Khám phá

Lên đời nhà đất, xe xịn từ dạy thêm

Mặc cho những trầm lắng của kinh tế thị trường, nhiều ông thầy luyện thi đại học vẫn sống khỏe với mức thu nhập “siêu khủng”.

Ra ngõ gặp "trung tâm"

 

Trung tâm luyện thi S.E.C (Hà Nội) từ lâu đã được mọi người biết đến với khả năng “tôi luyện” các sĩ tử trong mùa thi. Phòng học chỉ là những ngôi nhà cấp bốn tạm bợ nhưng vẫn hút một lượng lớn học sinh.

 

Lớp dạy toán của thầy Đ. “vẩu” thường xuyên trong tình trạng quá tải với khoảng gần 200 trăm học sinh một lớp, ai “chậm chân” sẽ phải ra về. Tuy số lượng học sinh theo học đông, nhưng giá học phí không hề “mềm”. Nếu thu theo ca, mỗi người sẽ phải nộp 36.000 đồng/ 2 tiết học. Còn thu theo tháng sẽ là 160.000 đồng (5 ca học – 32.000 đồng/ca).

 

Với số tiền như thế, giáo viên dạy thêm chỉ phải chi một phần nhỏ cho trung tâm, còn lại là “tự hưởng”. Vậy nên mới có chuyện, trung tâm S.E.C thu hút được cả hiệu phó một trường cấp 3 “bớt công bớt việc” về luyện thi cho học sinh. Tuy rằng xe của các thầy đi không phải dạng “siêu xe”, nhưng nếu thầy dạy Lý đi xế hộp thì thầy dạy Toán cũng có xe máy “xịn”.

 

Lớp của thầy T. Đ. T (Trung tâm luyện thi X. T – Hà Đông) hiếm khi sĩ số dưới 300. Với mỗi ca là 25.000 đồng (bình thường bốn ca/ngày), trung tâm có một khoản vô cùng lớn để trả cho các thầy cô. Số lương dạy thêm của thầy trong một tháng “khủng” đến nỗi, lương dạy chính cả năm cũng chẳng bằng.

 

Dù chưa vào cao điểm ôn thi tốt nghiệp và thi ĐH nhưng những trung tâm lớn ở Hà Nội mỗi buổi chiều vẫn nườm nượp học trò tới học. Một buổi học học sinh đóng 27.000 đồng -30.000 đồng cho 1 tiếng 30 phút nghe thầy giảng bài. Đã thành “thợ lành nghề” nên các thầy dạy khá nhàn hạ, kết thúc chóng vánh tiết học với 3-4 triệu đút túi sau mỗi ca dạy. Nếu cần mẫn dạy 3-4 ca/ngày mỗi năm các thầy đã có thu nhập tiền tỉ.

 

Ngày cày ...năm ca

 

Chăm "cày cuốc", có giảng viên ĐH một ngày "chạy sô" tới năm ca, thu nhập một tháng lên đến hơn 300 triệu đồng. Các trung tâm sẵn sàng trả 70-80% tiền thu một buổi học để níu chân thầy dạy có tiếng.

 

Không còn rầm rộ như nhiều năm trước đây, thị trường luyện thi ĐH tại Hà Nội hiện giờ chỉ còn lại một số trung tâm lớn phân bố gần một số trường đại học như: Bách khoa (trung tâm T.H), Học viện Ngân hàng (trung tâm T.L), Đại học Sư phạm Hà Nội (trung tâm cô T, thầy D, T.Đ).

 

Lý giải về sự trầm lắng này, ông chủ một trung tâm luyện thi phân tích: “Cách đây khoảng hơn chục năm, quanh khu vực Bách Khoa tồn tại đến trên dưới 50 cơ sở luyện thi. Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng hình thức thi ba chung, đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa, không đánh đố nhiều em đã không lựa chọn đến “lò” học”.

 

Đồng ý với quan điểm này, một giáo viên luyện thi ĐH môn Vật lý của một trường cấp III tại quận Đống Đa bổ sung: “Với trần điểm sàn thấp như hiện nay, chỉ cần học thêm tại trường nhiều em đã có thể đỗ ĐH”.

 

Mặc cho những trầm lắng đó, nhiều ông thầy luyện thi vẫn sống khỏe với mức thu nhập “siêu khủng”. Nổi lên trong số này có thể kể tới ba ông thầy: hai thầy hiện dạy ở khu vực trung tâm, một ở vùng “rìa” của thủ đô.

 

Đầu tiên phải kể đến là thầy Nam. Thông tin từ một số giáo viên luyện thi đại học cho biết, thầy Nam sau tốt nghiệp đã tham gia dạy ở các trung tâm và hiện chỉ làm duy nhất công việc này.

 

Hầu hết những trung tâm quanh các quận trung tâm của Hà Nội đều có tên của thầy trong hàng loạt cái tên khác. Học sinh tới trung tâm không chỉ học luyện thi ĐH. Rất nhiều trong số này là các em lớp 10, lớp 11 muốn bổ sung kiến thức.

 

“Vì còn trẻ lại chỉ lo luyện thi nên một ngày thầy có thể dạy bốn, năm ca. Cứ làm phép nhân: một lớp gần 200 em, 27.000 đồng – 30.000 đồng/em/buổi, trung tâm trả cho giáo viên khoảng 70% của hơn bốn triệu thì một tháng thầy có thể kiếm trên dưới 300 triệu. Thậm chí cận kề mùa thi đại học thu nhập còn cao hơn do học sinh không phải học trên lớp, dành toàn bộ thời gian ôn thi” – một “người trong nghề” phân tích.

 

Tương tự, ở môn Vật lý có thể kể đến thầy Linh ở mức độ thu nhập khủng. Tốt nghiệp đại học Sư phạm Hà Nội, thầy Linh là một người “chăm chỉ cày cuốc” ở các trung tâm luyện thi.

 

"Tôi có nhà - đất - ô tô xịn...nhờ dạy thêm"


Ở khu vực phía Tây của Hà Nội nơi có hàng loạt trường đại học lớn như Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Thương Mại,…không ai không biết đến thầy Thái. Không giống như thầy Nam, hiện thầy Thái vẫn là giảng viên Toán của một đại học lớn. Tuy nhiên thời gian chính của thầy là ở các lò luyện thi đại học.

 

Sau một vài năm lặn lội dạy thêm theo kiểu gia sư cho các trường hợp đơn lẻ, thu được kinh nghiệm giảng bài, làm đề thầy Thái dần được các trung tâm biết đến. Làm giảng viên nhưng một ngày thầy vẫn chạy sô dạy đến năm ca rưỡi, thời điểm “khỏe nhất” là sáu ca/ngày. Vẫn với cách tính trên, mỗi ngày số tiền thầy kiếm được cũng từ 16-18 triệu. Với một người “không biết mệt”, “chạy sô” quanh năm nên thu nhập của thầy cũng ngót nghét 6-7 tỷ đồng/năm.

 

Từ một người “vô danh” không có tên tuổi trong làng dạy thêm ở Hà Nội, chỉ qua hai năm đi dạy thêm theo kiểu kèm cặp học sinh, thầy Thái sớm trở thành “ngôi sao” khi phong trào học thêm lên cao những năm 2000.

 

Một điểm thuận lợi cho thầy Thái khi hai vợ chồng cùng là người của một khoa, nhiều khi vợ lên lớp thay chồng để thầy lo dạy thêm kiếm tiền. Thầy hạn chế tối đa những dịp đi chơi cùng cơ quan, nghỉ Tết đúng ba ngày, một ngày quần quật làm từ 7h30 đến 20h30.

 

Hơn chục năm dạy thêm giờ thầy tự hào vì mình có hẳn hai ô tô xịn, một xe có giá một tỉ, xe kia ngót nghét 600 triệu, hai mảnh đất mặt đường gần nhà ước chừng cũng vài chục tỉ để cho thuê. Khi hỏi về mức lương hiện tại ở trường đại học, thầy thẳng thắn: “Cái này khó đấy. Lâu rồi mình cũng không quan tâm. Hình như khoảng 4-5 triệu gì đó thôi”.

 

Theo VietnamNet

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo