Thị trường

Xuất khẩu thủy sản nỗ lực về đích

DNVN - Do tác động của nhiều nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản 11 tháng của năm 2023 chỉ đạt 8,24 tỷ USD, giảm gần 18,9%. Dự báo cả năm 2023, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9 tỷ USD, thấp hơn so cùng kỳ năm ngoái.

Liên kết chuỗi giá trị cho Đồng bằng Sông Cửu Long / Giá lúa gạo Đồng bằng Sông Cửu Long tăng nhẹ

Khó vì giá thành

Nhiều tháng qua, hầu hết người nuôi tôm, cá ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long khá chật vật, bởi ảnh hưởng giá thấp. Gần đây, giá có cải thiện và nông dân kỳ vọng thời điểm cuối năm việc tiêu thụ tôm, cá sẽ mạnh lên nhằm bù đắp cho thời gian đầu gần như chịu lỗ.

Nông dân nuôi cá tra gặp khó khi giá cá sụt giảm dưới mức giá thành sản xuất.

Nông dân nuôi cá tra gặp khó khi giá cá sụt giảm dưới mức giá thành sản xuất.

Nông dân Lê Văn Kỳ (ngụ xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết, hiện giá tôm thẻ loại 50 con/kg có giá khoảng 115.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con/kg giá 105.000 đồng/kg; tôm càng xanh loại 20 con/kg giá khoảng 100.000 đồng/kg… Theo ông Kỳ, mặc dù giá này có cải thiện so với các tháng trước, nhưng vẫn còn thấp hơn năm 2022.

Tương tự, đối với việc nuôi và xuất khẩu cá tra cũng vậy, các doanh nghiệp đang mua cá tra nguyên liệu khoảng 26.000 đồng/kg, trong khi chi phí giá thành sản xuất là 28.000 đồng/kg nên người nuôi chịu lỗ.

Lý giải cho việc này, ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Thủy sản Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, sở dĩ giá thành nuôi cá ngày càng cao là do tình hình dịch bệnh, nguồn giống suy giảm chất lượng dẫn đến tỷ lệ hao hụt nhiều, cộng với thức ăn giá cao và thời gian nuôi kéo dài.

Còn theo lãnh đạo Hợp tác xã Nuôi thủy sản Đại Thắng (xã Đại Thành, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), thị trường cá tra năm nay biến động quá lớn, khiến người nuôi trở tay không kịp. Vào những tháng trước đây, giá cá tra bảo đảm cho người nuôi có lãi, tuy nhiên đa số nông dân ở đây không được hưởng lợi nhiều, vì không có cá để bán. Trong khi niềm vui giá tăng chưa được bao lâu thì đã quay đầu giảm mạnh, thấp hơn giá thành sản xuất, khiến nhiều người nuôi bị lỗ nặng.

Nông dân thu hoạch tôm.

Nông dân thu hoạch tôm.

Về thị trường tôm, lãnh đạo Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Bạch Linh (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, tôm của Việt Nam phải cạnh tranh với tôm giá rẻ từ Ecuador, lạm phát trên thế giới đã ảnh hưởng đến chi phí đầu vào tăng, đồng Euro mất giá, nhu cầu tiêu thụ giảm, khiến xuất khẩu những tháng đầu năm 2023 khó khăn.

“Vài tháng nay, tình hình có cải thiện và công ty chúng tôi đang đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, mở rộng thị trường Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Để gia tăng xuất khẩu vào cuối năm, công ty cần sự hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi nhằm mở rộng, nâng cấp máy móc trang thiết bị để chế biến sản phẩm chất lượng đáp ứng những thị trường khó tính”, lãnh đạo công ty Bạch Linh đề xuất.

Việc gặp khó trong việc xuất khẩu cá tra trong thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra hàng đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long đều nhìn nhận, từ khi xảy ra dịch COVID-19 thì ngành cá tra đã gặp khó, song năm nay lại càng khó hơn bởi nhu cầu của các quốc gia nhập khẩu lớn về mặt hàng này giảm mạnh.

Ông Nguyễn Văn Đạo - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản Gò Đàng (tỉnh Tiền Giang) cho rằng, hiện nay, tình hình “ăn hàng” của thế giới đã tốt lên, song giá cả xuất khẩu các sản phẩm cá tra ra châu Âu, châu Á, Mỹ… tăng chậm và còn dao động ở mức thấp, khiến các doanh nghiệp chưa mạnh dạn giao hàng.

Theo ông Đạo, do thị trường vẫn còn ở trạng thái tăng chậm so với các năm trước, vì vậy từ nay đến cuối năm đa phần các doanh nghiệp không tuyển thêm công nhân, mà chỉ duy trì việc làm cho số lao động hiện tại. “Trước mắt, doanh nghiệp nỗ lực đàm phán để nâng giá xuất cho nhu cầu tiêu thụ đón năm mới 2024. Đồng thời mở thêm các thị trường tiềm năng. Một khi nhu cầu tiêu thụ của thế giới tăng lên sẽ kéo giá tăng theo và việc đẩy mạnh xuất khẩu mới có hiệu quả”, ông Đạo nhận định.

Giải bài toán giá

Về tình hình xuất khẩu cá tra hiện nay, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam chia sẻ, xuất khẩu cá tra trong 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 1,5 tỷ USD, giảm 28% so cùng kỳ. Gần đây nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá tra trên thế giới có cải thiện, nhất là dịp lễ Giáng sinh và đón năm mới 2024. Những thị trường như Mỹ, Trung Quốc, khối CPTPP… đều tăng số lượng đơn đặt hàng.

“Mặc dù sự phục hồi chưa mạnh mẽ như mong muốn nhưng dấu hiệu đã có cải thiện. Để cá tra tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới thì bài toán giảm giá thành cần nhanh chóng tính đến”, ông Quốc nói.

Ông Quốc dự báo, xuất khẩu cá tra năm 2023 về đích khoảng 1,7 tỷ USD, giảm khoảng 28% so năm trước. Điều này chúng ta phải chấp nhận trong tình hình thế giới có nhiều biến động. Song, vấn đề mang tính sống còn của đối với ngành cá tra là cấp bách khắc phục hàng loạt hạn chế.

Theo đó, cải thiện nhanh chất lượng con giống đã suy giảm từ nhiều năm qua làm ảnh hưởng chất lượng cá tra thương phẩm. Việc này, mấy năm qua ngành nông nghiệp đã triển khai đề án “giống cá tra 3 cấp” cho các địa phương. Do đó, cần hoàn thiện sớm để triển khai rộng rãi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người nuôi áp dụng.

a

Dự báo xuất khẩu cá tra năm 2023 về đích khoảng 1,7 tỷ USD, giảm khoảng 28% so năm trước.

“Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra về chất lượng, quản lý chặt tỉ lệ mạ băng, độ ẩm… của các sản phẩm cá tra trước khi xuất ra thế giới. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tránh sự cạnh tranh lẫn nhau, đồng thời đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị từ người nuôi đến doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp xuất khẩu, ngân hàng để thống nhất sản lượng nuôi, thời vụ thu hoạch, sản phẩm chế biến và giá cả xuất khẩu, có như vậy ngành cá tra mới thoát khỏi cảnh bị đọng như hiện nay”, ông Quốc kiến nghị.

Đối với con tôm, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính hết tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu hơn 2,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ. Để đạt được con số 3,6 tỷ USD thì còn rất nhiều việc phải làm.

Trước mắt cần tận dụng lợi thế địa lý để đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc, nhất là tôm sú. Ở thị trường châu Âu cần tăng cường xuất tôm hữu cơ, các mặt hàng giá trị gia tăng. Đồng thời, tận dụng triệt để lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU để tăng sức cạnh tranh. Về lâu dài, phải giải cho được bài toán về chất lượng con giống suy giảm, chi phí đầu vào cao, chi phí logistic cao, tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, dịch bệnh dẫn đến giá thành tôm của Việt Nam cao hơn thế giới, gây bất lợi về cạnh tranh.

Để giải quyết vấn đề giá thành tôm, lãnh đạo Công ty cổ phần Nha Trang Seafoods-F89 (tỉnh Bạc Liêu) cho rằng, cần tăng tỷ lệ thu hồi, tức là tăng tỷ lệ thành công từ ao nuôi. Như vậy, cần con tôm giống tốt và quy trình nuôi phù hợp, chú trọng tối ưu hệ số thức ăn, bởi thức ăn chiếm hơn 50% giá thành nuôi tôm thành phẩm.

Ngoài ra, cần xem xét giá cả tại các cơ sở cung ứng đầu vào, đặc biệt là thức ăn và các chế phẩm nuôi tôm. Cải thiện giá thành nuôi sẽ góp phần cải thiện giá thành tôm chế biến, sẽ tăng sức cạnh tranh giá bán trên thương trường thế giới.

Bên cạnh đó, ngành tôm cần có giải pháp tăng các cơ sở nuôi đạt chuẩn chất lượng thị trường yêu cầu, cụ thể như ASC, Global GAP… Đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản với nhau, bởi nếu hoạt động riêng lẻ sẽ khó cạnh tranh với thế giới.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm