Lợi dụng Facebook để bắt cóc, mua bán trẻ em
Nữ sinh 14 tuổi Tatan (tên đã được thay đổi) nhanh chóng bị xiêu lòng trước những lời tán tỉnh của người đàn ông tự xưng tên là Yogi (24 tuổi) trên Facebook, và họ đã trao đổi số điện thoại.
Sau một tháng quen nhau trên Facebook, Yogi đề nghị hẹn gặp mặt Tatan tại một khu mua sắm và cô bé cảm thấy Yogi là một người đàn ông rất dễ mến, tốt bụng.
“Anh ấy muốn mua quần áo đẹp cho tôi, giúp tôi đóng tiền học phí. Anh ấy rất khác biệt. Mọi thứ đều tốt đẹp”, Tatan nói với phóng viên AP.
Họ đã gặp nhau một lần nữa. Nhưng lần này, Tatan nói dối với mẹ rằng cô bé đến thăm một người bạn bị bệnh, rồi leo lên xe Yogi đang đậu ở gần nhà cô bé ở Depok, ngoại ô thủ đô Indonesia Jakarta.
Yogi chở Tatan đến thị trấn Bogor (Indonesia) rồi nhốt cô bé trong một căn nhà cùng với ít nhất năm cô gái khác, tuổi từ 14 đến 17.
Tại đây, Tatan bị ép uống thuốc ngủ, tra tấn và bị hiếp dâm liên tục.
Sau một tuần bị tra tấn, gã đàn ông nói với Tatan rằng cô đã bị bán và đưa đến hòn đảo Batam (một địa chỉ tai tiếng với những nhà thổ và nạn ấu dâm).
Tatan nhiều lần van xin được thả về nhà, nhưng mỗi lần lên tiếng là "bị đánh đập dã man, bị đe dọa câm mồm hoặc là chết", Tatan nghẹn ngào kể lại.
Sau đó, vẫn chưa rõ vì sao Yogi đã thả Tatan tại một trạm xe buýt ở Bogor vào hôm 30.9.
Ủy ban Bảo vệ trẻ em quốc gia Indonesia cho biết tính từ đầu năm 2012 đến nay, có 129 trẻ em Indonesia mất tích, trong đó có khoảng 27 trẻ được cho là bị bắt cóc rồi ép vào đường dây mại dâm sau khi bị lừa đảo trên Facebook. Riêng tháng 9 có đến bảy trẻ bị bắt cóc sau khi bị lừa đảo trên Facebok.
Vẫn chưa có số liệu chính xác nhất, nhưng cảnh sát Indonesia tin rằng còn có nhiều vụ dùng Facebook để bắt cóc, mua bán trẻ em chưa được báo cáo.
“Indonesia không phải là một trường hợp duy nhất mà có thể chỉ là một trong số hàng trăm quốc gia trên giới đối mặt với nạn dùng mạng xã hội để lừa đảo, bắt cóc, mua bán trẻ”, AP dẫn lời Anjan Bose, một điều phối viên của ECPAT International (một tổ chức giúp đỡ trẻ em phi chính phủ có mạng lưới ở 70 quốc gia, trụ sở tại Thái Lan).
Indonesia có gần 50 triệu người có tài khoản trên Facebook, trở thành một trong số những quốc gia có số người tham gia mạng xã hội nhiều nhất trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ.
Riêng thủ đô Jakarta của nước này được công ty giám sát mạng xã hội Semiocast của Pháp gọi là thành phố sử dụng trang mạng xã hội Twitter năng động nhất thế giới.
Nhiều người trẻ, các bậc phụ huynh vẫn chưa ý thức được những mối nguy hại khi cho phép người lạ thấy được thông tin cá nhân của họ trên mạng xã hội.
Các thanh thiếu niên thường hay đăng tải hình ảnh và thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, điện thoại, trường học, nơi thường đến chơi mà không hề quan tâm đến tính bảo mật thông tin cá nhân.
ECPAT International cho biết tổ chức này nhận được báo cáo về 27 vụ trẻ em bị bắt cóc có liên quan đến Facebook, cao hơn năm 2011 là 18 vụ.
Lực lượng Đặc nhiệm Chống buôn người quốc gia Indonesia cho biết năm 2011 có tổng cộng 435 trẻ em nước này bị mua bán rồi ép bán dâm.
ECPAT International ước tính mỗi năm có khoảng từ 40.000 - 70.000 trẻ em dính vào các đường dây mua bán trẻ em, phim ấu dâm hoặc mại dâm trẻ em tại Indonesia và nhiều vụ việc chưa được báo cáo đầy đủ.
Facebook cho biết công ty này đã triển khai các nhân viên quan sát, theo dõi các nội dung trên trang Facebook và phối hợp với chính quyền các nước, kể cả Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) để chống lại những hoạt động phi pháp, kể cả mua bán người.
“Chúng tôi kịch liệt phản đối những hoạt động tội phạm lợi dụng Facebook để lừa đảo và mua bán người. Chúng tôi áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn những hoạt động phi pháp này”, AP dẫn lời phát ngôn viên Facebook Andrew Noyes.
Vụ việc của Tatan đã làm chấn động dư luận Indonesia trong tháng này sau khi cô bé quay trở lại trường học và bị đuổi học vì ban giám hiệu cho rằng cô bé làm hủy hoại hình ảnh nhà trường. Tatan cho biết cô cũng không muốn quay lại trường sau những gì đã xảy ra.
Hồng Lĩnh (Theo Thanh Niên)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người đàn ông nhặt được hòn đá 'mọc tóc' trắng, sau khi các chuyên gia giám định xong liền gọi cảnh sát phong tỏa cả ngôi làng
CLIP: Kinh hoàng trước cảnh người huấn luyện bị đàn sói tấn công dữ dội
CLIP: Con non bị sư tử tấn công, trâu rừng kéo theo '500 anh em' tới giải cứu và cái kết
Thời xưa có nạn đói phải ăn rễ cỏ, nhai vỏ cây, nhưng tôm cá dưới sông đầy tại sao không ăn?
CLIP: Chó đóng vai người hòa giải, 'tung chiêu' ngăn hổ và sư tử cắn nhau nhưng cái kết mới gây chú ý
Trong Tây Du Ký, tại sao yêu quái dám ăn Đường Tăng để trường sinh bất tử mà không dám trộm quả nhân sâm của Chân Nguyên Đại Tiên?