Lạ lùng chiếc Niếng cổ có "hồn thiêng"?
Nghe kể lại rằng chiếc Niếng có "hồn thiêng" nếu ai đó vô tình làm "hồn Niếng" phật ý thì Niếng sẽ không chịu đun chín thức ăn…
Chiếc Niếng là linh vật thể hiện sự trù phú của vùng đất và là báu vật phải nâng niu thờ phụng. Tuy nhiên, chiếc Niếng không được phép đem về nhà mà chỉ để ở một góc vườn, đến nay đã được vài trăm năm từ thời ông nội tôi còn nhỏ đã nghe kể lại chiếc Niếng có "hồn thiêng" nếu ai đó vô tình làm "hồn Niếng" phật ý thì Niếng sẽ không chịu đun chín thức ăn…
Những chuyện lạ kỳ
Mường Khòng (mường Khòng tiếng Thái nghĩa là mường của) - một trong những mường lâu đời trù phú nhất của người Thái Thanh Hóa với những nét văn hóa lâu đời, nằm khất sâu trong quần thể núi đá khu bản tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước, Thanh Hóa). Xưa kia thôn Lác được gọi là Chiềng Ban là nơi các quan lang xứ mường đứng chân cai trị. Xuất thân từ vùng đất này có nhiều người làm quan trong các thời kỳ phong kiến nước ta.
Chiếc Niếng cổ được gia đình bà Hà Thị Khưn (86 tuổi) cất giữ. Kích thước cao lên đến hơn 60 cm, nặng gần 40 kg, đường kính đáy khoảng 50 cm.
Xưa kia, mỗi khi trong làng có người ốm nặng sắp qua đời, chiếc Niếng phát ra tiếng kêu da diết như một bản nhạc tiễn biệt người ta về nơi vĩnh hằng. Đồng thời chiếc Niếng tỏa ra mùi hôi lan đi khắp làng Chiềng Ban như báo hiệu cho tang chủ biết mà liệu hậu sự. Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa việc chiếc Niếng phát ra tiếng kêu được ghi nhận ở một số nơi khác ở xứ Thanh.
Khi có việc ma chay, cưới xin phải làm cỗ, gia chủ thường phải đem đĩa trầu cau ít bạc lẻ và chai rượu đến xin "hồn Niếng" ở nhà lang. Khấn xin xong họ đem về đun nấu phục vụ đám cưới hỏi có như vậy "hồn Niếng" mới chịu "làm việc". Sau đó họ đem về đồ (nấu) xôi thịt phục vụ việc ma chay. Chiếc Niếng có linh khí này làm cho xôi có mùi thơm bay xa ngon và thịt mau chín hơn những chiếc niếng thường. Với những cụ cao niên trong làng ký ức còn hiện rõ trên gương mặt khi có dịp hồi tưởng lại thời kỳ "vàng son" của chiếc niếng đó. Đa phần họ đều cố lý giải về thức ăn sao lại ngon hơn khi được đun trên chiếc Niếng cổ kỳ lạ này.
Trong quá trình người ta đem củi vào lò và chăm lửa để đồ xôi thịt tuyệt đối không được có ý nghĩ xấu xa nói tục hay có ý nghĩ không lành mạnh. Nếu một người nào đó trong số những người phụ gia chủ nấu bếp có ý nghĩ trần tục hay thay vì dùng tay đưa củi vào lò, họ lấy chân khều đưa thanh củi đẩy vào tức thì cơm xôi chín không đều.
Người dân thôn Lác còn kể rằng tiếng lành đồn xa đến tận Mường Bi (Hòa Bình) lan tới Mường Phủ (mường giáp danh giữa Thạch Thành, Thanh Hóa và Tân Lạc, Hòa Bình bây giờ). Ông lang Đạo Mường Phủ nhận thấy thế lực của đạo Mường Khòng ngày một lớn mạnh sinh lòng ghen tỵ. Một hôm, ông lang đạo Mường Phủ đến Mường Bi mượn hai lực điền có sức mạnh phi thường, mưu trí giả danh nhà buôn vượt đường tắt sang Mường Khòng để dò hỏi chiếc Niếng.
Sau thời gian thăm dò lên kế hoạch lợi dụng đêm khuya thanh vắng, hai người này lặng lẽ rời khỏi nhà trọ, đến khiêng chiếng Niếng ở vườn nhà lang định đem về Mường Bi dừng chân rồi mới đem về Mường Phủ. Khi chiếc Niếng được khiêng đến gốc cây cổ thụ bên bờ suối nơi ranh giới giữa thôn Chiềng Ban và làng bên cạnh thì chiếc Niếng bỗng trở nên có sức nặng ngàn cân làm đôi vai hai tên trộm lực điền này trĩu nặng. Gắng gượng đi được vài ba bước chân nữa thì bỗng cả hai hộc máu mồm, máu mũi ra gục xuống tại chỗ. Sự việc này sau đó được một người đi soi ếch đêm bắt gặp cảnh hai tên trộm sợ hãi tháo chạy máu chảy đầm đìa kể lại càng làm cho sự linh thiêng của chiếc Niếng thêm phần liêu trai. Câu chuyện này càng có ý nghĩa như trong truyện cổ tích "ở hiền gặp lành ác giả ác báo" góp phần giáo dục các thế hệ sau này xây dựng bản làng không có tội phạm.
Những năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của Đảng kinh tế - xã hội địa phương được nâng lên. Phương thức nấu ăn truyền thống có phần lạc hậu được thay thế bằng cách chế biến hiện đại hơn. Nồi quân dụng được bày bán rộng rãi hơn thay thế dần những chiếc Niếng truyền thống. Dân buôn đồ cổ có họ nhiều lần ra giá cao với chiếc niếng "có một không hai" này nhưng đều nhận được cái lắc đầu của bà cụ nhà nghèo "rớt mùng tơi". Vì nó là bảo vật gia truyền "có hồn" của không chỉ riêng gia đình bà Hà Thị Khưn mà còn là báu vật của dân làng lại càng trở nên vô giá.
Đi tìm gốc tích chiếc niếng cổ
Chúng tôi tìm đến nhà ông Hà Văn Nẩy (77 tuổi) ở thôn Lác là một trong những người được nghe kể và lưu nhớ câu chuyện xưa kia ông cho hay: "Xưa kia chiếc Niếng là linh vật được chánh tổng khi đó là hậu duệ của quan Thanh một người có công với triều đình được triều đình ban thưởng. Sau khi dẹp xong giặc ngoại xâm đã đến vùng đất này lập nghiệp, trải qua nhiều đời, chiếc Niếng này được phân chia cho con trai cả ở Chiềng Ban xưa tức thôn Lác ngày nay. Chiếc Niếng là linh vật thể hiện sự trù phú của vùng đất và là báu vật phải nâng niu thờ phụng. Tuy nhiên, chiếc Niếng không được phép đem về nhà mà chỉ để ở một góc vườn, đến nay đã được vài trăm năm từ thời ông nội tôi còn nhỏ đã nghe kể lại chiếc Niếng có "hồn thiêng" nếu ai đó vô tình làm "hồn Niếng" phật ý thì Niếng sẽ không chịu đun chín thức ăn".
Cũng theo ông Nẩy, cách đây khoảng 6 năm, gia đình nhà ông Pú Thắm có việc buồn đến mượn Niếng. Trong lúc đun nấu, một trong những người trong gia đình đã có những lời tục tĩu nhằm bêu nhọ chiếc Niếng. Người này tức thì bị bỏng nặng trong người nhưng lớp áo dày mùa đông đang mặc không hề bị cháy. Có người mượn xong còn gàn dở "thử nét thiêng" của chiếc Niếng trước khi trả lấy chân đặt vào trong hong (miệng Niếng). Sau đó người này đêm đến không sao chợp mắt được hễ nhắm mắt lại là nghe tiếng kêu da diết ai oán. Biết là "phạm tội" người này phải đem lễ trầu cau đến khấn xin "hồn Niếng" sau đó mới yên. Mấy năm gần đây, không đun nấu nữa, chiếc Niếng tự nhiên xuất hiện một lỗ thủng nhỏ hình tròn nhẵn bóng trên thân và được phép đem lên trên nhà sàn cất giữ.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nam Ninh: "Đồ đồng xưa kia được vua chúa ban cho các tộc trưởng thể hiện sự uy quyền và thứ bậc trong dân chúng. Đạo Mường là người phải sở hữu được bộ cồng chiêng, trống, nồi đồng bốn quai. Mường rộng và có thế lực lớn phải có trống đồng để làm vật thiêng để thờ. Ba năm mới được đánh trống đồng một lần. Hay vào những trường hợp có giặc xâm chiếm mới được đem ra đánh để báo động cho dân chúng chuẩn bị chống kẻ thù. Trống đồng là vật linh thiêng nên phải chôn dưới đất nơi có địa thế đẹp. Niếng được dân Mường dùng làm gia dụng nhưng cũng có linh khí. Mỗi dịp trong mường có việc hệ trọng như ma chay, cưới hỏi, lễ hội Niếng có linh khí sẽ phát ra những tiếng kêu vang".
Trải qua bao cuộc bể dâu với biết bao sự thăng trầm của lịch sử vùng đất, chiếc Niếng thiêng vẫn còn đó như một bảo vật vô giá của xứ Mường Khòng. Cùng với đó là những bài học như trong chuyện cổ tích "ở hiền gặp lành ác giả ác báo". Linh vật xứ Mường không còn những nét linh thiêng nhưng với tâm hồn cư dân bản địa bản tính lương thiện, xóm làng đoàn kết, an ninh trật tự được bảo vệ tốt có lẽ là quý báu nhất đọng lại trong chúng tôi.
Anh Lục Hồng Quân, cán bộ phụ trách văn hóa xã Cổ Lũng cho biết: "Dân quanh vùng này đều biết về chiếc Niếng cổ. Đó là hiện vật từ thời phong kiến ở trong nhà quan lang, trải qua nhiều biến cố, hiện được nhân dân gìn giữ, bảo vệ".
CAND
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo