Làm rõ pháp lý xe Uber
Dịch vụ xe Uber ra đời vài tháng nay thu hút sự quan tâm, tò mò của nhiều người, đang bị các cơ quan quản lý “soi” về sự hợp pháp.
Xe sang, giá sàn
Bà Nam Thanh (quận Tân Bình) thường sử dụng dịch vụ xe Uber. Bà dùng điện thoại di động cài ứng dụng Uber. Khi nào cần xe, bà mở ứng dụng, gửi yêu cầu xe. Bà sẽ nhận được thông báo xe đến trong vòng bao nhiêu phút, xe màu gì, hiệu gì, biển số mấy, tên, số điện thoại và hình ảnh tài xế... Xe đến, nhìn sang trọng. Lên xe thấy sạch sẽ, có nước uống. Xe chạy theo lộ trình do ứng dụng Uber vạch ra, không sợ xe chạy lòng vòng. Tới nơi, ứng dụng Uber thông báo tiền cước, bà dùng thẻ Visa hoặc Mastercard thanh toán, giá rẻ hơn taxi thông thường.
Ngược lại, ông R.Trần lại khá e dè với xe Uber sau một lần gọi xe. Tài xế tham gia Uber được cấp tài khoản để đăng nhập vào hệ thống, nhận thông tin ai cần xe, đang ở đâu, điện thoại số mấy... Tuy nhiên, ông Trần gọi xe khoảng 8 giờ tối, đợi mãi không biết xe nào là xe Uber (vì xe này không gắn bảng hiệu, logo như xe taxi), ông phải gọi điện thoại cho tài xế để hỏi. Khi nhận ra xe, ông lên xe thì thái độ của tài xế khá bất lịch sự: “Đi đâu? Sao không lên xe? Điện thoại tôi không gọi đi được”. Ông bực mình và lo ngại trước thái độ của tài xế nên xuống xe ngay.
Cớ sự nắm ai?
Trên trang web của Uber, phần điều khoản sử dụng áp dụng tại Việt Nam ghi rõ “Bản thân Uber không cung cấp dịch vụ vận chuyển và Uber không phải là hãng cung cấp dịch vụ vận chuyển”. Trong mục Trách nhiệm, Uber ghi “Trong mọi trường hợp Uber không chịu trách nhiệm liên quan đến và/hoặc phát sinh từ các dịch vụ vận chuyển được nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển cung cấp hoặc bất kỳ việc làm, hành động, hành vi, cách ứng xử và/hoặc sơ suất nào từ phía nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển”.
Trong phần điều khoản áp dụng tại Mỹ, Uber còn có thêm thông tin: Công ty này chỉ “giới thiệu khách” chứ không đánh giá sự phù hợp, tính hợp pháp, khả năng của bên vận chuyển. Khách phải biết rằng bên vận chuyển có thể không có bằng chuyên môn hoặc giấy phép. Khách biết rằng thông qua việc sử dụng ứng dụng và dịch vụ vận chuyển có thể tiếp xúc với nguy hiểm, tấn công, có hại cho trẻ chưa thành niên, mất an toàn hoặc bất cứ khó chịu nào khác. Khi sử dụng ứng dụng và dịch vụ thì chịu rủi ro của riêng khách”.
Ông R.Trần chia sẻ: “Lỡ mà phụ nữ lên xe bị đánh, bị cướp, bị bỏ giữa đường... thì biết làm sao?”.
Luật sư Lê Thanh Trang (Công ty Luật TNHH Ta Pha) phân tích: Khi bước lên xe hãng M., hãng V. tức là mình có hợp đồng với hãng đó. Lỡ có chuyện thì hãng xe phải giải quyết, bồi thường, lo bảo hiểm. Nếu đi xe mà không rõ hãng nào, chính hãng đó cũng chẳng có hợp đồng gì với mình thì mình chỉ có thể tìm tài xế giải quyết. May mắn thì gặp được tài xế đàng hoàng và thiện chí nhưng năng lực tài chính của cá nhân người này đến đâu, liệu có giải quyết nổi không? Vì vậy mà Nhà nước mới phải ràng buộc trong Luật Giao thông đường bộ rằng chỉ có doanh nghiệp hoặc hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách. Doanh nghiệp mới là bên mua bảo hiểm, chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại chứ không phải ông tài xế. Tài xế chỉ chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn, văn minh, lịch sự... mà thôi. Đi xe mà không biết xe của hãng vận tải nào thì khác gì đi xe “dù”, xe hai bánh ôm!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"