Thị trường

Xuất khẩu nỗ lực 'chạy nước rút' cuối năm

Nhu cầu thị trường thế giới tăng cao là cơ hội để kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đổi chiều từ nhập siêu sang xuất siêu trong những tháng còn lại của năm 2021. Song, việc tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc lớn vào việc kiểm soát dịch COVID-19, cũng như nới lỏng các quy định hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất.

Hà Nội rực đỏ màu cờ trong ngày Lễ Quốc khánh / Bình Phước lên sóng talkshow "Lan tỏa Tết độc lập - niềm tin và khát vọng"

Hiện, dịch bệnh đang tác động nghiêm trọng tới các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, nhiều doanh nghiệp (DN) rơi vào tình cảnh không dám nhận đơn hàng xuất khẩu (XK). Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, hiện nay khách hàng muốn ký hợp đồng rất nhiều nhưng DN này không dám nhận, chỉ dám nhận đơn hàng trong khoảng 50-70% công suất của nhà máy.

DN không dám nhận thêm đơn hàng

"DN không lo không bán được hàng mà chỉ lo không chế biến được. Nhu cầu thị trường đang tăng, đặc biệt thị trường Mỹ có nhu cầu tôm cỡ lớn mạnh", lãnh đạo Minh Phú cho biết.

Theo ông Quang, nếu nhà máy không sản xuất thì sẽ không thu mua tôm cho nông dân được. Chưa kể, hiện việc vận chuyển tôm về nhà máy cũng rất khó khăn. Tiêu thụ khó, bà con sẽ không thả tôm nuôi cho vụ sau. Từ tháng 10 đến tháng 12 là thời điểm thị trường thế giới có nhu cầu lớn, do vậy nếu không có giải pháp tháo gỡ, khi hết giãn cách xã hội sẽ thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng.

hoat-dong-xuat-khau-2950-1630486523.jpg

Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại.

Theo đó, lãnh đạo Minh Phú kiến nghị các tỉnh cần làm sao có giải pháp giãn cách nhưng lưu thông hàng hóa thuận tiện, để nhà máy thu mua thông suốt. Khi nhà máy thu mua tốt thì bà con sẽ thả nuôi. DN sẽ cùng các DN sản xuất tôm giống có chính sách giảm giá để hỗ trợ bà con nuôi thành công.

Trong khi đó, ông Nguyễn An Toàn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), cho hay, ngành kéo sợi là phân khúc đầu, một trong những phân đoạn thượng nguồn của chuỗi ngành dệt may. Toàn ngành kéo sợi hiện có 9,7 triệu cọc với tổng sản lượng 1,85 triệu tấn/năm. Kim ngạch XK năm 2019 của ngành sợi Việt Nam đạt gần 4 tỷ USD Mỹ, chiếm 10% tổng kim ngạch XK dệt may cả nước.

Tuy nhiên do khả năng hấp thụ của ngành dệt trong nước còn hạn chế, chỉ 600 nghìn tấn sợi được tiêu thụ nội địa, chiếm tỷ trọng 1/3 tổng sản lượng. Số còn lại 1,3 triệu tấn sợi dành để XK, chiếm tỷ trọng 2/3 tổng sản lượng.

Như vậy, ngành sợi trong nước đang phụ thuộc phần lớn vào XK nhưng lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2020, kim ngạch XK sợi của Việt Nam giảm 10,5% so với năm 2019, chỉ đạt 3,7 tỷ USD. Năm 2021, việc giá nguyên liệu, chi phí vận tải tăng cao, biến động khó lường, nhưng nhiều DN sợi vẫn nỗ lực cầm cự.

Đặc biệt, Quý III/2021, Việt Nam trải qua đợt bùng phát dịch lần thứ 4, trong quá trình thực hiện chỉ thị số 16/CT-TTg triển khai mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, DN sợi đã gặp thêm rất nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh về chi phí, thiếu hụt nguyên liệu và vật tư, khó khăn trong giao nhận hàng hóa và bộ chứng từ xuất nhập khẩu.

 

Ngoài ra, chi phí tăng cao do thiếu lái xe và các tài xế phải có xét nghiệm âm tính hàng tuần nên cước vận tải tăng, kéo theo đó những cước phí khác đều tăng theo. Cước container tăng chóng mặt và không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo đại diện VCOSA, hiện tại việc xuất nhập hàng rất khó khăn do vướng nhiều thủ tục phát sinh gây ra tắc nghẽn cục bộ; tình trạng vỏ container khan hiếm; nhiều chi phí dịch vụ cảng tăng cao... Đồng thời liên quan tới giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), thời hạn trả kết quả bị trì hoãn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trước thực tế trên, VCOSA đề nghị Chính phủ và các cơ quan ban ngành địa phương xem xét tinh giản quy trình, thủ tục, cho phép DN tự chịu trách nhiệm về việc bổ sung người lao động có kết quả âm tính vào làm việc tại nhà máy, DN đảm bảo tuân thủ việc khai báo trung thực và kịp thời thông qua các cơ quan giám sát về số lượng đăng ký lao động.

"Hiện nay, DN XK sợi đều phải thực hiện thủ tục hồ sơ xuất nhập khẩu và các nghiệp vụ liên quan bằng giấy (không có thủ tục online). Không phải tất cả đều sử dụng dịch vụ thông qua các công ty dịch vụ logistics. Rất mong các cơ quan ban ngành sớm áp dụng chuyển đổi số cho các dịch vụ trên, để giảm thiểu thời gian chờ đợi, đi lại, tăng năng suất và hiệu quả cho DN", ông Toàn kiến nghị.

VCOSA cũng kiến nghị: Chính phủ và các bộ, ban, ngành cần sớm xây dựng cơ chế, hệ thống hành lang pháp lý có thể kiểm soát được chất lượng, số lượng vỏ container, làm việc với các hãng tàu biển và các đại lý kinh doanh khai thác tại Việt Nam để giải quyết tắc nghẽn, tăng chuyến, tăng cường số lượng vỏ container về Việt Nam.

 

Mở rộng thị trường, tận dụng lợi thế từ các FTA

Trong báo cáo về hoạt động thương mại 8 tháng 2021 vừa công bố, Bộ Công Thương đã cho thấy quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng XK trong những tháng cuối năm, tận dụng tối đa lợi thế về thị trường, nhất là các FTA...

Báo cáo của Bộ Công Thươn phân tích, trước tác động của dịch bệnh COVID-19, ách tắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa đã và đang được tập trung tháo gỡ quyết liệt. Tuy nhiên tại một số địa phương, công tác tổ chức thực hiện có nơi, có lúc còn cứng nhắc, ban hành một số quy định không phù hợp, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các cơ quan trung ương.

Các nhà máy, đơn vị sản xuất đóng tại địa phương là một mắt xích của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nên khi bị gián đoạn tại một địa phương đã tác động dây chuyền, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN sản xuất, XK bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại, trong đó việc Mỹ và EU tái mở cửa nền kinh tế nhờ tiến trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 được triển khai rộng rãi đang tác động tích cực tới nhu cầu hàng hóa của các thị trường này.

 

Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định: "Theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm dần vào cuối năm, trong khi XK tăng trong những tháng cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa XK của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao phục vụ cho mùa tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, đồ gỗ, hàng dệt may, da giày và thủy sản… Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện dần trong thời gian tới".

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng bày tỏ lo ngại làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 trong nước, đặc biệt là tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, XK từ tháng 7 đến nay. Do đó, tăng trưởng sản xuất và xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn quốc.

Từ nay đến cuối năm để ngăn chặn đà suy giảm XK do ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường XK, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn DN chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.

Đồng thời, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 23/8/2021 về tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm