Thị trường

Xuất siêu 1,64 tỷ USD, Việt Nam giám sát đặc biệt hàng hóa nguy cơ 'đội lốt'

Trước nguy cơ hàng Trung Quốc “mượn đường”, “mượn xuất xứ” Việt Nam để vào Mỹ, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát đặc biệt đối với các mặt hàng có nguy cơ.

Xuất khẩu thủy sản sang thị trường CPTPP: Đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe / Xuất khẩu lâm sản duy trì đà tăng trưởng mạnh

Việt Nam xuất siêu 1,64 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm đã vượt mức 200 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 122,42 tỷ USD, tăng 7,1%, nhập khẩu ước đạt 120,78 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Ảnh minh họa

5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt và may mặc; giày dép các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.

Trong khi đó, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản lại gặp nhiều khó khăn donhu cầu và giá nông sản có xu hướng giảm (giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2018, ước đạt 12,4 tỷ USD).

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu tăng mạnh do Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết.

Riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 tăng 27,4% so với cùng kỳ, ước đạt 27,5 tỷ USD (cùng kỳ năm trước tăng 9,8%).

Về kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 120,78 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất, đạt 23,87 tỷ USD. Nhập khẩu rau quả cũng tăng 35,1%. Đáng chú ý, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu tăng tới 6,6 lần về lượng và 5,5 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, đạt 56.670 chiếc với trị giá 1,07 tỷ USD.

 

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, từ đầu năm 2019 đến nay, mặc dù có sự thâm hụt thương mại trong một vài tháng nhưng tính chung 6 tháng đầu năm, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu, với kim ngạch xuất siêu ở mức 1,64 tỷ USD.

Nguy cơ hàng Trung Quốc “mượn đường”, “mượn xuất xứ” Việt Nam để vào Mỹ

“Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực tăng thấp hoặc giảm như Singapore 5 tháng năm 2019 giảm 0,88%%; Thái Lan giảm 2,7%, Ấn Độ chỉ tăng 2,37%; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng thì kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam có thể xem là một kết quả khá tích cực cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp”, Bộ Công Thương cho hay.

Tuy xuất khẩu tăng nhưng theo Bộ Công Thương là chưa bền vững. Tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như biến động của giá cả thị trường thế giới, gia tăng các rào cản thương mại, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu.

Chẳng hạn, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều trở ngại khi kể từ tháng 5/2019, Trung Quốc đã tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và dưa hấu nói riêng.

 

Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, đặc biệt đang thực hiện các Hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP, Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu-EVFTA, chúng ta cần tạo môi trường đầu tư, sản xuất thông thoáng nhằm nắm bắt cơ hội.

Mặt khác, cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ để phát triển bền vững.

“Yêu cầu này ngày càng trở nên cấp thiết khi xu thế bảo hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, xung đột thương mại Mỹ-Trung diễn biến phức tạp”, Bộ Công Thương nhận định.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, khơi thông thị trường xuất khẩu; phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như chống trợ cấp, chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, vấn đề gian lận xuất xứ khi nguy cơ hàng hóa Trung Quốc “mượn đường” và “mượn xuất xứ” của Việt Nam để vào Mỹ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị đặc biệt quan tâm đến những nhóm mặt hàng có "nguy cơ" như thủy sản, nông sản, dệt may, da giày, gia dụng, điện tử... và các thị trường trọng điểm như Châu Âu, Canada, Hoa Kỳ... cần có cơ chế giám sát đặc biệt.

 

Theo infonet.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm