Khám phá

Làm gì để chọn ngành phù hợp

Nhiều thí sinh băn khoăn vì thích ngành này ngành kia nhưng lại thấy không hợp khả năng.

Rèn luyện

 

Trong một chương trình tư vấn tuyển sinh mới đây, không ít học sinh băn khoăn về khả năng giao tiếp của mình, nhưng lại thích những ngành học đòi hỏi giao tiếp nhiều như: báo chí, du lịch, công tác xã hội…

 

TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) khuyên: “Chúng ta phải biết giao tiếp như thế nào để tạo được ấn tượng tốt với người đối diện. Để đạt được kỹ năng này, bạn phải quan sát, rèn luyện. Kỹ năng này sẽ được hình thành qua những sinh hoạt đoàn, hội. Bạn hãy mạnh dạn tham gia các hoạt động ở trường, lớp để rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho mình và những kỹ năng khác. Bản thân tôi cũng vậy, phong trào đoàn cho tôi một kỹ năng cực tốt”.

 

Trong khi đó, nhiều học sinh khác lại thích các ngành nghề thuộc lĩnh vực y dược, nhưng thấy máu là sợ. ThS Nguyễn Minh Phương, Trường Đại học Y dược Cần Thơ, nói: Tốt nghiệp các ngành như điều dưỡng, bác sĩ…, sinh viên sẽ trực tiếp chăm sóc người bệnh. Trong quá trình theo học những ngành này, sinh viên phải tiếp xúc dần với máu, chẳng hạn đi hiến máu nhân đạo để làm quen dần. Do đó, nếu sợ máu nhưng lại quyết theo các ngành này thì phải tập làm quen dần để thấy máu không sợ nữa.

 

Nhiều học sinh nữ lại băn khoăn việc khó cạnh tranh nam giới trong khi chọn một số ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) phân tích: Hiện nay, công nghệ thông tin là công cụ phải có trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngành này có nhu cầu nhân lực rất lớn, không phân biệt giới tính, sức khỏe mà đòi hỏi sự nhẫn nại, nắm bắt kỹ thuật và tư duy. Do đó, nữ cũng rất phù hợp bởi có ưu điểm là siêng năng, cẩn thận.

 

Làm việc trong ngành yêu thích

 

Trong các chương trình tư vấn, nhiều học sinh đặt vấn đề: Thích một ngành nhưng khả năng bản thân không đáp ứng được, vậy học ngành nào để được làm việc trong lĩnh vực yêu thích, ví như thích làm việc trong ngân hàng nhưng ngành này thường có điểm chuẩn khá cao.

 

ThS. Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Tài chính Marketing, nói: Cần xác định tố chất của chúng ta có phù hợp ngành nghề dự định học hay không. Nếu tố chất phù hợp, chúng ta sẽ học rất tốt và cơ hội việc làm sẽ tốt hơn. Muốn làm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, không nhất thiết phải học ngân hàng. Lĩnh vực ngân hàng có nhiều nhóm công việc, vì thế thí sinh có thể chọn học công nghệ thông tin, quản trị, marketing vì ngân hàng có bộ phận công nghệ thông tin, cần người quản trị nhân lực...

 

Nhiều học sinh và phụ huynh băn khoăn rằng hiện nay, nhân lực một số lĩnh vực như quản trị kinh doanh đang bão hòa, liệu sau bốn năm nữa, khi ra trường, sinh viên có dễ tìm được việc làm trong lĩnh vực này không?

 

ThS. Lâm Tường Thoại, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), nói: Quan tâm đến việc làm khi ra trường là cần thiết, tuy nhiên chỉ nên ở mức vừa phải. Điểm cần tập trung là mình thích học ngành nào, khả năng tới đâu để theo học ngành đó. Việc làm sau này không chỉ cần kiến thức tích lũy được mà còn cần có kỹ năng, hành vi và đạo đức. Nếu giỏi mà không có kỹ năng cũng khó tìm việc. Trước mắt, phải học thật tốt, chọn ngành phù hợp.

 

TS Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Trong lĩnh vực kinh tế, người ta đào tạo ra các nhà kinh tế, nhà quản trị hay chuyên gia kinh tế. Quản trị kinh doanh là ngành có nhiều chuyên ngành đào tạo chuyên sâu khác nhau như quản trị kinh doanh tổng hợp, marketing, thương mại, kinh doanh quốc tế... Như vậy, không chỉ kinh doanh buôn bán trong nước mà còn giao thương với bên ngoài.

 

Học liên thông, nghề nếu không đỗ đại học

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, khuyên: Muốn vào đại học, chúng ta phải qua điểm sàn, hằng năm khoảng 13 điểm trở lên. Với nhiều em, thi đại học là một cuộc chơi và đích ngắm của các em là trường trung cấp, trường nghề. Khi học xong các chương trình này, các em hoàn toàn có thể liên thông lên đại học. Khi học cao đẳng ba năm, học liên thông thêm 1,5 năm. Như vậy, tổng thời lượng là 4,5 năm để có bằng đại học. Hy vọng, các em sẽ đi đường vòng dễ hơn.

TS. Phạm Châu Long, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Tiền Giang, nói: Lĩnh vực cao đẳng nghề các bạn cũng nên quan tâm. Doanh nghiệp, nhà máy sử dụng kỹ sư rất ít nhưng công nhân kỹ thuật rất đông. Khi học đại học mà các bạn yếu kỹ năng, kiến thức thì khó có lương cao. Tuy nhiên, khi học cao đẳng nghề thì kỹ năng hành nghề cao hơn và tiền lương cũng không tệ.

 

Theo TPO

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo