Lấy tiền cưới vợ xây xưởng, 8x trẻ quyết đưa bánh đa nem xuất khẩu
Sinh ra và lớn lên ở một trong những làng nghề bánh đa nem nổi tiếng ở miền Bắc (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân - Hà Nam), nên dù bôn ba làm kinh tế ở ngoài nhiều năm trời, anh Nguyễn Văn Định vẫn thấy hướng phát triển làng nghề là khả quan nhất.
Anh Định chia sẻ: “Từ bé sinh ra ở làng đã có tâm huyết với cái nghề làm bánh đa nem, lại được học hành có kiến thức. Nên tôi rất muốn quay lại đưa bánh đa nem lên một tầm cao hơn. Bên cạnh đó, sử dụng lao động địa phương sẽ dễ quản lý hơn, lại có cơ sở, có người hỗ trợ, tôi mới tự làm chủ được.”
“Không những vậy, còn cải thiện được đời sống của bà con lao động tại đây. Trước đây, thu nhập của lao động trong làng chỉ khoảng 150.000 đồng/ngày. Nhưng nếu làm cho tôi thì sẽ khoảng 200.000 đồng/ngày”, anh Định cho biết thêm.
Sở dĩ có sự chênh lệch này, là do anh Định yêu cầu về sự tỉ mỉ và cẩn thận trong tất cả các công đoạn và yêu cầu về vệ sinh cao hơn. Nếu sang mô hình mới, yêu cầu cao hơn nữa, mức thù lao cho lao động sẽ lên 250.000 đồng/ngày, cải thiện rất nhiều so với trước.
Trở về làng và làm thành lập doanh nghiệp kinh doanh sản xuất bánh đa nem đã 3 năm, nên nhiều bài học cay đắng cũng đã từng trải qua, anh Định chia sẻ: “Lúc mới đi bán hàng, sản phẩm dù đã có logo và đăng ký thương hiệu. Nhưng phản hồi của khách hàng về lần đầu sử dụng là kém, và từ đó họ không mua nữa, ‘một lần bất tín vạn lần bất tin’ dù mình đã khắc phục.”
“Khách chê do bánh hay bị rách, thủng lỗ chỗ. Nguyên do là trong quá trình phơi, lúc bánh tươi phơi không cẩn thận nên dễ rách. Hoặc có xác động vật, tóc, bụi bẩn bám vào khiến bánh không sạch sẽ”, anh Định nói.
Vì thế, ý tưởng đầu tư nhà xưởng phơi bánh - điều mà cả làng nghề nơi đây chưa ai dám làm đã được anh Định ấp ủ. Từ mô hình đó, anh Định muốn thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại ở Việt Nam. Sau đó, gây dựng được uy tín để xuất khẩu ra nước ngoài.
Tuy nhiên, ý định đó vẫn nằm 1 góc cho đến khi gặp được bà Trần Thị Thu Hằng, Giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu nông sản thì anh Định mới dám quyết tâm làm, bởi đầu ra xuất khẩu đã có.
Cũng có ý tưởng muốn đưa những sản phẩm đặc trưng và có tiềm năng của Việt Nam ra thế giới sau rất nhiều lần tham gia các hội chợ thương mại, bà Hằng đã tìm đến cơ sở của anh Định và đề xuất hợp tác.
Bà Hằng cho biết: “Sau vài năm nghiên thị trường Nam Phi, Thượng Hải, Đài Loan, Thái Lan,…đến năm 2015, tôi chính thức thăm dò thị trường cho sản phẩm bánh đa nem và nhận thấy, nếu chỉ làm thương mại thì rủi ro rất cao.”
“Tôi về Việt Nam và quyết tâm tìm một cơ sở sản xuất cho riêng mình. Thế nhưng, nguyên tắc trong chế biến thực phẩm phải có điều kiện kinh doanh, nhất là cơ sở đủ kinh doanh. Hiện nay ở Việt Nam, rất nhiều người treo biển hiệu lên nhưng thực tế không đủ điều kiện hoặc làm giả”, bà Hằng nói.
Cũng theo bà Hằng: “Do chi phí để đầu tư làm cơ sở đủ điều kiện không hề đơn giản. Từ tập huấn nhân viên, đầu tư thiết bị dụng cụ, máy móc cho đến nhà xưởng đều rất tốn kém. Nên các hộ sản xuất nhỏ lẻ gần như không dám đầu tư vì sợ rủi ro. Thứ 2, một số DN không muốn bỏ ra mà chỉ muốn làm giả.”
“Nên phải đến tháng 1 năm nay, sau một thời gian thuyết phục Định nhìn xa hơn và cùng góp vốn thì xưởng phơi bánh đa nem khép kín mới ra đời. Và thị trường tiêu thụ trước mắt sẽ là xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Đài Loan,…”, bà Hằng cho biết thêm.
Sở dĩ bà Hằng chọn thị trường Trung Quốc là do: “Nhu cầu của thị trường này vô cùng lớn, tôi và một người bạn đã có đầu mối xuất khẩu bánh đa dế sang đó khá ổn định. Cứ trung bình, mỗi tháng xuất sang đó 3 container.”
“Với quy mô hiện tại, nếu tăng hết công suất sẽ được 400-500 kg bánh/ngày. Nếu đẩy lên 2 máy tráng bánh và dùng máy sấy liên tục thì hoàn toàn đủ sản lượng để xuất khẩu”, bà Hằng chia sẻ.
Để cho ra đời được xưởng phơi khép kín này, anh Định đã phải dồn hết số tiền dành dụm để cưới vợ. Tuy nhiên, anh Định rất lạc quan cho biết: “Trước khi đầu tư nhà xưởng làm theo cách cũ, trung bình mỗi ngày cũng có thể tiêu thụ được khoảng 6-7 tạ bánh cho doanh thu vào khoảng 15-17 triệu đồng/ngày.”
“Nếu hoàn thành nhà xưởng đi vào hoạt động, chất lượng bánh đa nem cao hơn sẽ có thể tăng giá bán lên 15-20% so với trước cho thị trường trong nước. Đầu ra trước đây của tôi đã khá ổn định, nên sản phẩm sạch sẽ càng được đón nhận hơn”, giám đốc trẻ tự tin chia sẻ.
Nhiều người trẻ hiện nay vẫn đang loay hoay tìm cách khởi nghiệp cho mình. Nhưng nhiều người quên rằng, tận dụng được những lợi thế vô hình từ địa phương mình như sản phẩm làng nghề lại dễ thành công hơn.
Phong trào “mỗi làng, một sản phẩm” do Giáo sư Hiramatsu Morihiko, Chủ tịch tỉnh Oita khởi xướng từ năm 1979, đã được nhân rộng trên toàn nước Nhật với câu khẩu ngữ: "Hành động địa phương, suy nghĩ toàn cầu". Đây chính là bài học thành công mà người Nhật đã lan rộng ra được rất nhiều quốc gia trên thế giới mà anh Định hay nhiều người trẻ khác cần học hỏi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
VietinBank đẩy mạnh ứng dụng AI