M&A ngân hàng cũng cần độ trễ
Một trong những điểm đáng lưu ý tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ là NHNN Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu toàn diện các TCTD, nhất là các NHTMCP yếu kém, đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế khuyến khích các TCTD sáp nhập, hợp nhất.
Chính sách “hối thúc”
Sau một thời gian chạy roda, 2014 được cho là năm tăng tốc của quá trình tái cơ cấu các TCTD. Thực tế cho thấy, trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, bản thân các NHTM dù lớn hay nhỏ đều phải cố gắng cải tổ hoạt động của mình, không phải chỉ để tồn tại mà còn nâng cao sức cạnh tranh. Theo Phó tổng giám đốc HDBank Lê Thành Trung, các ngân hàng (NH) tái cấu trúc bằng cách nào tùy thuộc vào chiến lược của họ.
Có những NH đã thực sự lớn mạnh, họ chỉ cần tự tái cơ cấu một số hoạt động để bộ máy vận hành một cách hiệu quả, an toàn. Nhưng cũng có những NH quy mô và tiềm lực tài chính còn hạn chế nên buộc phải tính đến khả năng hợp nhất, sáp nhập (M&A), thậm chí chấp nhận bị mua lại để trong một thời gian ngắn nhất có thể gia tăng quy mô hoạt động cũng như tiềm lực tài chính, cải thiện năng lực quản trị điều hành… “Việc M&A NH trong thời gian tới chắc chắn sẽ diễn ra một cách sôi động hơn”, TS. Lê Thành Trung nhận định.
Nhưng, ông Trung cũng cho rằng, M&A không chỉ diễn ra giữa NH nội mà còn có những nhà băng cố gắng có thêm nhiều mối lương duyên với đối tác ngoại. Thông qua các đối tác chiến lược nước ngoài, NH nội có được sự hỗ trợ tốt hơn về tiềm lực tài chính, vốn và đặc biệt quan trọng là khả năng quản trị điều hành, cũng như công nghệ hiện đại.
Ở đây, một điểm đáng lưu ý nữa là theo lộ trình của NHNN, đến tháng 6/2014 Thông tư 02 sẽ có hiệu lực. Mặc dù Thống đốc NHNN cho biết, sẽ “mềm mại” hơn, nhưng không loại trừ khả năng các NH vẫn phải phân loại nợ theo chuẩn mới và nhiều quy định mới về tỷ lệ an toàn vốn… Do đó, đây là động lực “thúc” các NH nội cấp bách tìm đối tác chiến lược để giảm bớt áp lực tăng vốn.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, khi Thông tư 02 được áp dụng dù có thể phần nào đó được NHNN nương nhẹ nhưng chắc chắn nợ xấu của NHTM sẽ cao hơn và các NH phải sớm tìm cách xoay xở. Vì vậy, việc tìm kiếm các đối tác đầu tư có nguồn vốn mới như NĐT ngoại có ý nghĩa quan trọng. “Nếu chúng ta cứ từ từ phát triển e rằng sẽ rất chậm và các NH không còn cơ hội phát triển nữa. Tốc độ hiện nay đang có vai trò quyết định”, lãnh đạo một NH nhận định.
Mong muốn trên của NH có thể trở thành hiện thực khi mới đây Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc cho phép NĐT nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam, thay thế Nghị định số 69/2007/NĐ-CP đã có hướng mở hơn. Cụ thể, Nghị định số 01/2014/NĐ-CP cho phép các TCTD Việt Nam được phép bán tối đa 20% cổ phần mà không cần đề nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại TCTD yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức, NĐT chiến lược nước ngoài tại TCTD vượt quá giới hạn quy định…
Nhưng chưa hấp dẫn
Trao đổi với phóng viên, quyền Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho rằng, việc nới “room” lên 20% là yếu tố cần giúp các NH thu hút vốn ngoại, nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn khối ngoại. Bởi theo ông Văn, với mức điều chỉnh trên chỉ giúp các NH có thể bán thêm cổ phần, còn ở góc độ NĐT họ sẽ không mặn mà vì con số 20% chưa đảm bảo quyền phủ quyết của NĐT ngoại tại NH họ tham gia.
Đồng quan điểm, theo lãnh đạo một NHTMCP, nới room ít nhất phải từ mức 35% trở lên thì mới tạo động lực cho NĐT ngoại tham gia mua cổ phần NH. “Chả có NH nào muốn bỏ một số tiền lớn mà gần như không có quyền hành gì đối với nó. Nếu không thay đổi mức room này thì năm 2014 M&A NH cũng chưa có đột phá”, vị này bày tỏ quan điểm.
Còn theo TS. Nghĩa, thời điểm này, NĐT nội trường vốn không còn tiền để mua cổ phần nữa, chỉ còn trông chờ vào khối ngoại. Nhưng với mức điều chỉnh trên chưa chắc khối ngoại đã mặn mà. Ngoài ra, một trong những cản trở NĐT ngoại tham gia hoạt động M&A là quan hệ sở hữu tại các NH Việt Nam chưa rõ ràng, minh bạch.
Thực tế, theo ông Nghĩa đúng là không phải ông chủ NH nào cũng sẵn sàng bán cổ phần cho NĐT ngoại. Nhưng ở một chiều ngược lại, các NĐT ngoại rất ngại mua cổ phần những NH như vậy. “Tôi được biết, có NH chào bán cổ phần, NĐT ngoại chấp thuận mua với giá cao nhưng với yêu cầu không có bóng dáng ông chủ cũ tại NH”, TS. Nghĩa cho biết thêm.
Lãnh một NHTMCP cho biết, nhiều NH đã sử dụng tối đa room NĐT ngoại như BNP Paribas sở hữu 20% vốn điều lệ của OCB, Commonwealth Bank of Australia sở hữu 20% vốn điều lệ của VIB, Societe Generale sở hữu 20% vốn của SeABank, United Overseas Bank sở hữu 20% vốn của Southern Bank, BTMU sở hữu gần 20% vốn của VietinBank…
Như vậy, gần một nửa số NH không có cơ hội bán thêm vốn cho đối tác ngoại. Những NH trong nhóm tầm trung không còn nhiều cổ phần để bán. Còn những NH quy mô nhỏ, các NĐT ngoại lại không mặn mà. “Đối tác Nhật Bản được nhiều NH hướng đến, nhưng có vẻ họ chê NH Việt Nam nhỏ quá. Đầu tư tiền vào nhiều mà quyền ít, tính minh bạch không cao thì lại càng khiến họ nhụt chí”, ông Nghĩa cho hay.
Trước những áp lực thị trường về tái cơ cấu NH ngày càng lớn, việc “kết hôn với ngoại quốc” không dễ dàng, nhiều ý kiến cho rằng, bản thân các NH nội cũng cần cố gắng tự tái cơ cấu. Không phải con đường bán cổ phần cho NĐT ngoại là duy nhất giúp NH “đổi đời”. Vì cũng có những NH tự tái cơ cấu thành công như TPBank…
Trên thực tế, một số NH có cổ đông chiến lược nước ngoài cũng thừa nhận không phải vấn đề gì cũng sẽ được cổ đông nước ngoài hỗ trợ, mà nhiều khi vẫn phải thuê tư vấn nội để triển khai các kế hoạch và chiến lược phát triển. Trong khi, những khác biệt về văn hóa kinh doanh không phải là dễ khỏa lấp, sẽ tác động đến hiệu quả hoạt động của NH.
Theo đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, phải năm sang 2015 M&A trong lĩnh vực NH mới thực sự nhộn nhịp đối với NĐT nước ngoài. “Hiện tại, họ đang nghe ngóng tái cấu trúc hệ thống NH đi đến đâu. Nếu triển khai tốt thì năm 2015 chắc chắn họ sẽ nhảy vào mua”, TS. Nghĩa nói thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ