Thị trường

Xuất khẩu tiêu khó chồng khó

Năm 2020, tình trạng dư cung được dự báo sẽ tiếp diễn, khiến giá xuất khẩu hạt tiêu tiếp tục ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, từ tháng 10, xuất khẩu tiêu vào EU sẽ càng khó khăn hơn khi phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật vô cùng khắc nghiệt.

Bàn giải pháp tiêu thụ nông sản / Người dân đang chi tiêu thế nào trong mùa dịch nCoV?

Giao dịch trầm lắng khiến xuất khẩu hạt tiêu tháng 1/2020 giảm mạnh cả lượng và giá trị. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu tháng 1 đạt 14,6 nghìn tấn, trị giá 35,85 triệu USD, giảm 11,6% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với tháng 12/2019, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 23,9% về lượng và giảm 36,8% về trị giá.

Giá tiêu tiếp tục “lao dốc không phanh”

Năm 2019, xuất khẩu tiêu đạt 284 nghìn tấn và 715 triệu USD, tăng 23,4% về khối lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với năm 2018; giá xuất khẩu bình quân ước đạt 2.516 USD/tấn, giảm 23,6%.

Ngành hồ tiêu Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao (Ảnh: Internet)
Ngành hồ tiêu Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao (Ảnh: Internet)

Tháng 1/2020, xuất khẩu hạt tiêu sang nhiều thị trường giảm so với tháng 1/2019, như: Mỹ, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Thái Lan, Hàn Quốc, Anh. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đạt mức 2.443 USD/tấn.

Tại thị trường trong nước 15 ngày đầu tháng 2/2020, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng giảm mạnh. Cụ thể: ngày 14/2/2020, giá hạt tiêu đen giảm 6,2-7,7% so với ngày 31/1/2020. Giá hạt tiêu trắng (tiêu đã bóc vỏ) ngày 14/2 ở mức 58.000 đồng/kg, giảm 4,9% so với cuối tháng 1/2020 và giảm mạnh so với mức 73.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2019.

Đến ngày ngày 25/2, giá tiêu đen trên toàn vùng Tây Nguyên và miền Nam chỉ dao động trong khoảng 37.000 – 39.500 đồng/kg. Đây là mức quá thấp, sâu dưới ngưỡng giá thành sản xuất; chỉ còn bằng 1/5 so với mốc giá cao nhất đạt được 200.000 - 220.000 đồng/kg cách đây 5 năm.

Lý giải nguyên nhân khiến xuất khẩu tiêu tiếp tục xuống dốc, các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam chịu tác động do phía Trung Quốc tạm thời đóng cửa các cửa khẩu biên giới đất liền nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu sang Trung Quốc chủ yếu qua các cửa khẩu Lào Cai và Thanh Thủy (Hà Giang), chiếm lần lượt 55,9% và 31,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Tuy nhiên, không phải đến bây giờ xuất khẩu tiêumới suy giảm, mà đã “trượt dài” suốt mấy năm qua, nguyên nhân từ tình trạng cung vượt cầu. Theo Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC), năm 2019, nguồn cung hạt tiêu toàn cầu vẫn cao hơn khoảng 60.000 – 70.000 tấn so với nhu cầu. Việt Nam là nước sản xuất hạt tiêu lớn nhất thế giới, sản lượng hàng năm 170.000 tấn, trong đó xuất khẩu chiếm đến gần 95%.

Năm 2020, tình trạng dư cung được dự báo sẽ tiếp diễn, gây áp lực lên giá hạt tiêu. Nguyên nhân là diện tích trồng tiêu từ năm 2016 - 2017 ở các nước sản xuất lớn đã đến lúc cho thu hoạch với sản lượng cao.

EU áp mức dư lượng khắt khe

Đáng chú ý, những năm gần đây, hạt tiêu Việt Nam đã bị một số thị trường cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nhiễm nấm mốc, vi khuẩn Salmonella SPP. Thời gian tới, xuất khẩu hạt tiêu sẽ còn phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật khắc nghiệt hơn. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Dự thảo quy định mức dư lượng tối đa của tất cả các sản phẩm có chứa hoạt chất Chlorpyrifos và Chlorpyrifos-methyl sẽ giảm xuống 0,01 mg/kg và sẽ có hiệu lực vào tháng 10/2020.

Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu đã thông báo, thuốc BVTV có chứa Chlorpyrifos không đáp ứng các tiêu chí phê duyệt áp dụng cho sức khỏe con người. Trước đó, tại cuộc họp cuối năm 2019, các nước EU đã bỏ phiếu cấm hoàn toàn thuốc BVTV có chứa hoạt chất Chlorpyrifos trên thị trường châu Âu, sau đó đã gửi thông báo tới Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). EU cũng đã ban hành Quy định thực thi số EU 2020/17 và EU 2020/18 vào giữa tháng 1/2020.

 

Ngày17/1, IPC, đại diện của thành viên là các nước sản xuất hồ tiêu phối hợp với Chính phủ và ngành công nghiệp gia vị đã gửi thư đến EU, yêu cầu về thời gian chuyển tiếp dài hơn để các nước thành viên IPC tuân thủ quy định mới. Bản thân các quốc gia thành viên của IPC như Malaysia, Việt Nam cũng gửi công văn với yêu cầu tương tự, đề nghị xem xét kéo dài thời gian chuyển tiếp khả thi hơn.

Ngày 7/2/2020, Hiệp hội Gia vị châu Âu (với hơn 400 thành viên là công ty có trụ sở tại châu Âu) đã yêu cầu thời gian chuyển tiếp thích hợp là 2 năm cho đến khi quy định mới có hiệu lực; cũng như miễn thu hồi các sản phẩm đã được sản xuất và hiện đang lưu thông trên thị trường. Trước các động thái trên, tại cuộc họp vào ngày 17-18/2/2020, EU đã nhất trí lùi thời điểm thực thi Quy định thực thi số EU 2020/17 và EU 2020/18 đến 10/2020.

Cho dù giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRL) được điều chỉnh, nhưng mức MRL mới là 0,01 mg/kg cùng thời gian có hiệu lực vào tháng 10/2020 được các chuyên gia cảnh báo sẽ tạo ra những biến cố đáng kể lên ngành nông nghiệp và các bên liên quan, trong đó có ngành hồ tiêu.

Hiện tại, Chlorpyrifos và Chlorpyrifos-methyl vẫn được phép sử dụng trong ngành nông nghiệp tại một số quốc gia cung cấp hồ tiêu cho châu Âu, trong đó có Việt Nam. Việc loại bỏ các hóa chất trên, nông dân sẽ mất một công cụ quan trọng trong việc diệt trừ côn trùng gây hại làm giảm năng suất. Với cây hồ tiêu, chu kỳ trồng trọt (thu hoạch, xuất khẩu và thương mại) phải mất ít nhất 3 năm. Như vậy, nếu chuyển đổi cách thức phòng trừ dịch bệnh, không sử dụng các hóa chất trên nữa, thì cũng phải mất 2-3 năm mới có sản phẩm đạt được tiêu chuẩn hàm lượng MRL mới là 0,01 mg/kg theo EU quy định. Hơn nữa, liên quan đến hồ tiêu, các MRL mới sẽ giáng một đòn mạnh vào xu hướng giảm giá tiêu đang diễn ra do nông dân phải bắt đầu tìm thuốc trừ sâu sinh học khác để thay thế Chlorpyrifos với chi phí cao hơn nhiều nếu muốn giữ sản lượng.

Theo VPA, hoạt động thương mại hồ tiêu sẽ bị ảnh hưởng lớn vì thời gian chuyển tiếp quá ngắn đối với loại thuốc BVTV đang được sử dụng khá rộng rãi này. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tất cả các sản phẩm đã được sản xuất cũng như đang ở trên kệ hàng không đáp ứng yêu cầu MRL mới và cần phải tiêu hủy. Như vậy sẽ gây lãng phí tài chính nghiêm trọng đến ngành thương mại hồ tiêu thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.

 

Các chuyên gia khuyến cáo, đối với thị trường Trung Quốc, trong bối cảnh diễn biến của dịch Covid- 19 còn rất phức tạp, để hạn chế tác động tới ngành hạt tiêu, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuyển đổi hình thức giao nhận hàng, đẩy mạnh xuất khẩu theo đường biển, hay đường sắt liên vận. Đối với hạt tiêu xuất khẩu vào EU, Việt Nam cần tập trung vào cải thiện chất lượng hạt tiêu, giảm sử dụng hóa chất và phát triển sản xuất hạt tiêu hữu cơ. Việc phát triển chuỗi cung ứng hồ tiêu bền vững, xây dựng nền tảng liên kết nâng cao chuỗi giá trị, chế biến, xuất khẩu hồ tiêu gắn với vùng nguyên liệu là vấn đề cốt yếu. Đồng thời, cần đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như: sản phẩm tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu…

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm