Thị trường

Thái Bình: “Biến” vùng đất hoang thành trang trại chăn nuôi tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao

Vượt khó vươn lên phát triển kinh tế từ hai bàn tay trắng, ông Bùi Văn Bốn ở thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) đã biến mảnh đất bãi hoang hóa thành mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Thanh Hóa: Làm giàu từ mô hình trồng cây cảnh trên “cánh đồng bỏ hoang” / Hậu Giang: Làm giàu từ nuôi gà sao

Gắn bó với mảnh đất duyên giang, những năm trước đây nguồn thu nhập của gia đình ông Bốn chỉ trông vào mấy sào ruộng nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, ông Bốn luôn ấp ủ ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Chứng kiến vùng đất bãi ven sông Hồng thuộc địa phận xã để hoang, năm 2004 ông đã xin chính quyền địa phương được thuê đất để cải tạo với mục đích xây dựng trang trại tổng hợp kết hợp chăn nuôi và trồng trọt. Năm đầu tiên ông đầu tư vốn xây dựng chuồng trại, mua gần 2.000 con ngan, gà, vịt giống về nuôi. Do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi lại đúng thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát nên toàn bộ đàn ngan, gà, vịt bị ốm chết gây thiệt hại hơn 40 triệu đồng.

Mỗi năm gia đình ông Bốn thu lãi gần 250 triệu đồng từ nuôi bò.

Mỗi năm gia đình ông Bốn thu lãi gần 250 triệu đồng từ nuôi bò.

Không nản chí trước khó khăn, ông lại tiếp tục vay vốn đầu tư cho chăn nuôi nhưng giảm số lượng đàn gia cầm, nuôi thêm lợn thịt, bò sinh sản và bò thương phẩm. Qua một vài vụ nuôi lợn với lúc cao điểm nuôi tới 70 con, nhận thấy chăn nuôi lợn đối mặt với nhiều rủi ro về nguy cơ dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh nên ông lại giảm dần số lượng đàn lợn, chuyển sang nuôi bò bởi đây là con vật nuôi có đầu ra ổn định, ít dịch bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao.

Hiện trang trại của gia đình ông Bốn rộng 3ha với hơn 700m2 chuồng trại chăn nuôi bò, lợn, gia cầm; 2 mẫu đất trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò; 2,8 mẫu đất trồng các loại cây màu từ 3 - 4 vụ/năm kết hợp với trồng cây ăn quả, chủ yếu là cây chuối; còn lại là diện tích mặt nước nuôi thả các giống cá truyền thống. Từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây, nuôi cá, mỗi năm cho gia đình ông tổng thu hơn 800 triệu đồng, trừ hết chi phí cho lãi từ 400 - 500 triệu đồng mỗi năm.

Ông Bốn cho biết: Tôi đầu tư 20 triệu đồng để mua hai cặp bò mẹ con giống lai Sind về nuôi và nhân giống. Bê con sinh ra nếu là cái được giữ lại làm giống còn bê đực sẽ nuôi vỗ béo thành bò thương phẩm để bán. Qua các năm, đàn bò sinh sản và bò thương phẩm được nhân lên, có thời điểm lên tới 63 con. Mỗi con bò đực nuôi khoảng một năm đạt cân nặng 2,5 - 2,7 tạ có giá bán từ 20 - 25 triệu đồng/con, nuôi khoảng 2 năm đạt cân nặng 4,5 - 5 tạ có giá bán từ 30 - 35 triệu đồng/con.

Nuôi bò sinh sản và bò thương phẩm tuy thời gian nuôi dài nhưng giá cả ổn định, ít dịch bệnh, chi phí chăn nuôi thấp do tận dụng được nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn. Từ khi nuôi bò đến nay, nguồn thu nhập của gia đình luôn ổn định và tăng dần qua các năm, năm nuôi ít cho lãi khoảng 150 triệu đồng, riêng năm 2019 gia đình tôi thu lãi gần 250 triệu đồng từ đàn bò.

 

Hiệu quả kinh tế từ mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Bùi Văn Bốn không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình ông mà còn là nguồn động lực để nhiều người dân trong xã học tập và làm theo, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm