Liên minh châu Âu lần đầu kêu gọi tự do đi lại ở Biển Đông
Quan điểm này được Ủy ban Châu Âu (EC) nêu ra ngày 22/6, trong 1 dự thảo văn bản mới về chính sách của Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc trong 5 năm tới. Cảnh báo được đưa ra sau khi máy bay chiến đấu của Trung Quốc đánh chặn máy bay quân sự của Mỹ trên các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông hồi tháng trước.
Theo bản dự thảo chính sách, EU nhấn mạnh mong muốn hoạt động tự do hàng hải và hàng không được duy trì trên Biển Đông và biển Hoa Đông, khẳng định đây là điều quan trọng hàng đầu.
Ủy ban châu Âu tránh chỉ trích trực tiếp Bắc Kinh - đối tác thương mại lớn của họ, nhưng cảnh báo trong một tài liệu chính sách mới rằng họ phản đối "hành động đơn phương có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng". Hãng thông tấn Reuters cho rằng đây là dấu hiệu thể hiện lo ngại của Liên minh châu Âu (EU) về hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy EU tuyên bố khối này giữ lập trường trung lập đối với tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc với các quốc gia ASEAN khác, song Washington đã hối thúc Brussels lên tiếng chống lại yêu sách chủ quyền mà Bắc Kinh đơn phương "nuốt trọn" hầu hết diện tích trên Biển Đông.
Bất chấp việc Ủy ban châu Âu sử dụng ngôn ngữ đầy thận trọng, song thực tế cho thấy rõ EU đang ngày càng lo ngại trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Nhiều quốc gia châu Âu cũng đã kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp ở Biển Đông theo cách hòa bình, đồng thời duy trì quyền tự do đi lại trên 1 trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới này.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, hôm 5/6, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng đề nghị hải quân các nước châu Âu phối hợp tuần tra các vùng biển châu Á, trong đó có Biển Đông, để củng cố trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo