Khám phá

Kỷ nguyên "đi bộ ngu ngốc" ở Nhật Bản

Ở Nhật Bản, không khó để bắt gặp cảnh tượng người ta chăm chăm nhìn vào điện thoại dù là trên tàu điện đông đúc hay đường phố nhộn nhịp.

Hơn một nửa dân số Nhật Bản đang sử dụng điện thoại thông minh và tỉ lệ người dùng ngày càng tăng nhanh. Hệ quả là số vụ tai nạn do "chọt" điện thoại trong lúc đi bộ hoặc lái xe cũng tăng chóng mặt.

Nguy hiểm từ công nghệ

Ông Michael Cucek, một nhà tư vấn người Mỹ có hơn 20 năm sinh sống ở Nhật và nổi tiếng với một blog cá nhân bàn chuyện chính trị tên Shisaku, gọi hiện tượng trên là "đi bộ ngu ngốc".

Ngay cả khi các chuyên gia vẫn chưa biết hết tác hại có thể có của thiết bị công nghệ cao đối với sức khỏe con người thì không ít rủi ro đang chực chờ những ai quá chú tâm đến chiếc điện thoại.

Đài BBC dẫn các kết quả nghiên cứu cho thấy người ta đi bộ chậm hơn khi dùng điện thoại di động và đương nhiên sự tập trung đối với những gì diễn ra xung quanh cũng giảm đi. Theo thống kê của Sở Cứu hỏa Tokyo, đã có 122 người gặp nạn vì sử dụng điện thoại ngoài đường phố trong giai đoạn 2010 - 2013.

 

 
Người dân Tokyo dùng điện thoại tại nhà ga JR Shinjuku. Ảnh: Asahi

Riêng năm 2013 có 36 người bị thương, trong đó 26 người gặp nạn do mải mê bấm điện thoại hay dán mắt vào màn hình thiết bị số và 5 người bị thương trong lúc nói chuyện điện thoại. Điều này cho thấy chiếc điện thoại thông minh với màn hình cảm ứng và vô số chức năng tiện lợi chính là nguyên nhân gây tai nạn.

Sở Cứu hỏa Tokyo đã đưa ra cảnh báo dùng điện thoại thông minh trong lúc đi bộ hoặc lái xe không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người dùng mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Tai nạn không ai ngờ

Theo trang tin tức Japan Today, phần lớn người gặp tai nạn vì sử dụng điện thoại thuộc độ tuổi 20 - 40. Phổ biến nhất là va chạm (khoảng 40%), theo sau là té ngã. Khoảng 80% nạn nhân chỉ bị thương nhẹ nhưng cũng có người phải nhập viện hoặc thậm chí thiệt mạng.

Hồi tháng 10 năm ngoái, một tai nạn đáng tiếc đã xảy ra tại quận Itabashi thuộc Tokyo khi một người đàn ông 47 tuổi đi bộ ngang qua đường ray xe lửa nhưng mắt vẫn không rời điện thoại. Con tàu lao đến, đụng ông ta chết tại chỗ.

Cũng trong năm 2013, một cậu bé 10 tuổi đi dọc khu vực chờ tàu tại nhà ga JR Yotsuya ở quận Shinjuku, Tokyo nhưng chăm chú chơi game trên điện thoại. Hậu quả là cậu bé sơ ý té xuống đường ray và bị thương nghiêm trọng.

 

 
  Tấm biển cảnh báo hành khách không nên dùng điện thoại tại cầu thang nhà ga JR Shinjuku ở Tokyo.  Ảnh: kotaku.com

 

Chính vì những vụ việc đáng tiếc trên, các nhà ga ở Tokyo đã cho dựng áp phích nhằm nhắc nhở hành khách chú ý quan sát mỗi khi đi bộ trên đường. Các công ty lớn tại Nhật Bản cũng đang phát động chiến dịch nội bộ để nâng cao nhận thức của các nhân viên trong việc dùng điện thoại tại nơi làm việc, tránh để xảy ra va chạm.

Nghe có vẻ ngớ ngẩn khi lại phải cảnh báo người lớn về những điều bình thường như thế nhưng không có gì vô ích nếu việc làm này có thể ngăn được những tai nạn đáng tiếc.

 

Mất mạng vì Facebook

Một người phụ nữ ở bang Bắc Carolina - Mỹ đã thiệt mạng trong lúc đăng ảnh “tự sướng” lên mạng xã hội Facebook gần đây. Cô Courtney Sanford, 32 tuổi, mất lái tông vào một chiếc xe tải trong lúc dùng điện thoại đăng ảnh kèm một lời bình luận “Bài hát hạnh phúc giúp tôi cảm thấy hạnh phúc” lên mạng xã hội Facebook.

Sau đó, xe của cô Sanford bị bốc cháy và lao vào bụi cây gần đó. Phát ngôn viên cảnh sát cho hay tai nạn xảy ra chỉ trong vài giây và nạn nhân đã gài dây an toàn không đúng cách.

Theo Người Lao Động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo