Khám phá

Lò đốt rác ông Kiên: Lời đáp của Viện Hàn lâm KHCN

Phó Viện trưởng Viện công nghệ môi trường nhận xét lò đốt rác có hình thái công nghệ, nhưng còn rất nhiều công việc mới có thể thành sản phẩm hoàn thiện

 Ngày 23/7/2014, Tiến sĩ Trịnh Văn Tuyên, Phó viện trưởng Viện công nghệ môi trường, thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam có chuyến thăm và làm việc với ông Bùi Khắc Kiên (xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

 
Ngày 29/7/2014, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Tuyên. Ông cho biết nội dung và những kết quả thu được của chuyến công tác.
 
Tiến sĩ Tuyên nhận định: “Hiện tại  lò đốt rác của ông Kiên bị dỡ bỏ, nằm mỗi nơi trong nhà ông một bộ phận, nhưng qua việc tìm hiểu những bộ phận đó và nghe ông Kiên trình bày, tôi đã nắm rõ thực trạng hệ thống đốt rác của ông Kiên.
 
Thực chất, với hệ thống lò đốt của ông Kiên hiện mới chỉ được coi là có hình thái công nghệ chứ chưa hoàn thiện. Các bộ phận đều rất sơ khai và không có khả năng kiểm soát. Ví dụ như lò đốt không có thiết bị đo và điều khiển nhiệt độ, cần có bơm nước cao áp cho nồi hơi, chưa có thiết bị điều khiến vòng quay của tua bin, máy phát điện cần có kiểm soát tần số và điện thế, hệ thống xử lý khói bụi chưa phù hợp…"
 
Viện công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam
 
Phó Viện trưởng Tuyên nhận định: "Tuy nhiên, tôi rất khen ngợi ông Kiên về sự miệt mài, vượt qua khó khăn và say mê theo đuổi ý tưởng của mình. Một người nông dân tự mình làm được một hệ thống đốt rác như vậy là điều đáng ghi nhận.
 
Ông Kiên cũng bày tỏ nhiều vấn đề khó khăn về kỹ thuật như bơm tuần hoàn nước nóng cao áp, khó khăn về thiết bị tuốc bin, các thiết bị điều khiển... và đặc biệt khó khăn về tài chính.
 
Điều mong muốn nhất của ông Kiên lúc này là sự giúp đỡ của mọi người để ông ấy hoàn thiện “sáng chế” của mình”
 
Tiến sĩ Tuyên cũng chia sẻ thêm, ông đã nhìn thấy những điều có thể giúp được ông Kiên và sẽ tạo điều kiện để giúp đỡ người nông dân này.
 
Ông Bùi Khắc Kiên cho biết, hiện tại ông đang hợp tác với Hợp tác xã Trường Giang (huyện An Lão, Hải Phòng) để xây dựng mô hình lò đốt rác quy mô công nghiệp, có thể cho công suất 40 tấn rác thải/ngày, đêm.
 
Nhận xét về điều này, Phó Viện trưởng Trịnh Văn Tuyên cho rằng đây là một tín hiệu tích cực, một cách làm hay. Ông Kiên có thể qua quá trình hợp tác sản xuất để tích lũy thêm kinh nghiệm, kỹ thuật và thấy rõ hệ thống đốt rác của mình còn thiếu gì, cần gì, và khắc phục sửa chữa ra sao.
 
Đồng thời, qua đó, người nông dân này cũng tích lũy được một khoản kinh phí để tiếp tục nghiên cứu, chế tạo.
 
Ông Bùi Khắc Kiên giải thích cho doanh nhân người Nhật về công nghệ của mình
 
Trước đó, ngày 14/7/2014, trong cuộc nói chuyện với PV, ông Kiên cũng đã phát đi lời cầu viện tới các giáo sư, tiến sĩ khoa học của Việt Nam.
 
Ông chia sẻ: “Nhiều ngày nay tôi nhận được sự quan tâm rất nhiều từ các đơn vị báo chí, đài truyền hình nhà nước cũng đến quay phim phỏng vấn, tôi rất cảm kích. Nhưng cũng mong các đơn vị báo chí truyền tải giúp tôi một thông điệp: mong các nhà khoa học tiếp xúc nhiều hơn với sản phẩm của tôi để có thể hoàn thiện và nhân rộng.”
 
Vì sao cần có sự giúp sức của các nhà khoa học, ông Bùi Khắc Kiên lý giải: “Sản phẩm của tôi còn vướng phải một số vấn đề, như về nồi hơi, tôi chưa được cấp chứng chỉ sử dụng cái này của nhà nước, các nhà khoa học thì có cái đó. Ngoài ra, vật liệu, thiết bị kiểm soát, điều khiển, các nhà khoa học có nhiều hơn tôi, hiểu rõ hơn tôi. Tôi mong nhận được sự giúp sức.”
 
Thiết nghĩ, nếu nhận được sự quan tâm, giúp đỡ cần thiết của các nhà chuyên môn, các chuyên gia như tiến sĩ Trịnh Văn Tuyên, sản phẩm của ông Kiên hoàn toàn có điều kiện để có thể trở thành một sáng chế công nghệ, chứ không còn mang tính hình thái như hiện trạng bây giờ.
 
Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo