuyền công nghệ và thiết bị hiện đại nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Ý) bắt đầu sản xuất khung ghế composite trong năm nay sau khi ký hợp đồng hợp tác sản xuất vào tháng 2/2020 với công ty Nhật là TIP Composite.
Theo thỏa thuận, TIP Composite chuyển giao công nghệ và đưa kỹ sư Nhật đến đào tạo trực tiếp tại nhà máy linh kiện Composite đặt ở Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (Quảng Nam) và sản phẩm được cung cấp cho TIP Composite. Các sản phẩm được đánh giá chất lượng bởi chuyên gia Nhật Bản.
Như chia sẻ từ Thaco, họ đang đẩy mạnh hoạt động XK ô tô và linh kiện phụ tùng, từng bước đưa XK trở thành “mảng kinh doanh mũi nhọn”.Và để làm được điều đó thì họ đã đầu tư các nhà máy với công nghệ hiện đại, tự động hóa và quản trị trên nền tảng số hóa.
Đồng thời, phía sẽ liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài để mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn và quy định của nước nhập khẩu.
Thời gian qua, nhà máy nêu trên cũng đã XK nhiều sản phẩm linh kiện ô tô như ốp trang trí, hộp cốp táp lô, nắp cốp táp lô, lướt gió xe bus, cabin xe quân sự…sang Hàn Quốc và Nhật Bản. Kế hoạch sắp tới, nhà máy sẽ phát triển đa dạng các sản phẩm XK, mở rộng thị trường sang Đông Nam Á, châuu, Úc, Mỹ...
Có thể thấy, đây là “điểm sáng” ở một doanh nghiệp (DN) cơ khí nội địa trong việc XK linh kiện ô tô hiện nay. Nhất là, dư địa thị trường để phát triển ngành sản xuất và XK linh kiện ô tô đối với các DN Việt là khá tiềm năng nếu như biết nắm bắt các cơ hội.
Chẳng hạn triển vọng XK linh kiện ô tô của Việt Nam vào EU sau khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, thuế suất giảm từ 3 - 4% về 0% sẽ tăng cơ hội XK cho mặt hàng này.
Hoặc như trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên thái Bình Dương (CPTPP) thì thuế suất linh kiện ô tô XK sang các nước thành viên như Nhật, Canada….giảm về 0% cũng được cho là lợi thế cho phía Việt Nam.
Cần nhắc lại, hồi năm ngoái, tổng kim ngạch XK nhóm hàng linh kiện phụ tùng ô tô của Việt Nam đạt kỷ lục 5,645 tỷ USD và đứng vị trí thứ 8 trong nhóm 10 sản phẩm có giá trị XK cao nhất. Các thị trường lớn nhất nhập khẩu linh kiện phụ tùng ô tô từ Việt Nam là: Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc…Và việc gia công được cho là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Liên kết tạo dựng thị trường
Như lưu ý của chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, với kim ngạch XK linh kiện ô tô mỗi năm đến hàng tỷ USD và việc ưu đãi thuế quan từ các hiệp định EVFTA hay CPTPP thì đòi hỏi các DN nội địa phải nắm bắt cơ hội này. Nhất là cần phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô mà ở đó các DN Việt phải có một vị trí đáng kể chứ không phải lép vế trước các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài tín hiệu tích cực cho việc XK linh kiện ô tô từ một “ông lớn” trong ngành cơ khí nội địa như Thaco thì nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn là liệu các DN nội có tận dụng được những cơ hội từ các FTA thế hệ mới khi mà mà tỷ lệ nội địa hoá còn khá khiêm tốn ?
Thực ra, dư địa thị trường để phát triển ngành sản xuất linh kiện ô tô đối với các DN Việt là khá tiềm năng nếu nhìn vào thị trường trong nước và kim ngạch XK. Ví dụ, theo báo cáo của đơn vị có liên doanh với Honda Việt Nam, cách đây 2 năm doanh thu của hãng này xấp xỉ 5 tỷ USD. Với con số này cho thấy thị trường nội địa của cơ khí chế tạo linh kiện cho ngành ô tô, xe máy Việt Nam có dung lượng rất lớn.
Trong khi đó, 20 năm nay, ngoại trừ sự nỗ lực đơn độc của một vài tên tuổi lớn trong ngành cơ khí nội địa, thì phần lớn các DN cơ khí trong nước vẫn chưa thể phát triển những linh kiện ô tô để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, trình độ quản trị sản xuất kinh doanh của các DN nội trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí ô tô đa phần còn thấp, lựa chọn sản phẩm chưa căn cứ theo thị trường lâu dài mà phần lớn chỉ sản xuất theo các hợp đồng nhỏ lẻ.
Thậm chí các DN nội lựa chọn phương án đầu tư sản xuất khép kín, thiếu sự hợp tác liên kết và đổi mới trang bị công nghệ có năng suất, độ chính xác cao...nên giá thành và chất lượng sản phẩm linh kiện sẽ khó cạnh tranh.
Để gia tăng vai trò của khối nội trong việc XK linh kiện ô tô cũng như tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA, giới chuyên gia cho rằng cần triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa DN công nghiệp phụ trợ ô tô trong nước với các DN lớn trên thế giới để tạo dựng thị trường.
Nhất là việc tiếp cận, đầu tư đổi mới công nghệ, tiêu chuẩn hoá sản phẩm và tham gia chuỗi giá trị với các sản phẩm lợi thế, đủ sức cạnh tranh để XK linh kiện ô tô.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Công đoạn đánh bóng sản phẩm khung ghế ô tô bằng vật liệu composite