Mách nước cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương- Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh khẳng định: Tạo niềm tin đối với ngân hàng và phải biết liên tục đánh giá mình là 2 yếu tố chính giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vay được vốn.
Tạo niềm tin!
Theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, bản chất của tín dụng là lòng tin. Mà lòng tin ở đây là niềm tin duy lý (tuyệt đối không phải niềm tin ở trái tim). Qua cả nghìn năm, con người đã đúc kết được những yếu tố cấu tạo nên niềm tin trong các giao dịch vay mượn. Nó bao gồm 7 yếu tố: pháp lý, uy tín, mục đích vay, năng lực tạo lợi nhuận, môi trường, năng lực tài chính và tài sản thế chấp. 5 yếu tố đầu người ta gọi là yếu tố định tính và 2 yếu tố sau người ta gọi là định lượng.
Có một thực tế không giải thích được là khi tiếp cận DNNVV, ngân hàng đã lập tức không muốn cho vay. “Đôi khi chỉ nhìn cái mặt ông là tôi thấy cái nét ông không trả được, là tôi không cho vay”! Vì vậy, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng, muốn vay được vốn, DNNVV trước hết phải chứng tỏ được là mình người muốn trả nợ đã (còn có gì để trả hay không thì tính sau). Trong nghiệp vụ ngân hàng gọi là chuẩn vay. Đây là vấn đề đầu tiên. Tức là anh phải chứng tỏ anh là người đáng tin đã.
“Do đó, yếu tố anh có muốn trả nợ không mới là quyết định chứ không phải phương án vay”- Tiến sĩ Dương khẳng định.
Kế đến là mục đích vay. Bản chất của cho vay là người cho vay chung vốn với người vay để cùng đánh một phương án kinh doanh nào đó. Tức là ngân hàng phải nhìn thấy phương án thắng mới đánh, mới cho vay.
Kế nữa và khá quan trọng là khả năng tạo lợi nhuận của người vay. Đây là điều khó nhất, gay go nhất của DNNVV trong việc lấy lòng tin đối với ngân hàng khi muốn vay. Một yếu tố khác cực kỳ quan trọng là môi trường kinh doanh. Đây chính là nhân tố quyết định cấu tạo nên lòng tin, có thể ứng dụng cho mọi lĩnh vực.
2 yếu tố còn lại là năng lực tài chính và tài sản thế chấp. Tuy nhiên, những yếu tố này chỉ là những yếu tố phụ để ngân hàng đưa ra quyết định mà thôi. “Định lượng cộng định tính ra món vay. Trong đó yếu tố định tính sẽ quyết định đến việc ngân hàng có giải ngân hay không”- Tiến sĩ Dương nói.
Biết cách đánh giá mình liên tục
Cũng theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, có một số yếu tố căn bản mà nếu doanh nghiệp tránh được sẽ không bao giờ chết và chắc chắn sẽ được ngân hàng duyệt cho vay ngay khi cần vốn tín dụng.
Trong đó, yếu tố thích nghi được đặt lên hàng đầu. Muốn vậy, doanh nghiệp phải biết liên tục đánh giá lại mình; phải đánh giá với mật độ từng tháng để thấy mình đối mặt với cái gì nhằm giải quyết tức thời.
Nhìn chung, một doanh nghiệp sống hay chết là nhờ 3 yếu tố. Mạnh, thuộc ngành mạnh và vĩ mô phải mạnh. Doanh nghiệp thích nghi là biết mình đang mạnh hay yếu. Khi đó, sẽ rơi vào một trong 4 dạng: mạnh và có cơ hội, mạnh mà gặp nguy cơ, yếu mà có cơ hội, yếu mà gặp nguy cơ.
4 dạng này kiểu nào cũng sống được. Anh mạnh mà có cơ hội thì anh tấn công (Hoàng anh Gia Lai, Viettel). Mạnh nhưng rơi vào vùng nguy cơ thì buộc phải chơi chiến lược đa dạng hóa. Đầu tư ngoài ngành là không xấu, là một quy luật, nhưng do không biết làm nên đổ tội cho đầu tư ngoài ngành.
Yếu mà rơi vào vùng cơ hội, phải chơi chiến lược đánh đu, tức là buộc phải liên kết với kẻ lớn, và khiêm tốn xuống. Còn nếu yếu mà rơi vào vùng nguy cơ chỉ còn cách phải chơi chiến lược phòng thủ, có nghĩa là giảm chi phí đến tận cùng, thậm chí là bán phòng ban, bán phân xưởng…
Tất cả những doanh nghiệp tiếp cận được với ngân hàng điều đầu tiên là điều chỉnh được chiến lược và đánh giá lại mình liên tục. “Không nên thay đổi chiến lược, mình ở vùng nào chơi vùng đó, còn nếu bị nhảy vùng thì điều chỉnh chiến lược. Chỉ khi nào ngân hàng thấy rõ anh "ngon" thì lúc đó mới cho vay”- TS Dương nói.
Một số yếu tố khác cũng tác động không nhỏ đến quyết định cho vay của ngân hàng là DNNVV phải chứng minh được mình có chiến lược tốt, có tư duy, sản phẩm tốt (phù hợp cầu, giá tốt) và có tính thuận tiện; không phát triển nóng, luôn đầu tư theo giá trị cốt lõi, không cắt giảm hoàn toàn chi phí marketing, minh bạch, công tác nhân sự hiệu quả, có liên kết kinh doanh, thuê chuyên gia khi cần, luôn có thông tin về dự báo vĩ mô, luôn có chương trình quản trị khủng hoảng (còn gọi là quản trị rủi ro chủ động), biết tái cấu trúc, tận dụng cầu và tuyệt đối không làm theo đám đông.../.
Theo Thời báo tài chính Việt Nam
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Cột tin quảng cáo