Thị trường

Lo ngại thị trường hàng hóa, dịch vụ tăng giá do ảnh hưởng mưa lũ

(DNVN) - Theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), thị trường hàng hoá, dịch vụ có thể chịu áp lực tăng giá do ảnh hưởng mưa lũ...

Cụ thể, theo Cục Quản lý giá, trong tháng 8/2015, thị trường hàng hoá, dịch vụ có thể chịu áp lực tăng giá do một số yếu tố như: Mùa mưa bão, lũ tiếp diễn có thể ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa thiết yếu, gây tăng giá hàng hoá cục bộ tại một số địa phương; nhu cầu mua sắm trang phục, đồ dùng học tập phục vụ mùa khai giảng năm học mới 2015-2016, chuẩn bị nguyên liệu cho mùa sản xuất bánh Trung thu tăng; bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục đào tạo có khả năng tăng giá dịch vụ giáo dục năm học 2015-2016...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, trong tháng 8/2015 cũng có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Giá nhiều hàng hoá nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới dự báo chỉ biến động nhẹ; trong nước, cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được giữ vững; tác động theo độ trễ của việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu ngày 4/7 và 20/7/2015 đến mặt bằng giá chung; các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát, bình ổn thị trường, giá cả theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ; chương trình bình ổn thị trường phục vụ mùa khai trường 2015-2016 được thực hiện hiệu quả tại một số địa phương (điển hình là TP Hồ Chí Minh)...  

Báo cáo về tình hình giá cả thị trường tháng 7, Cục Quản lý giá cho biết, tháng 7/2015 là thời điểm có thời tiết nắng nóng, mùa thi, chuẩn bị năm học mới… nên nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng như: thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ uống, may mặc, lượng tiêu thụ điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, dịch vụ du lịch, khách sạn... tăng nhẹ, gây sức ép tăng giá. Bên cạnh đó, nhu cầu nguyên liệu chuẩn bị làm bánh phục vụ dịp Rằm Trung thu tăng khiến giá một số nguyên liệu tăng.

Cụ thể, mặt hàng lúa, gạo: Tại miền Bắc, giá thóc, gạo tẻ thường tiếp tục ổn định so với tháng 6/2015. Cụ thể: giá thóc tẻ thường ở mức 6.000-6.500 đồng/kg, giá một số loại thóc chất lượng cao hơn ở mức 7.500-8.500 đồng/kg; giá gạo tẻ thường ở mức 8.000-13.000 đồng/kg;

Tại miền Nam, giá lúa, gạo tháng 7/2015 giảm so với tháng 6/2015 do thị trường xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn, cụ thể: giá lúa ở mức 4.750-5.250 đồng/kg (giảm khoảng 100 đồng/kg); giá gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm trong khoảng 7.200-7.350 đồng/kg (giảm khoảng 50 đồng/kg); loại 25% tấm giá ở mức 6.800-6.900 đồng/kg (giảm khoảng 50 đồng/kg).

Mặt hàng thực phẩm tươi sống: Giá các loại thực phẩm tươi sống trong tháng 7/2015 tương đối ổn định so với tháng 6/2015. Riêng giá thịt lợn và thịt gia cầm giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng; giá một số loại rau củ trái vụ và thủy hải sản tăng nhẹ do trong thời gian nắng nóng.

 

Cụ thể, thịt lợn hơi: Tại miền Bắc giá khoảng 45.000-47.000 đồng/kg (giảm 1.000-2.000 đồng/kg); Tại miền Nam giá phổ biến khoảng 44.000-46.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Thịt bò thăn giá khoảng 250.000-265.000 đồng/kg. Thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch: Tại miền Bắc giá phổ biến khoảng 120.000-125.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg; miền Nam giá phổ biến khoảng 120.000-125.000 đồng/kg; thịt gà công nghiệp làm sẵn ở mức 50.000-60.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg.

Giá trứng gà công nghiệp tăng nhẹ khoảng 1.000-3.000 đồng/chục, giá phổ biến ở mức 25.000-27.000 đồng/chục; trứng vịt từ 30.000-32.000 đồng/chục.

Giá một số loại rau, củ, quả: Bắp cải 10.500-13.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; khoai tây 15.000-18.000 đồng/kg; cà chua 15.000-18.300 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg.

Giá một số mặt hàng thuỷ hải sản như: Cá chép 75.000-80.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; tôm sú 180.000-185.000 đồng/kg; cá quả 110.000-123.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg. 

Giá phân urê trong nước tháng 7/2015 đã ổn định trở lại sau đợt tăng giá vào thời điểm cuối tháng 6/2015. Tại miền Bắc, mức giá phổ biến khoảng 8.300-8.500 đồng/kg; tại miền Nam, mức giá phổ biến khoảng 8.000-8.500 đồng/kg.

 

Giá muối trong tháng 7/2015 so với tháng 6/2015, tại miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung ổn định nhưng tăng tại Miền Bắc nhờ tác động từ việc Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho thu mua tạm trữ muối niên vụ 2015 để ổn định giá muối, tháo gỡ khó khăn cho diêm dân (Văn bản số 5195/VPCP-KTTH ngày 07/7/2015). Cụ thể: Tại miền Bắc, giá muối từ 1.200-2.500 đồng/kg (tăng 200-900 đồng/kg); tại miền Trung, giá muối công nghiệp từ 500-850 đồng/kg; đồng bằng sông Cửu Long từ 600-1.000 đồng/kg.

Giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp tiếp tục giảm nhẹ so với tháng 6/2015. Giá thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt giảm khoảng 3%, ở mức 8.830 đồng/kg, giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt giảm khoảng 1,9%, ở mức 10.090 đồng/kg. Nguyên nhân do mặt hàng đậu tương và ngô tăng giá trong tháng 7/2015 do dự báo diện tích gieo trồng tại Mỹ giảm bởi điều kiện khí hậu không tốt và tồn kho cao.

Giá đường: bán lẻ trên thị trường ổn định so với tháng 6/2015, dao động ở mức 18.000 đồng/kg - 21.000 đồng/kg. Nguyên nhân do lo ngại thời tiết ảnh hưởng đến lượng thu hoạch mía tại Brazil, một số nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào đã tác động làm giá chào bán đường thị trường thế giới tăng so với tháng 6/2015.

Giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tháng 7/2015 ổn định so với tháng 6/2015.

Ngày 3/7/2015, Bộ Tài chính có Thông báo số 387/TB-BTC công bố giá tối đa, giá kê khai đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi mới của Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam (nhãn hiệu Enfamil A+2 360 Brain Plus 1,7kg). Đồng thời, ban hành Công văn số 192/QLG-NLTS ngày 3/7/2015 cung cấp thông tin giá tối đa, giá kê khai, giá bán lẻ khuyến nghị đối với sản phẩm trên của Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam cho Sở Tài chính các địa phương làm cơ sở rà soát, kiểm tra việc thực hiện giá bán lẻ tại địa phương.

 

Kết quả thực hiện BOG tính đến tháng 7/2015, đã có 745 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương.

Giá bán lẻ xi măng trên thị trường: Theo báo cáo của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, giá bán lẻ xi măng tháng 7/2015 ổn định so với tháng 6/2015. Tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung hiện phổ biến từ 1.050.000 -1.550.000 đồng/tấn; tại các tỉnh miền Nam phổ biến từ 1.460.000 -1.850.000 đồng/tấn.

Mặt hàng thép xây dựng: Hiện tại giá bán lẻ thép xây dựng giảm khoảng 100-300 đồng/kg so với cuối tháng 6/2015 do do chuẩn bị vào mùa mưa bão nên lượng tiêu thụ thép giảm nhẹ, ngoài ra giá chào phôi thép trên thế giới giảm nên giá bán tại một số nhà máy sản xuất kinh doanh thép điều chỉnh giảm nhẹ hoặc ổn định; các doanh nghiệp đã điều chỉnh tăng chiết khấu bán hàng so với tháng trước nhằm xúc tiến bán hàng. Tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung dao động phổ biến ở mức 14.200 - 14.900 đồng/kg; tại các tỉnh Miền Nam dao động phổ biến ở mức 14.400 -15.000 đồng/kg.

Mặt hàng xăng dầu: Trong tháng 7/2015, căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ.

Theo đó, Bộ Công Thương đã có văn bản về điều hành kinh doanh xăng dầu trong 2 đợt ngày 4/7/2015 (Công văn số 6714/BCT-TTTN) và ngày 20/7/2015 (Công văn số 7294/BCT-TTTN); trong đó, đã giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG; giảm và sau đó ngừng sử dụng Quỹ BOG xăng dầu; công bố giá cơ sở của kỳ điều hành làm căn cứ cho các doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá bán xăng dầu trong 02 đợt.

 

Cụ thể, ngày 04/7/2015: Giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG như hiện hành; giảm mức sử dụng Quỹ BOG đối với các loại xăng khoáng (giảm từ 1.047 đồng/lít xuống còn 527 đồng/lít), xăng E5 (giảm từ 882 đồng/lít xuống còn 362 đồng/lít). Sau khi thực hiện trích lập và sử dụng Quỹ như trên, các thương nhân đầu mối đã điều chỉnh giảm giá đối với mặt hàng xăng là 330 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S giảm 280 đồng/lít, dầu hỏa giảm 220 đồng/lít, dầu madút giảm 430 đồng/kg.

Ngày 20/7/2015: Giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG như hiện hành; ngừng chi sử dụng Quỹ BOG đối với xăng khoáng (giảm từ mức 527 đồng/lít về mức 0 đồng/lít) và xăng E5 (giảm từ mức 362 đồng/lít về mức 0 đồng/lít). Sau khi thực hiện việc trích lập, sử dụng Quỹ BOG như trên, các thương nhân đầu mối đã điều chỉnh giảm giá đối với mặt hàng xăng khoáng là 260 đồng/lít; xăng E5 là 430 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S giảm 1.110 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.120 đồng/lít, dầu madút giảm 870 đồng/kg.

Hiện giá bán xăng dầu như sau: Xăng RON 92: 20.120 đồng/lít; Xăng E5: 19.620 đồng/lít; dầu diezen 0,05S: 14.680 đồng/lít; dầu hỏa: 13.750 đồng/lít; dầu madut 3,5S: 11.430 đồng/kg.

Mặt hàng gas: Do giá CP trên thế giới giảm, nên kể từ ngày 01/7/2015, các doanh nghiệp kinh doanh LPG đầu mối đã điều chỉnh giảm giá bán LPG trong nước, mức giảm khoảng 3.500 -4.000 đồng/bình 12 kg (đã có thuế GTGT) tùy từng doanh nghiệp và từng địa điểm bán hàng.

Cụ thể giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng như sau: Khu vực TP. Hồ Chí Minh khoảng 285.000-292.500 đồng/bình 12kg, tùy từng khu vực (giảm khoảng 3.500 đồng/bình 12kg); Khu vực Hà Nội khoảng  273.000 - 305.000 đồng/bình 12 kg (giảm khoảng 4.000 đồng/bình 12kg).

 

Giá vàng trong nước tháng 7/2015 giảm liên tục, xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ngày càng được thu hẹp. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP. Hồ Chí Minh với mức mua vào/ bán ra khoảng 33,92-33,99 triệu đồng/lượng, tại Hà Nội giá mua vào/ bán ra là: 33,92-34,01 triệu đồng/lượng (ngày 14/7).

Đến 17/7 giá bán ra chỉ còn 32,85 triệu đồng/lượng-mức thấp nhất kể từ tháng 11/2010. Thời điểm này, các doanh nghiệp đồng loạt nới biên độ mua-bán lên 250.000-300.000 đồng thay vì chỉ là 40.000-100.000 đồng khi thị trường trầm lắng, nhằm tránh rủi ro. Giá vàng hồi phục lên 33,46 triệu đồng/lượng nhưng lại mất mốc 33 triệu đồng, còn 32,92 triệu đồng/lượng vào hôm 20/7. Một ngày sau, giá vàng giành lại mốc 33 triệu đồng/lượng nhưng từ đó đến cuối tháng giá liên tục dao động ở biên độ hẹp quanh mốc 33 triệu đồng/lượng.

Ngày 31/7 tại Hà Nội, giá vàng miếng SJC được giao dịch phổ biến là 32,97 triệu đồng/lượng-33,02 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giữ nguyên so với lúc đóng cửa thị trường hôm trước. Tại TP HCM, giá giảm 10.000 đồng, xuống 32,94 triệu đồng/lượng- 33,04 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giảm mạnh như diễn biến trên bởi ảnh hưởng của giá thế giới,  người dân và nhà đầu tư trong nước đẩy mạnh bán ra cắt lỗ để chuyển sang kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. 

Giá đồng Đôla Mỹ: Trong tháng 7/2015, tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn giữ ổn định ở mức 21.673 đồng/USD (từ ngày 04/5/2015). Tỷ giá niêm yết đồng Đôla Mỹ tại ngân hàng thương mại đầu tháng ở mức mua vào/ bán ra là 21.770-21.830 đồng/USD, mặc dù sau đó tỷ giá cũng có những dao động lên xuống nhưng đến giữa tháng, tỷ giá tăng nhẹ lên mức 21.775-21.835 đồng/USD, tăng 5 đồng/USD ở cả hai chiều mua vào/ bán ra so với đầu tháng. Từ ngày 21/7 đến ngày 31/7, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại tiếp tục được điều chỉnh tăng, chiều mua- bán phổ biến trong khoảng 21.760 – 21.840 đồng/USD, tăng cả 2 chiều mua và bán so với đầu tháng 7/2015 là 10 đồng/USD.

 

Tỷ giá hạch toán giữa Đồng Việt Nam với Đôla Mỹ tháng 7/2015 được Bộ Tài chính công bố áp dụng cho các nghiệp vụ quy đổi và hạch toán thu, chi ngân sách Nhà nước bằng ngoại tệ; quy đổi và hạch toán sổ sách kế toán của Kho bạc Nhà nước là 1USD = 21.673 đồng, tăng 43 đồng so với tháng 6/2015.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo