Khám phá

Loại bỏ nạn thu ngoài, thu thêm?

Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh vừa trình Hội đồng nhân dân thành phố về đề xuất tăng thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh với mức tăng gấp từ 3 – 5 lần so với hiện nay.

Theo Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh, mức học phí bao gồm tiền cơ sở vật chất, phí vệ sinh và sẽ được áp dụng từ năm học 2012 – 2013. Các năm học sau, mức thu sẽ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng bình quân hàng năm. Mức thu đó cũng không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình và khung học phí nghị định 49 của Chính phủ.

 

Ủy ban nhân dân thành phố cho rằng, hiện khung học phí ban hành từ năm 1998 không còn phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của TP.Hồ Chí Minh, vì đã có những thay đổi lớn về mặt bằng giá cả hàng năm.

 

Nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân và phụ huynh học sinh ủng hộ việc tăng này, nhưng khi tăng học phí, cần loại bỏ nạn thu ngoài, thu thêm trái quy định, đồng thời cần nâng cao chất lượng giảng dạy và đời sống của đội ngũ giáo viên hiện nay.

 

Chính thành phụ



 

Tôi đồng tình với việc cần thiết phải tăng học phí. Ngành giáo dục có quyền đòi hỏi người dân chính là việc tăng học phí, nhưng ngược lại người dân cũng có quyền đòi hỏi Ủy ban nhân dân và sở Giáo dục thành phố về lượng học phí tăng là vào những khoản nào, chi cho những cái gì. Đặc biệt là tăng thì phải chi phí làm sao cho hiệu quả, xứng đáng với đồng tiền bát gạo của nhân dân.

 

Đại biểu Võ Văn Sen

 

 

Có một thực tế mà ai cũng biết là từ lâu, bên cạnh học phí, nhiều trường còn đẻ ra những khoản thu khác, khiến cho tình hình tài chính nhà trường thiếu minh bạch, nhất là ở các trường phổ thông công lập.

 

Trong tờ trình, Ủy ban nhân dân TP.Hồ Chí Minh thừa nhận, những khoản thu ngoài học phí, hay còn gọi là lạm thu, ở các trường hiện nay là có thực, đặc biệt là các trường phổ thông công lập.

 

Theo tính toán của bà Phạm Thị Thanh Hương (quận 4, TP.Hồ Chí Minh), có con học lớp 11 trường THPT Nguyễn Trãi, ngoài tiền học phí đóng theo quy định của bộ Giáo dục và đào tạo, hàng tháng gia đình bà còn phải chi phí thêm nhiều khoản khác cho việc học của con mình.

 

Cụ thể, tiền quỹ Hội cha mẹ học sinh (khoảng gần 500.000 đồng/năm), tiền học hè một tháng rưỡi (từ ngày 1.7 – 15.8.2012) là 400.000 đồng, tiền học thêm bên ngoài như học tiếng Anh và phụ đạo các môn khác, tiền đồng phục, tiền ăn sáng...

 

“Tổng cộng trung bình một tháng, tính cả mức học phí hiện nay, gia đình tôi phải chi hơn 2,5 triệu đồng”, bà Hương cho biết. Như vậy, mức học phí chỉ là một phần nhỏ trong nhiều khoản khác mà các gia đình có con đi học đang phải gánh.

 

Đồng tình với việc tăng học phí, tuy nhiên, phó trưởng ban Văn hoá xã hội Hội đồng nhân dân TP.Hồ Chí Minh Thi Thị Tuyết Nhung đưa thí dụ, một gia đình hai vợ chồng đều là công chức, viên chức có hai con đi học, việc tăng học phí sẽ khó khăn trong chi tiêu của gia đình.

 

Do vậy, cần phải xem xét trên nhiều góc cạnh như: thời điểm này phù hợp chưa, mức tăng như thế nào là hợp lý...

 

Kiểm soát việc thu ngoài, thu thêm

 

Nguyên trưởng ban Văn hoá xã hội Hội đồng nhân dân TP.Hồ Chí Minh khoá VII Trần Thị Ngọc Anh cho biết khoản đóng học phí này ít hơn phần đóng thêm, việc tăng này vẫn nằm trong khung của nghị định 49 của Chính phủ cho phép.

 

“Tôi cũng đồng ý khi đã điều chỉnh mức học phí thì việc thu ngoài cần phải kiểm tra và xử lý nghiêm, vì phụ huynh mà đóng vào quỹ của cha mẹ học sinh thì giáo viên đâu có được hưởng gì trong đó”, bà Ngọc Anh nói.

 

Theo bà Thi Thị Tuyết Nhung, với các khoản đóng ngoài, về nguyên tắc những gì không phải nằm trong nghị định 49 (tức là ngoài học phí) thì không được thu, nếu vì lý do gì đó thu thì cần minh bạch để phụ huynh biết.

 

Theo đại biểu Hội đồng nhân dân Võ Văn Sen, sự minh bạch là hết sức quan trọng, do đó các quỹ như kiểu quỹ của cha mẹ học sinh cần có sự giám sát, kiểm soát. Các trường phải chú ý xem các khoản thu đó họ đã chi vào những việc gì, có hợp lý không chứ không để lạm dụng bắt phụ huynh phải đóng góp quá nhiều khoản”, ông Sen nói.

 

Các mức học phí

 

Bậc nhà trẻ các quận là 150.000 đồng, còn ở các huyện là 90.000 đồng; mẫu giáo: các quận là 120.000 đồng/tháng, huyện là 60.000 đồng/tháng; bậc THCS, có các mức thu tương ứng là 75.000 đồng và 60.000 đồng; bổ túc THCS là 112.000 đồng và 90.000 đồng; bậc THPT là 90.000 đồng và 75.000 đồng; bậc bổ túc THPT là 135.000 đồng và 112.000 đồng. Riêng bậc tiểu học không thu học phí.

 

 

Theo SGTT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo