Khám phá

Mô hình dạy bơi trong trường tiểu học: Đề án bị… “đuối nước”

Bơi lội là môn thể thao đặc thù, nếu đưa vào dạy trong trường học cần có nhiều điều kiện đi kèm… Việc nôn nóng, không có lộ trình chuẩn bị và thiếu sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các cơ quan chức năng đã khiến cho việc dạy học bơi vẫn chỉ là trên lý thuyết suốt thời gian dài.

 

Kế hoạch 3 năm vẫn nằm trên giấy



Cuối năm 2009, trước thực trạng tai nạn đuối nước ngày một gia tăng với học sinh, tại một hội thảo cấp quốc gia, với sự chủ trì của Bộ Giáo dục - Đào tạo, các cơ quan, ban, ngành trung ương và các Sở Giáo dục - Đào tạo đã cùng đề xuất, thống nhất nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra với các em.
 

Mục tiêu của Bộ đưa ra là chậm nhất đến năm học 2014-2015, các Sở Giáo dục - Đào tạo phải xây dựng được mô hình dạy bơi thí điểm trong các trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp. Mô hình dạy bơi sẽ được thí điểm tại các trường có điều kiện thuận lợi, sau đó nhân rộng theo cụm trường và hướng đến việc tổ chức dạy bơi đại trà cho học sinh cấp tiểu học.
 
 
Đối tượng dạy bơi trong giai đoạn năm 2010 - 2015 trước hết là học sinh tiểu học, tập trung vào học sinh khối lớp 4 và mở rộng dạy bơi cho học sinh  khối lớp 3 và lớp 5. Thời gian tổ chức dạy bơi là vào dịp hè và các ngày nghỉ trong tuần, hoặc có thể lồng ghép các tiết dạy bơi vào chương trình môn học giáo dục thể chất…


Thế nhưng, cho đến nay, những nội dung của kế hoạch này vẫn… nằm trên giấy. Ngoài việc chú ý nhắc nhở phụ huynh, học sinh về những nguy cơ tai nạn về đuối nước, nhất là khi vào hè, song nhìn tổng thể gần 3 năm qua chưa có giải pháp nào được triển khai một cách thống nhất, bài bản tại các địa phương.
 
 
Phía Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng chỉ dừng lại ở việc ban hành kế hoạch vào đầu năm học, chưa kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện tại địa phương. Hà Nội từng có hẳn một đề án dạy bơi cho học sinh tiểu học, giúp hàng nghìn học sinh  biết bơi và trang bị những kỹ năng cơ bản để phòng tránh đuối nước. Nhưng rồi do nhiều nguyên nhân, đề án cũng chỉ thực hiện được trong vài năm.


Trong lúc các cơ quan chức năng loay hoay tìm giải pháp ngăn ngừa tình trạng đuối nước ở trẻ, thì ngay từ đầu hè, các bậc phụ huynh đã đổ xô cho con đi học bơi. Theo ý kiến của những người có chuyên môn, không phải nơi nào cũng đảm nhận được việc này.
 
 
Dạy bơi không chỉ đơn thuần là giúp các em biết bơi, mà còn trang bị các kỹ năng có liên quan như phòng tránh, cứu đuối… Ca tai nạn thương tâm xảy ra hồi tháng 6 vừa qua tại tỉnh miền Trung của một học sinh dù biết bơi nhưng vẫn thiệt mạng khi nhảy xuống cứu bạn là minh chứng cho điều ấy.
 

Vì đâu?
 

Ghi nhận thực tế cho thấy, việc dạy bơi cho học sinh là cần thiết không chỉ với học sinh ở các vùng sông nước. Ngay cả với học sinh khu vực thành thị, việc trang bị cho học sinh các kiến thức về bơi và những kỹ năng cần thiết sẽ giúp các em tránh được nhiều rủi ro khi vui chơi, đi du lịch… Thế nhưng việc tìm được chỗ học bơi không phải dễ.
 
 
Các trường phổ thông không thể thực hiện được việc dạy bơi bởi không có điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Xây bể bơi tốn cả trăm triệu đồng, trong khi kinh phí hạn hẹp, các trường lấy đâu ra nguồn vốn để duy trì, bảo dưỡng thường xuyên?
 
 
Trong khi ấy, nhiều vùng khó khăn còn đang thiếu cả nghìn phòng học thì lấy đâu sức mà xây bể bơi; khu vực nội thành nếu có kinh phí cũng chẳng xoay xở đâu ra đất để xây bể cho học sinh tập bơi…
 


Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 phổ cập dạy và học bơi đối với học sinh phổ thông và mầm non, bảo đảm 100% trường phổ thông đưa môn bơi vào chương trình ngoại khóa, hỗ trợ các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung.

Vấn đề đặt ra lúc này là tổ chức dạy bơi cho học sinh ở đâu khi mỗi quận, huyện thường chỉ có một bể bơi phục vụ chủ yếu cho mục đích kinh doanh.
 
 
Các ông bố, bà mẹ trên địa bàn Hà Nội từng có nhu cầu cho con học bơi có lẽ thấu hiểu hơn ai hết nỗi gian truân để có được một tấm vé bơi trong hè tại Trường Thể thao thiếu niên 10-10.
 
 
Đây là một trong những địa chỉ hiếm hoi hiện nay trên địa bàn thành phố còn tổ chức dạy bơi cho học sinh , song mỗi dịp hè cũng chỉ có thể nhận khoảng 1.200 học viên.
 
 
Trong khi ấy, lại có nơi từng là địa chỉ quen thuộc cho học sinh tập bơi nay đã chuyển mục đích kinh doanh khác, bể bơi bị bỏ không khiến bao người tiếc nuối.


Kinh nghiệm trong triển khai đề án dạy bơi cho học sinh ở Hà Nội vài năm trước còn cho thấy vai trò quan trọng và sự cần thiết của một "trọng tài" để điều tiết hoạt động của các đơn vị có trách nhiệm.
 
 
Ví như có thể phối hợp giữa nhà trường với các trung tâm thể dục thể thao, nhà thiếu nhi, hồ bơi… để tổ chức dạy bơi cho học sinh. Có thế mới mong việc dạy bơi cho học sinh bớt hình thức, hô hào chung chung và việc tập huấn cho giáo viên dạy bơi lúc ấy mới thực sự hiệu quả.
 

 

Theo HNM

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo