Thị trường

Xuất khẩu tôm hướng tới hơn 4 tỷ USD năm 2022

Vượt qua khó khăn năm 2021, ngành tôm tiếp tục phải thực hiện hàng loạt giải pháp để thực hiện mục tiêu xuất khẩu đạt giá trị trên 4 tỷ USD cho năm 2022.

Vĩnh Phúc hướng đến trở thành trung tâm sản xuất ô tô khu vực / NHNN sẽ sớm đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia

Xuất khẩu tôm tăng mạnh

Xuất khẩu tôm những tháng cuối năm tăng mạnh mẽ. Đây thực sự là một dấu hiệu khả quan trong năm nay, khi ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức như thời tiết khí hậu bất thường, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Tính riêng trong tháng 11, trị giá xuất khẩu tôm đã đạt gần 370 triệu USD. Tính chung đến hết tháng 11, trị giá xuất khẩu tôm đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường thuận lợi, giá tôm có xu hướng tăng cao là yếu tố quan trọng để ngành tôm Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm tận dụng tốt cơ hội nhanh chóng phục hồi sau đợt giãn cách xã hội kéo dài.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2021 ước đạt 4,65 triệu tấn, tăng 1,97 % so với năm 2020, trong đó sản lượng tôm nuôi các loại đạt 970 nghìn tấn. Xuất khẩu tôm tới chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Mỹ, EU và Australia là các thị trường tăng trưởng mạnh trong năm vừa qua.

Xuất khẩu tôm hướng tới hơn 4 tỷ USD năm 2022 - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến tôm. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Hiện nay, tôm chân trắng và tôm sú xuất khẩu có Việt Nam có nhiều nước cạnh tranh nhất là tại những thị trường lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh… Nhưng tôm Việt Nam có vị trí số 1 nhờ chất lượng ổn định, từ tôm nguyên liệu đông lạnh đến chế biến giá trị gia tăng có sản phẩm rất đa dạng phù hợp với mọi phân khúc thị trường cho các thị trường nhập khẩu.

Tuy nhiên, tại hội nghị mới đây của Bộ NN&PTNT bàn giải pháp trọng tâm cho phát triển ngành nuôi tôm trong tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, một số tỉnh thành trọng điểm về nuôi tôm cũng chỉ ra những khó khăn tồn tại như giá thành sản xuất tôm ở vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực do thức ăn nuôi tôm chiếm tới 65% giá thành sản xuất.

Do đó sản lượng thuỷ sản nuôi trong năm tăng cao nhưng so về hiệu quả kinh tế lại giảm. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ tín dụng, ngân hàng chưa thật sự mạnh dạn cho người nông dân vay vốn để sản xuất.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu trên 4 tỷ USD vào năm 2022, Bộ NN&PTNT cũng sẽ đẩy mạnh sản xuất theo liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ trong sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm hiệu quả, liên kết giữa các địa phương nuôi tôm để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Xúc tiến hoạt động xuất khẩu thông qua các hội chợ thương mại quốc tế.

Tăng cơ hội xuất khẩu tôm vào Mỹ

 

Bên cạnh ứng dụng công nghệ cao, ngành thủy sản cũng đang tập trung vào việc nội địa hóa tôm bố mẹ để chủ động được nguồn tôm giống chất lượng, sạch bệch. Mục tiêu là đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính.

Việc chủ động chất lượng nguồn tôm giống là rất quan trọng khi quy định nhập khẩu tại nhiều thị trường tiềm năng của Việt Nam ngày càng khắt khe hơn.

Theo Hiệp hội chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong năm qua chiếm tới 28%. Hay khối thị trường CPTPP có xu hướng phục hồi trong giai đoạn cuối năm, tính tới tháng 11 năm nay ước đạt hơn 905 triệu USD, chiếm 25%.

Năm 2022, thị trường xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam là Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng mạnh do nhu cầu của Mỹ và Việt Nam chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19. Đặc biệt, tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ ngày càng cạnh tranh hơn khi Ấn Độ cũng gặp nhiều rào cản do dịch COVID-19.

Ngoài ra, ngành thủy sản của Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng khi Mỹ tăng gấp đôi thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu của Ấn Độ từ 3% lên 7,15% vào tháng 11/2021.

 

Cũng theo VASEP, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam có nhiều lợi thế sau khi Hiệp định CPTPP được thực thi. Trong năm nay, trong số top 4 thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất trong khối, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản phục hồi chậm, trong khi các thị trường Canada, Australia, Singapore có xu hướng phục hồi tốt.

Các thị trường Canada, Australia, Singapore được coi là những khu vực kiểm soát khá tốt dịch bệnh COVID-19 nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tại đây không bị ảnh hưởng nhiều.

Xuất khẩu tôm hướng tới hơn 4 tỷ USD năm 2022 - Ảnh 2.

Tận dụng lợi thế từ những FTA

Thủy sản là một trong những ngành hưởng lợi nhiều nhất từ 16 FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định EVFTA và gần đây nhất là FTA giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)…

Các FTA này đều đang có tác động tốt đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong thời gian tới.

 

Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao năng lực tổ chức sản xuất đảm bảo theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc với quy trình từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y phòng bệnh, an toàn sinh học đến thu hoạch, sơ chế và chế biến phục vụ xuất khẩu tôm.

Để khai thác tốt cơ hội về thị trường, năng suất và chất lượng là 2 yếu tố then chốt. Để tận dụng tốt các FTA, bên cạnh những giải pháp từ các ngành chức năng, bản thân các doanh nghiệp cần tìm hiểu để nắm được yêu cầu tiêu chuẩn và quy chuẩn của từng thị trường.

Trên cơ sở đánh giá chung về thị trường, các nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến cần chuẩn bị những giải pháp kỹ thuật và xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường một cách chủ động hơn.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm