Tin tức - Sự kiện

Kỳ 1: Trung thu nào cho trẻ em?

“Đời sống người dân tăng lên nên cách thức đón trung thu cũng ngày càng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, điều này vô tình làm con người dần dần tách ra khỏi tự nhiên. Cuộc sống đô thị khiến mọi người gắn liền với căn nhà của mình chứ ít dịp ra ngoài tham gia các lễ hội” - PGS.TS văn hóa Phạm Ngọc Trung nhận định.

Trung thu xưa…

Trong kí ức tuổi thơ của nhiều thế hệ, từ rằm tháng Bảy, các em nhỏ đã háo hức đếm ngược từng ngày đến lễ Trung thu. Bạn Chi (Sinh viên năm thứ 3 - Đại học Ngoại thương) kể lại: “Hồi bé, trước trung thu cả tuần, mình đã được bố mẹ “sắm” sẵn trống con, đèn ông sao. Cảm giác khi ấy rất hồi hộp, mình lúc nào cũng ôm khư khư cái đèn, đến nỗi có lần, cán đèn còn gẫy trước cả hôm rằm. Đêm trung thu, mình cùng các bạn trong xóm rước đèn đi vòng quanh khu dân cư rồi tập trung ở sân chơi chung, cùng nhau phá cỗ, mẫm cỗ có thỏ bưởi, táo đội mũ chóp,... Đấy là “tiết mục” mà trẻ con bọn mình thích nhất!”

Mâm ngũ quả trong kí ức nhiều thế hệ. Ảnh: Internet

 

Khoảng hơn chục năm về trước, vào đêm rằm tháng Tám, đâu đâu cũng nô nức tiếng trẻ con rủ nhau đi rước đèn. “Hồi ấy, cứ mỗi dịp trung thu, phường mình tổ chức rất “hoành tráng”. Sau khi phá cỗ, một anh lớn cầm đầu lân dắt theo mấy đứa nhỏ hơn đi khắp phố, rước vào từng nhà trong xóm. Ngay cả những bạn nhút nhát như mình cũng có thể tham gia.” - Thu (Sinh viên năm cuối - Đại học Văn hóa) chia sẻ - “Còn bây giờ, chẳng còn mấy nơi cho trẻ em đi rước đèn như trước nữa”.

Có lẽ, ấn tượng mạnh mẽ nhất về ngày Trung thu của trẻ em thế hệ 8x, 9x là được xem biểu diễn múa lân. Những con sư tử được chuẩn bị từ trước đấy rất lâu, vô cùng cầu kì. Người có trách nhiệm múa sư tử cũng phải tập luyện cẩn thận, kĩ lưỡng. Múa lân không chỉ phục vụ các em nhỏ trong ngày rằm tháng Tám mà trước đó, những chú sư tử còn tới múa biểu diễn ở các nhà. Họ coi đó là mang may mắn tới cho gia chủ, bên cạnh việc tạo không khí, tiếng cười cho thiếu nhi. Tiếng trống đánh rộn ràng, náo nhiệt, trẻ em rước đèn cù, đèn ông sao đi theo hát cười đầy hân hoan…

 …nay còn đâu?

Trung thu ngày nay có hình ảnh của xã hội hiện đại hóa. Theo PGS.TS văn hóa Phạm Ngọc Trung: “Đời sống người dân tăng lên nên cách thức đón trung thu cũng ngày càng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, điều này vô tình làm con người dần dần tách ra khỏi tự nhiên. Cuộc sống đô thị khiến mọi người gắn liền với căn nhà của mình chứ ít dịp ra ngoài tham gia các lễ hội”.

 

PGS.TS văn hóa Phạm Ngọc Trung

 

Thiếu không gian chơi, trẻ em không còn đủ chỗ cho các trò chơi vận động ngoài trời như: trốn tìm, bịt mắt bắt dê hay hội rước đèn,... Thậm chí ở nhiều phường dân cư, tết Trung thu giờ đây chỉ còn là hình thức, mỗi em được phát cho một túi quà bánh tượng trưng về tận nhà. “Bọn em không còn khái niệm “phá cỗ” từ lâu lắm rồi!” - Sơn (Lớp 11 trường THPT Marie Curie) chia sẻ . “Tết Trung thu chỉ có rủ nhau lên Hàng Mã mua tàu chạy bằng dầu thả vào chậu nước để chơi đánh trận giả thôi” - Sơn nói thêm.

Còn đối với cô bé Trang (Học sinh lớp 5 - Trường Tiểu học Thành Công B), Trung thu chỉ là những buổi liên hoan ngọt được tổ chức trên lớp học cùng cô giáo và bạn bè: “Các bạn học sinh, mỗi người tự mang bánh kẹo, hoa quả đến góp vào bàn tiệc chung. Chúng em được học làm bánh trung thu rồi liên hoan tại lớp”. Trang tỏ ra khá lạ lẫm khi được hỏi về tiệc “phá cỗ”, “trông trăng”. Em tâm sự: “Trung thu mọi năm, em toàn ở nhà chứ không được đi chơi đâu.”

Lý giải cho hiện tượng này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng: “Đời sống xã hội ngày càng được cải thiện, kéo theo ngày càng nhiều lễ hội. Ngoài Trung thu là dịp tết dành cho thiếu nhi, còn có ngày 1-6, ngày Halloween, ngày Noel,... Trẻ em nằm chung trong guồng máy của xã hội cũng bị lôi cuốn vào đó. Trước kia, lễ tết không nhiều và tết Trung thu chỉ dành riêng cho thiếu nhi nên các em nhỏ rất mong chờ ngày này. Còn bây giờ, Trung thu không còn là dịp quá hấp dẫn với các em nữa”. 

Cùng với đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp được hình thành. Không chỉ những người sống ở các đô thị lớn, người nông dân cũng bị cuốn vào nền kinh tế thị trường, tập trung làm ăn. Vì vậy, sự quan tâm đến sinh hoạt vui chơi của con cái mang nặng yếu tố vật chất, chứ không còn chú trọng đến mặt tinh thần như trước. Thay vì tổ chức những buổi lễ vui chơi tập thể trong ngày tết Trung thu, trẻ em được đáp ứng những món đồ chơi đắt tiền và chúng hài lòng với điều đó.

Những tác động từ kinh tế - xã hội đã làm cho Trung thu hiện nay xa rời với Trung thu cổ truyền. Các em nhỏ vì thế mà không được cảm nhận không khí Trung thu một cách trọn vẹn. Liệu một hay nhiều năm nữa, Trung thu có còn là ngày hội đúng nghĩa của trẻ thơ hay chỉ còn lại trong hồi ức?

 

 

Nhìn từ góc độ văn hóa, trong nền văn minh nông nghiệp, Trung thu là lễ chào đón vụ thu đông, kết thúc vụ xuân hè. Tết Trung Thu mới đầu là tết của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh, và uống trà ngắm trăng rằm vào giữa tiết Thu. Dần dần Tết Trung Thu trở thành Tết Trẻ Em hay Tết Nhi Đồng, nhưng người lớn cũng dự phần trong đó. Vào dịp này, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn.
Cỗ mừng trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quí mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm. Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác. Đây là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau.

Trước khi cuộc sống con người bị tác động nhiều bởi đô thị hóa - hiện đại hóa, trẻ em được hòa mình với thiên nhiên. Ngày tết Trung thu gắn liền với các phong tục truyền thống của dân tộc như: làm bánh nướng, bánh dẻo, làm đèn ông sao, đèn kéo quân, những món đồ chơi thường được làm thủ công bằng tre, nứa, lá,...

(Còn tiếp)

Minh Châu - Bảo Sam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo