Pháp luật

Mẹ Vũ Văn Tiến viết tâm thư xin tha tội chết cho con

(DNVN) - "Về cái chết của 6 nạn nhân, tôi chỉ biết tụng kinh niệm phật mong họ yên nghỉ nơi chín suối. Về Tiến, tôi cầu xin Chủ tịch nước cho nó cơ hội được sống để sửa chữa lỗi lầm."- mẹ Tiến viết trong tâm thư gửi Chủ tịch nước.

Liên quan đến vụ xét xử thảm sát chấn động tại Bình Phước ngày 17/12, bị cáo Vũ Văn Tiến bị tòa tuyên án tử hình vì đã trợ giúp đắc lực cho Nguyễn Hải Dương - kẻ chủ mưu gây ra tội ác làm 6 người chết tại xã Minh Hưng, Chơn Thành Bình Phước.

Bà Th. mẹ của Vũ Văn Tiến cho biết bà có 5 người con, Tiến là con út và rất nghe lời. Dù biết con đã gây nên tội lớn nhưng với tình yêu thương của một người mẹ, bà vẫn muốn con mình có cơ hội được sống sót. Báo Người lao động thông tin.

Bà Th. viết tâm thư xin Chủ tịch nước tha tội chết cho con. Ảnh báo Người lao động.

Bà bảo, hoàn cảnh nhà bà cũng khó, không đủ tiền thuê luật sư riêng nên bà đã tự tay viết tâm thư gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Nội dung thư như sau: “Thưa Chủ tịch nước. Là mẹ của bị cáo Vũ Văn Tiến, tôi không hiểu nhiều về luật để đứng ra tranh luận bảo vệ cho con. Việc con tôi bị xử tội tử hình là quá nặng”.

“Tôi thấy thằng Tiến bị bạn bè lôi kéo cùng tham gia chứ hoàn toàn không có động cơ, mục đích gì. Từ đầu đến cuối nó đã bị Dương uy hiếp, không dám phản kháng. Chính Dương đã thành thật thừa nhận điều này trước tòa”- bà Th. trình bày trong tâm thư.

Nội dung tâm thư bà Th. gửi Chủ tịch nước. Ảnh báo Người lao động.

Bà Th. nhận xét Tiến rất lầm lì nhưng hay sợ sệt. Nếu Tiến cãi lời Dương có thể giờ này con trai bà đã chết dưới tay bạn mình. Nói về cái chết 6 nạn nhân, bà Th. trình bày trong đơn: “Tôi không biết lấy gì để chuộc lại lỗi lầm mà con trai tôi góp phần gây ra. Tôi chỉ biết tụng kinh niệm Phật mong họ yên nghỉ nơi chín suối. Về Tiến, tôi cầu xin Chủ tịch nước cho nó một cơ hội được sống, để sửa chữa lỗi lầm mà nó gây ra”.

"Vợ chồng tôi bây giờ đã cao tuổi, chỉ còn Tiến là nơi nương tựa tuổi già. Nếu Tiến chết, chắc vợ chồng tôi cũng suy sụp mà chết theo. Gia đình tôi mấy đời tham gia cách mạng, tôi không dám kể công nhưng mong Chủ tịch nước xem xét để khoan hồng cho con trai tôi". Báo Zing news dẫn tâm thư của bà Th.

Trước đó, ngày 27/12, bà Th. cho biết đã được cơ quan chức năng tạo điều kiện cho gặp con trong trại giam. Đây là lần đầu mẹ con họ được gặp nhau kể từ thời điểm Tiến bị bắt, ngày 10/7.

 

Bà Th. xin Chủ tịch nước cho Tiến cơ hội được sống. Ảnh báo Người lao động.

Trong một giờ, Tiến khóc nhiều, dặn mẹ giữ gìn sức khỏe và không phải lo lắng nhiều. Người đang mang án tử hình bảo với bà Th. rằng, do gia đình không có điều kiện kinh tế nên mỗi tháng chỉ đến thăm một lần. "Nó nói đã làm đơn kháng cáo xin được giảm án tử hình, nhưng chắc không thoát được rồi bật khóc", bà Th. nghẹn ngào.

Theo lời kể của bà Th. con bà làm quen và chơi thân với một phạm nhân. Người này thường xuyên nói chuyện và dạy làm các con vật bằng dây thun để Tiến bớt cô quạnh. Khi chia tay mẹ, Tiến đưa cho bà Thi một con heo được thắt bằng nylon có dòng chữ "Gia đình vui vẻ".

Trong ngày Tiến được đưa ra xét xử lưu động (ngày 17/12 – PV), bà Th. cũng có mặt từ sớm nhưng không dám “lộ diện”. “Tôi biết tội ác của con mình gây ra cho gia đình người ta là rất lớn, gây bức xúc trong dư luận, sợ mọi người chửi rủa, đám đông không giữ được bình tĩnh sẽ tìm đến mình gây chuyện nên khi đến theo dõi phiên tòa tôi phải mặc áo chùm kín đầu, đeo khẩu trang.  Báo Dân trí thông tin.

Vũ Văn Tiến bật khóc tại phiên xử sơ thẩm vụ thảm sát tại Bình Phước ngày 17/12.

Tôi ngồi ngay chỗ hàng rào sau lưng Tiến, mỗi khi Tiến đứng trước vành móng ngựa, tôi cố rướn người lên nhìn con rồi lại khóc, những người xung quanh hỏi tôi có phải là mẹ của Tiến không? nhưng tôi không dám thừa nhận mà chỉ nói là bạn của mẹ Tiến” – Nói đến đến đây giọng bà Th. nghẹn lại.

Suốt từ sáng đến tối, bà Thi vật vã dưới cái nắng, cái bụi để dõi theo con, nước mắt của bà cũng cạn. Đến khi trời tối đen, cũng là lúc HĐXX tuyên án, nghe Tiến nhận mức án tử hình, bà Th. ngã quỵ.

 

“Nghĩ đến con nhận án tử lòng tôi tan nát nhưng vẫn cố gắng đứng dậy, vì tôi gục ngã sẽ không có ai chăm sóc nó. Nghĩ vậy tôi đành lủi thủi trong đêm trở về Hóc Môn nghĩ cách lo cho con” – Bà Th. nói.

Bà nói với phóng viên tâm nguyện của mình mà rưng rưng: “Ý nguyện cuối đời của tôi là mong Tiến được sống. Nếu điều đó thành hiện thực tôi sẽ cạo đầu quy y nơi cửa Phật”. 

NÊN ĐỌC
Hồng Hà (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo