Thị trường

Xuất khẩu thủy sản sang EU tăng 20%

Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường EU 6 tháng năm 2021 đạt trên 486 triệu USD, tăng 20%.

Giải pháp nào cho quá trình cung ứng nông sản không bị ngưng trệ? / Khả năng tự cung ứng lương thực của TP Hồ Chí Minh chỉ đảm bảo 10-15% nhu cầu

Trong đó, xuất khẩu các sản phẩm hải sản khai thác tăng 24% đạt 154 triệu USD (chiếm 32%) thuỷ sản nuôi trồng tăng 18% đạt 333 triệu USD (chiếm 68%). EU hiện là thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc) chiếm trên tỷ trọng 11%, những thị trường chi phối trong khối này là Hà Lan, Đức, Bỉ, Italy là những thị trường chính tiêu thụ tôm và cá ngừ của Việt Nam.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, thủy sản là một trong nhưng mặt hàng đã khai thác khá tốt các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) trong gần 1 năm qua, kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực.

“Thủy sản là ngành mà có giá trị gia tăng rất cao và là ngành giúp cho chúng ta chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu, ngành này ngay trong 6 tháng đầu tiên trong năm đầu tiên thực thi Hiệp định thì khả năng tận dụng cơ hội đạt được là trên 70% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, tức là con số rất khá so với những hiệp định khác” - ông Lương Hoàng Thái nói.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) EU chiếm trên 14% xuất khẩu tôm của Việt Nam, đứng thứ 3 sau thị trường Mỹ, Nhật Bản. 6 tháng năm 2021, xuất khẩu tôm chiếm tỷ trọng cao nhất, 52,5% tổng kim ngạch thuỷ sản sang EU với 256 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng tôm chân trắng trên 205 triệu USD, tăng 31%, tôm sú 36,5 triệu USD, tăng 15%, còn lại là các loại tôm biển và tôm hùm.

Đối với cá ngừ, EU chiếm 21% đứng sau Mỹ. EU chỉ còn chiếm 7,4% tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Chỉ với mặt hàng nghêu xuất khẩu, EU chiếm vị trí “thống trị” với trên 70% xuất khẩu của Việt Nam.

Xuất khẩu mực, bạch tuộc, nghêu, cá ngừ và các loại cá biển khác sang thị trường EU trong nửa đầu năm cũng mang lại kim ngạch khả quan hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó mực tăng 56% đạt gần 21 triệu USD, bạch tuộc tăng 33% đạt 5,5 triệu USD.

Xuất khẩu nghêu sang EU tăng mạnh 45% đạt 33 triệu USD, đây cũng là mặt hàng quan trọng xuất khẩu sang EU, chiếm 7%. Cá ngừ là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ 2 sang EU với trên 74 triệu USD, tăng 31%, chiếm trên 15%.

Xuất khẩu các loại cá biển khác sang EU chỉ chiếm 7% với khoảng 33 triệu USD, tăng 21%. Trong đó chủ yếu là cá tuyết với gần 5 triệu USD là sản phẩm gia công từ nguyên liệu xuất khẩu từ nước khác. Các sản phẩm khác từ cá biển gồm surimi (tăng gấp đôi lên 4 triệu USD) cá cờ…Nguồn nguyên liệu cá biển hạn chế, cùng với quy định chứng nhận, xác nhận nguyên liệu khai thác theo quy định IUU của EU càng khiến cho các loại cá biển khó xuất khẩu sang EU.

 

Trong nhóm cá nuôi, ngoài cá tra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng xuất khẩu cá nước ngọt khác như cá trê, cá rô phi với giá trị khoảng 4 triệu USD, tăng trên 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kinh tế các nước EU đang hồi phục nhờ những chuyển biến tích cực sau chương trình tiêm phòng vaccine chống Covid-19 và các gói hỗ trợ kinh tế. Nhu cầu nhập khẩu thuỷ sản từ thị trường EU bắt đầu tăng mạnh từ tháng 3/2021 và dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm. Việt Nam có thế nắm bắt được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này nếu nhanh chóng kiểm soát được dịch Covid-19 đang bùng phát ở TP.HCM và một số tỉnh ĐBSCL.

Tuy nhiên, với thực trạng dịch Covid-19 như hiện nay cùng với vấn đề thẻ vàng IUU, xuất khẩu thuỷ sản sang EU nửa cuối năm không thể duy trì tăng trưởng như nửa đầu năm. Ước tính xuất khẩu thuỷ sản sang EU nửa cuối năm đạt khoảng 600 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2021 lên 1,087 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2020.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm