Hỗ trợ doanh nghiệp

Vào TPP, Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp Nhà nước

(DNVN) - Khi tham gia TPP, các DNNN sẽ không còn được hưởng các ưu đãi, không còn những đặc quyền, đặc lợi, các doanh nghiệp tư nhân sẽ có cơ hội để phát triển và cạnh tranh bình đẳng. Đồng thời, TPP sẽ tạo sức ép thúc đẩy các DNNN chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngày 5/10 (theo giờ Việt Nam), tại Atlanta Hoa Kỳ Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng, kết thúc đàm phán Hiệp định TPP của 12 nước thành viên.

Theo đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), việc tham gia TPP sẽ có tác động nhất định đến chính sách cạnh tranh và doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, cam kết TPP về DNNN dựa trên nguyên tắc: Tạo sân chơi bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân; không can thiệp đến hình thức thành phần kinh tế của một quốc gia và chỉ chi phối hành vi của DNNN khi có sự cạnh tranh của khu vực tư nhân.

Doanh nghiệp Nhà nước cần đẩy nhanh cải cách để được hưởng lợi từ TPP. Ảnh minh họa.

Theo đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, 12 nước TPP đều có DNNN, là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công và các hoạt động khác nhưng các thành viên TPP đều nhận thấy lợi ích của việc thống nhất một khung khổ quy định về cạnh tranh liên quan đến DNNN.

Cụ thể, TPP sẽ đảm bảo các DNNN sẽ tiến hành các hoạt động thương mại trên cơ sở tính toán thương mại, trừ trường hợp không phù hợp với nhiệm vụ và các DNNN đó đang phải thực hiện để cung cấp các dịch vụ công và đảm bảo các DNNN hoặc các đơn vị độc quyền sẵn có không có những hoạt động phân biệt đối xử với các doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ của các thành viên khác.

Bên cạnh đó, TPP cũng trao cho Tòa án quyền tài phán đối với các hoạt động thương mại của các DNNN nước ngoài và đảm bảo rằng các cơ quan hành chính quản lý cả các DNNN và doanh nghiệp tư nhân cũng làm như vậy một cách công bằng; không tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với lợi ích của các thành viên TPP khác khi cung cấp hỗ trợ phi thương mại cho các DNNN sản xuất và bán hàng hóa trên lãnh thổ của các thành viên khác và chia sẻ danh sách các DNNN với các thành viên khác và khi được yêu cầu sẽ cung cấp thông tin bổ sung về mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của Chính phủ và những hỗ trợ phi thương mại cho các DNNN.

Theo đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, đối với Việt Nam, DNNN hiện vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế (lĩnh vực kinh doanh, số lượng lao động, tài sản, đóng góp NSNN, đóng góp GDP). Do đó, tham gia TPP vừa là thách thức song cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện cải cách khu vực DNNN. Khi tham gia TPP, các DNNN sẽ không còn được hưởng các ưu đãi, không còn những đặc quyền, đặc lợi, các doanh nghiệp tư nhân sẽ có cơ hội để phát triển và cạnh tranh bình đẳng. 

Đồng thời, TPP sẽ tạo sức ép thúc đẩy các DNNN chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh. Tham gia TPP, Việt Nam sẽ phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng cải cách mạnh mẽ DNNN, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, loại bỏ mọi hình thức trợ cấp trái với quy định của WTO, cải cách và hoàn thiện thể chế về pháp luật kinh doanh. Như vậy, TPP về cơ bản là phù hợp với định hướng cải cách DNNN cũng như cải cách, đổi mới kinh tế thị trường của Việt Nam.

 

Đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cũng cho rằng, công khai minh bạch cũng là một thách thức đối với DNNN khi tham gia TPP. TPP yêu cầu DNNN phải công khai và minh bạch tuyệt đối trong sử dụng ngân sách, trong đó có quy định công khai và minh bạch giao dịch và tài chính của DNNN. 

Trong khi đó, đối với DNNN Việt Nam, việc công khai tài chính đã khó, công khai giao dịch (toàn bộ hoạt động mua, bán, ký kết, đàm phán...) lại càng phức tạp. Tuy nhiên, quy định này một mặt tạo sức ép, song đồng thời cũng tạo động lực tái cấu trúc khu vực DNNN và là cơ hội tốt để sàng lọc lại hệ thống DNNN. Thực tế đã chứng minh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam theo thời gian đã trở nên thành công nhờ cổ phần hóa như: Bảo Việt hay Công ty cổ phần Sữa Việt Nam... Vì vậy, thách thức hiện nay của Chính phủ là phải đẩy mạnh đổi mới, cải cách hệ thống DNNN, đặc biệt là các DNNN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.  

Trước đó, tại buổi thông tin báo chí kết thúc đàm phán TPP, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, khi tham gia TPP, nhà nước sẽ vẫn hỗ trợ các DNNN. Tuy nhiên, mức hỗ trợ sẽ không tới mức gây bất bình đẳng lớn và ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại, đầu tư giữa các nước trong TPP. Việt Nam bảo lưu loại trừ tất cả các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới an ninh - quốc phòng. Với các DNNN khác, Việt Nam chấp nhận cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.

Theo Thứ trưởng, các nghĩa vụ trên của Hiệp định được áp dụng đối với các DNNN mà ở đó, Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ. Tuy nhiên, chỉ khi các DNNN này có doanh thu vượt quá một ngưỡng nhất định thì mới chịu sự điều chỉnh của Hiệp định. Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết, Việt Nam đồng ý minh bạch thông tin về DNNN khi có yêu cầu, ngoại trừ các thông tin ảnh hưởng tới an ninh - quốc phòng hoặc phạm vi bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. 

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng khẳng định: Hiệp định TPP không bắt buộc DNNN công khai giao dịch của mình. Những gì thuộc về bí mật kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không ai được quyền đòi hỏi. Chỉ khi nào TPP nhận thấy doanh nghiệp có biểu hiện đang được hỗ trợ quá mức của nhà nước, gây tác động tiêu cực đến thương mại và đầu tư các bên, khi đó mới phải công khai thông tin.

 

Nên đọc
HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo