Lò đốt rác ông Kiên: TS Ozon nói không khả thi vì...
Tiến sỹ vật lý Nguyễn Văn Khải đã tận mục sở thị lò đốt rác của ông Kiên và cho rằng nó sai hoàn toàn với quy tắc vật lý cơ bản
Trao đổi với PV ngày 25/7/2014, Tiến sỹ vật lý Nguyễn Văn Khải (Khải Ozon) cho biết bản thân ông đã về tận mục sở thị chiếc lò đốt rác phát điện và trao đổi với chủ nhân sáng chế là ông Nguyễn Khắc Kiên. Trong cuộc nói chuyện này, ông Khải đã nắm được bản chất vấn đề và nói rõ chiếc lò đốt này không hề khả thi như những gì ông Kiên đã trình bày.
Theo ý kiến của ông Khải, chưa thể gọi đây là một sáng chế được, có chăng nên gọi đúng với bản chất của vấn đề, chỉ là một giải pháp cải tiến. Bởi trước đây đã có rất nhiều những sáng chế của cả trong và ngoài nước nhằm đốt rác thải sinh ra nhiệt năng, nhiệt năng đó được sử dụng vào nhiều lĩnh vực, trong đó có phát điện.
Tiến sỹ Khải nêu rõ sản phẩm của ông Kiên có thể chia thành hai phần cụ thể là lò đốt rác và phần phát điện. Về chiếc lò đốt, vị tiến sỹ này nhận định:
“Về lò đốt, bản thân tôi đã có nhiều nghiên cứu, trực tiếp tham gia chế tạo, sản xuất nhiều lò đốt và lò cao. Sản phẩm nằm trong vườn nhà ông Kiên, đó chỉ là một cái lò rèn không hơn không kém, thậm chí còn là một lò rèn kiểu cũ, chỉ có cái là nó to hơn bình thường.
Ở đây ông Kiên sử dụng hai quạt công suất lớn đề liên tục thổi khí vào lò, nhưng qua hình ảnh thử nghiệm trước đó, đều thấy lửa liên tục bén tới miệng lò. Nếu quạt ngừng thì lửa sẽ tắt. Kiểu đốt “cưỡng bức” này không có gì mới.
Về nhiệt độ, bản thân những vật liệu cấu tạo nên chiếc lò không cho phép nhiệt độ cao đến trên 1000 độ C. Ông Kiên cũng từng thú nhận với tôi rằng nếu đốt quá lâu, chiếc lò sẽ vỡ. Bởi lò được xây bằng gạch chịu nhiệt, ống xả khói ông ấy lý giải làm bằng sứ thạch anh, nhưng tôi chưa từng nghe thấy loại vật liệu này bao giờ.
Ngoài ra, nhiệt độ cho lò sẽ không được đảm bảo liên tục. Bởi các yếu tố, đầu tiên là vật liệu đốt chỉ là rác thải sinh hoạt, có chăng thì thêm rác thải y tế, sắt thép… Những vật liệu đó không thể cho ra nhiệt độ trên 1000 độ C được. Muốn được nhiệt độ đó thì phải đốt bằng than cốc.
Nhiên liệu đốt (lượng rác) cho vào lò cũng không đều. Ông Kiên đưa nhiên liệu vào lò bằng cách thủ công (dùng xẻng xúc), rác thải mỗi lần xúc cũng khác nhau cả về chất và về lượng, như thế, không thể đảm bảo tính đều đặn cho quá trình cháy.
Nếu ông Kiên lý giải bằng cách ém khói và thổi khí liên tục vào lò để tăng nhiệt độ, khí và khói khi đi qua các nguyên liệu chưa cháy hết sẽ chỉ bị tán nhiệt chứ không thể dẫn nhiệt. Ngoài ra, rác thải của ông Kiên sử dụng chưa được phơi, có độ ẩm lớn, đây là những nghịch lý cơ bản.”
Còn về vấn đề phát điện, ông Khải cho biết: “Tua bin của ông Kiên làm thủ công, không có những thiết bị kiểm soát công suất, có thể nói là tạo được ra điện nhưng không quản lý được nó, khi đưa nguồn điện đó vào, hoặc không đủ điện áp thắp sáng, hoặc điện áp quá mạnh làm hỏng thiết bị điện ngay lập tức. Ai cũng biết điện cho hộ gia đình là 220V, ông Kiên không thể duy trì điều này.”
Về yếu tố môi trường, ông Khải cho rằng chiếc lò đốt rác này hoàn toàn nguy hại tới môi trường bởi nó không có một quy trình thu hồi và xử lý khói bụi nào ở đây cả.
Trước ý kiến lò đốt rác của ông Bùi Khắc Kiên không thể đạt được nhiệt độ cao, vậy vì sao trong cuộc thử nghiệm hồi tháng 8/2014, dù chỉ đốt lò vài tiếng buổi sáng, đoàn công tác của Bộ Khoa học Công nghệ đã đo được nhiệt độ ở cửa lò hơn 600 độ C và thân lò gần 1000 độ C?
Với thông tin này, ông Khải nhận định: “Tôi không biết họ dùng phương pháp nào để đo, nhưng có thể thấy chênh lệch nhiệt độ quá lớn. Và như đã nói ở trên, những nguyên liệu đốt có thể cho nhiệt độ tới 1000, nhưng không thể cao hơn, dù ông ấy có đốt vài tiếng hay đốt cả ngày đi chăng nữa.”
Kết luận lại, tiến sỹ vật lý Nguyễn Văn Khải nhận định, trong sản phẩm này của ông Bùi Khắc Kiên có những sáng tạo nhất định, tuy nhiên, cần phải có những sự định hướng, giúp đỡ của các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu chuyên nghiệp của Việt Nam.
Những tổ chức này sẽ có trách nhiệm giúp đỡ ông Kiên trong việc xử lý khói bụi, lựa chọn vật liệu chịu nhiệt, môi trường thử nghiệm… Còn đơn vị nào sẽ nhận trách nhiệm này, ông Khải cho rằng sẽ rất khó bởi nếu muốn giúp được ông Kiên, thì chương trình nghiên cứu của ông phải nâng lên cấp… đề án khoa học, trong khi ông chỉ là nông dân.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo