Khám phá

Lo ngại chất lượng liên thông

Liên thông là chủ trương đúng nhằm tạo điều kiện cho những ai có ý chí, năng lực được vào đại học bằng con đường vòng. Tuy nhiên chất lượng đào tạo của chương trình này chưa cao.

Đầu vào dễ dãi

 

Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên cao đẳng hoặc từ cao đẳng lên đại học, người tốt nghiệp loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; người tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất một năm làm việc gắn với chuyên môn đào tạo mới được tham gia dự tuyển.

 

Tuy vậy, trên thực tế nhiều trường vẫn cho những thí sinh chưa đủ điều kiện được thi tuyển lên trình độ cao hơn.



Nói chung là học liên thông không có áp lực phải tới lớp và làm bài tập đầy đủ, mọi thứ khá dễ dàng 

Một sinh viên học liên thông tại Trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh

 

Năm 2009 và 2010 Trường Đại học Lao động - Xã hội (cơ sở 2, TP.Hồ Chí Minh) đã cấp giấy báo trúng tuyển cao đẳng, đại học liên thông chính quy cho một số sinh viên vừa tốt nghiệp chỉ đạt loại trung bình - khá.

 

Cụ thể, sinh viên T.T.H tốt nghiệp hệ liên thông chính quy từ trung cấp lên cao đẳng loại trung bình - khá năm 2010 được trường cấp giấy báo trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh đại học liên thông chính quy năm 2010 ngành quản trị nhân lực.

 

Sinh viên T.T.N.A - tốt nghiệp liên thông chính quy từ trung cấp lên cao đẳng loại trung bình - khá năm 2010 cũng được trường cấp giấy báo trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh đại học liên thông chính quy năm 2010 vào ngành kế toán.

 

Trả lời phóng viên Thanh Niên, thạc sĩ Phan Hiếu Liêm - Trưởng phòng Đào tạo cho biết: “Trong số các sinh viên trúng tuyển chương trình liên thông có một số trường hợp dù không tốt nghiệp loại khá nhưng có thời gian tích lũy kinh nghiệm làm việc trong quá trình đi học nên được phép liên thông ngay khi tốt nghiệp.

 

Hơn nữa, quy định về đào tạo liên thông chỉ nói đến đối tượng tốt nghiệp loại khá trở lên và loại trung bình, không đề cập đến đối tượng tốt nghiệp trung bình - khá. Do vậy, căn cứ vào đó thì trường không làm sai quy định!”.

 

Không chỉ vậy, trường này còn tuyển sinh liên thông cả đối tượng không đúng với khối ngành đào tạo. Đó là trường hợp của sinh viên D.T.P.K - tốt nghiệp ngành Cao đẳng sư phạm mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang (khóa 2004 - 2007), vẫn được trường cấp giấy báo trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh Đại học liên thông chính quy năm 2010 ngành kế toán.

 

Trong khi đó, theo quy định đào tạo liên thông chỉ được phép tuyển sinh và đào tạo trong cùng một khối ngành.

 

Giải thích về trường hợp này, thạc sĩ Liêm nói: “Khi tuyển sinh, cơ sở trong này đã báo cáo ra hội đồng tuyển sinh tại cơ sở chính ngoài Hà Nội, đến nay sinh viên này cũng đã hoàn tất chương trình bổ sung kiến thức!”.

 

Tiêu cực trong thi tuyển

 

Vào tháng 10/2011, kỳ thi liên thông do trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) tổ chức tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ TP.Hồ Chí Minh đã khiến dư luận phản ứng gay gắt vì có quá nhiều sai phạm: Không có văn bản của Bộ cho phép tuyển sinh đào tạo chính quy ngoài cơ sở chính của trường, tổ chức thi tuyển không nghiêm túc và không đúng quy định...

 

Tại buổi thi, thí sinh tha hồ nhìn bài của nhau, mang “phao” vào chép công khai mà không bị giám thị nhắc nhở. Đáng nói hơn, đại diện của trường Đại học Đà Nẵng còn phát biểu với báo chí vì đây là kỳ thi liên thông đầu tiên của cao đẳng nghề lên đại học chính quy nên có phần nương tay cho thí sinh.

 

N.N.H, sinh viên từng học liên thông ngành du lịch Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh kể lại: “Mình vừa đi làm vừa đi học, nhiều khi không sắp xếp được thời gian nên vắng mặt khá nhiều. Trong lớp, tình trạng nhờ người tới điểm danh hộ, học hộ là chuyện thường xuyên xảy ra. Một số trường hợp còn nhờ người thi hộ. Nói chung là học liên thông không có áp lực phải tới lớp và làm bài tập đầy đủ, mọi thứ khá dễ dàng”.

 

Theo Tiền Phong

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo