Khám phá

Lò đốt rác ông Kiên:Hải Phòng đã triển khai,Thụy Điển để mắt

Trước mối lo hợp tác với nước ngoài sẽ khiến công nghệ của ông Kiên bị ăn cắp, cán bộ của cục Sở hữu trí tuệ đã có lý giải cụ thể

Nhiều ngày nay, dư luận đang quan tâm đến người nông dân Bùi Khắc Kiên (xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thải Bình) chế tạo ra được một lò đốt có công nghệ có một không hai trên thế giới, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và mang lại hiệu quả cao.

Sáng chế này của ông Kiên sau khi được báo chí chú ý đã có rất nhiều các đơn vị doanh nghiệp trong nước tìm đến mong được hợp tác đầu tư, hoặc mua thiết bị để phục vụ sản xuất. Đồng thời, cũng có rất nhiều đơn vị của nước ngoài để mắt đến công nghệ này, trong đó có công ty của Nhật Bản và Thụy Điển. Đây là niềm vui lớn không chỉ của ông Kiên.
 
Nhiều người cho rằng, nếu hợp tác với nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia có công nghệ cao như Nhật Bản hoặc châu Âu, ông Bùi Khắc Kiên có khả năng bị đánh cắp công nghệ.
 
Ông Bùi Khắc Kiên (bên trái) trao đổi về chiếc lò đốt của mình với một chuyên gia người Nhật Bản
 
Lý giải cho nỗi lo này, một cán bộ chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ xin giấu tên đã có những ý kiến nhận định như sau:
 
“Hiện tại, ông Bùi Khắc Kiên đã có chứng nhận sở hữu trí tuệ của Việt Nam, tức là ông đã đăng ký bản quyền cho sáng chế của mình, và trước hết ở trong nước sẽ không ai đánh cắp được công nghệ của ông, nếu điều đó xảy ra, và ông Kiên kiện, chắc chắn đối tượng đó sẽ phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Còn về vấn đề quốc tế, khi ông Kiên làm đơn đăng ký sở hữu trí tuệ lên Cục của chúng tôi và được chấp thuận thì đồng nghĩa với việc công nghệ của ông ấy đã được nhập một mã vào kho tư liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), vì thế sẽ không ai đăng ký tranh giành của ông ấy được.
 
Thứ hai, không riêng gì Nhật Bản, mà tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ nếu sử dụng công nghệ này sẽ phải được sự cho phép của ông Kiên và phải trả tiền. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin tưởng được người Nhật hoặc người châu Âu bởi ý thức tôn trọng chất xám và thành quả nghiên cứu của người khác là rất lớn."
 
Hiện tại chỉ còn một số quốc gia và vùng lãnh thổ không tham gia vào WIPO gồm gồm: Kiribati, Quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia, Nauru, Palau, Palestine, Cộng hòa Sahrawi, Quần đảo Solomon, Đài Loan, Đông Timor, Tuvalu và Vanuatu.
 
Quyết định về việc chấp nhận đơn đăng ký sở hữu trí tuệ của ông Bùi Khắc Kiên
 
Tuy nhiên, vị cán bộ này cũng chia sẻ thêm một vấn đề, đó là cần cảnh giác với các đơn vị của Trung Quốc, dù là một trong những quốc gia tham gia vào WIPO nhưng đã có tiền lệ của sự trộm cắp công nghệ của các đơn vị thuộc quốc gia này.
 
Điều đặc biệt, họ thường trộm của các quốc gia khác và mang về nhân rộng, sử dụng trong thị trường nội địa của mình. Vị cán bộ này cho biết thêm, Trung Quốc cũng đang đối mặt với vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường trầm trọng, có thể coi là quốc nạn của họ.
 
Về phía ông Bùi Khắc Kiên, sáng ngày 22/7/2014, ông cho biết đang ở Hải Phòng và tham gia xây dựng một chiếc lò đốt rác với quy mô công nghiệp, có khả năng đốt 30 tấn rác/ngày-đêm, với nhiệt độ không giới hạn. Chiếc lò này có đủ khả năng giải quyết rác thải cho 3 xã lân cận.
 
Dự tính vào giữa tháng 8/2014, chiếc lò đốt rác của ông Bùi Khắc Kiên sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng. Sau khi lò hoạt động, ông sẽ mời các nhà khoa học đến kiểm chứng và phối hợp lắp đặt nồi hơi vào để vận hành phát điện.
 
Ông Kiên bày tỏ: “Tôi phải cần tới sự trợ giúp của các nhà khoa học, giáo sư tiến sĩ vì tôi không có chứng chỉ sử dụng nồi hơi, nếu lắp vào là bị xử phạt ngay, tôi đã từng bị cấm một lần như thế, vì vậy lần này tôi lựa chọn giải pháp an toàn.”
 
Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo