Thị trường

Lý do các nước đánh giá cao Việt Nam tham gia đàm phán TPP

(DNVN) - "Ngay từ khi TPP được hình thành, Việt Nam đã được các nước TPP mời tham gia. Việt Nam đã tham gia đàm phán ngay từ những ngày đầu nhưng chưa phải thành viên chính thức mà là thành viên liên kết. Sau 3 phiên tham dự với tư cách thành viên liên kết, Việt Nam chính thức tham gia TPP từ tháng 11/2010", Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết.

Ngày 5/10 (theo giờ Việt Nam), tại Atlanta Hoa Kỳ Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng, kết thúc đàm phán Hiệp định TPP của 12 nước thành viên.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chia sẻ với báo chí.

Tại buổi gặp mặt cơ quan báo chí để thông tin về việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP diễn ra vào chiều 9/10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã đưa ra 3 nguyên nhân các nước đánh giá cao việc Việt Nam tham gia đàm phán TPP.

Theo Thứ trưởng, các nước đánh giá cao việc Việt Nam tham gia đàm phán TPP vì các lý do sau đây:

Một là, trong những năm Đổi mới vừa qua, Việt Nam đã chứng tỏ là một quốc gia năng động, nhất quán thi hành đường lối Đổi mới; nghiêm túc trong việc thực thi cam kết quốc tế; có môi trường chính trị ổn định và đang có vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực; là một đối tác quan trọng trong hiện tại và tương lai, có thể giúp tăng ảnh hưởng của TPP.

Hai là, Việt Nam có quy mô dân số đáng kể, nền kinh tế phát triển năng động, hứa hẹn trở thành thị trường có sức mua lớn, là điểm đến được doanh nghiệp các nước, nhất là tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, hết sức quan tâm. 

Ba là, Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ thấp. Việc Việt Nam có thể tham gia thành công vào TPP sẽ là bằng chứng thuyết phục về việc Hiệp định TPP thực sự quan tâm đến các nước đang phát triển (thông qua các biện pháp đa dạng để hỗ trợ một nước đang phát triển thực thi các tiêu chuẩn cao của Hiệp định).

 

"Đây là yếu tố quan trọng, giúp thu hút các nước có trình độ phát triển kinh tế chưa cao cùng tham gia vào TPP để TPP có thể mở rộng trong tương lai", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh thông tin về mục tiêu của Hiệp định TPP. Theo đó, Các nước tham gia TPP đặt ra mục tiêu là tạo ra một mô hình mới về hội nhập và hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi hơn nữa cho dòng chảy thương mại và đầu tư và nếu có thể thì biến TPP thành hạt nhân để hình thành một khu vực thương mại tự do chung cho toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Hai là, đi đường ngắn nhất để đạt lợi ích cao nhất. Do khu vực thương mại tự do mà TPP tạo ra rất lớn (có tổng GDP hơn 28.000 tỷ USD, chiếm 40% tổng GDP và hơn 30% tổng thương mại toàn cầu) nên các dây chuyền cung ứng sẽ có động lực dịch chuyển về khu vực này, tạo ra lợi thế và lợi ích kinh tế to lớn cho tất cả các nước tham gia.

Một mục tiêu nữa được Thứ trưởng Bộ Công thương tiết lộ là, những nước chưa có quan hệ FTA với Hoa Kỳ như Nhật Bản, Niu Di-lân, Ma-lai-xia và Việt Nam đều mong muốn thông qua TPP để thiết lập FTA với Hoa Kỳ và tiếp cận thị trường rộng lớn này.  

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo