Khám phá

Mỏ kim cương làm các cường quốc xâu xé Nam Cực?

Theo khảo sát được công bố trên tạp chí Nature Communication, các nhà khoa học đã phát hiện tại khu vực quanh năm đóng băng ở Nam Cực đá kimberlite - loại đá núi lửa kali thường có chứa kim cương.

Các nhà khoa học cho biết thêm kim cương được hình thành từ cacbon tinh khiết tại khu vực có độ sâu khoảng 150km trong vỏ trái đất, nơi có nhiệt độ cực cao và áp suất lớn. Khi các hoạt động địa chất xảy ra, như núi lửa phun trào, dòng dung nham nóng sẽ mang theo tinh thể kim cương lên bề mặt, thường được bảo quản bên trong một loại đá xanh được gọi là kimberlite.

Vì thế, việc phát hiện đá kimberlite là đầu mối quan trọng trong việc xác định sự tồn tại của kim cương. Điều này đã được giới chuyên gia chứng minh trong việc tìm kiếm kim cương tại các khu vực khác trên thế giới như châu Phi, Siberia và Úc.
 
Các nhà khoa học đã phát hiện loại đá núi lửa thường chứa kim cương kimberlite ở Nam Cực. Ảnh minh họa
 
Tuy nhiên, trong một nhóm đá kimberlite, chỉ có khoảng 10% lượng kim cương hoặc hơn chút đỉnh mang giá trị kinh tế. Vì thế, việc khai thác kim cương tại Nam Cực càng phải được cân nhắc kỹ lưỡng hơn.
 
Ngoài phát hiện mới nhất về kim cương dưới các núi băng ở Nam Cực, vùng đất địa cực này còn có rất nhiều khoáng sản quý như dầu khí, đá quý, kim loại hiếm và băng cháy, loại khoáng sản được coi là năng lượng của tương lai.
 
Tranh giành 'miếng bánh' Nam Cực
 
Trước mỏ vàng Nam Cực, các cường quốc trên thế giới không quên tranh phần.
 
Đi tiên phong trong việc tranh phần là Mỹ. Tháng 10/2012, chuyên trang quân sự Military.com cho hay, không quân Mỹ sẽ tiến hành nhiều chương trình như tổ chức vận chuyển hàng không và hỗ trợ cho các “hoạt động khoa học”.
 
Các chương trình có sự tham gia bởi đại diện đến từ không quân, hải quân, lục quân, tuần duyên Mỹ. Chúng được tiến hành trực tiếp bởi Lực lượng hỗ trợ hỗn hợp Nam cực, nằm dưới quyền điều phối của Lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương với căn cứ đặt tại Trân Châu cảng, Hawaii.
 
Trước đó, trang mạng Lầu Năm Góc hồi năm 2010 đưa tin quân đội Mỹ đang tiến hành các hoạt động tại Nam cực trong khuôn khổ chương trình: “Vũ trang và khoa học: Nghiên cứu và ứng dụng cho hiện đại hóa quân đội”.
 
Ngoài ra, từ năm 2008, không quân Mỹ còn thử nghiệm bay đêm với các thiết bị hỗ trợ tối tân trong điều kiện khắc nghiệt tại Nam cực, theo CNN.
 
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Lowy (Úc) chuyên về chính sách quốc tế năm 2011 đưa ra báo cáo kêu gọi quân đội cần nỗ lực phòng vệ khu vực mà Canberra tuyên bố chủ quyền tại Nam cực. Khu vực mà Canberra tuyên bố chủ quyền chiếm khoảng 40% diện tích Nam cực.
 
Trong năm 2012, Anh đã quyết định đặt tên của Nữ hoàng Elizabeth cho một vùng lãnh thổ mà London tuyên bố chủ quyền tại Nam cực. Vùng đất này được London đặt tên đầy đủ là Queen Elizabeth Land, chiếm khoảng 1/3 diện tích mà Anh tuyên bố chủ quyền, vốn chồng lấn với khu vực Argentina cũng tuyên bố chủ quyền, tại vùng đất băng giá trên.
 
Máy bay của không quân Mỹ tại Nam cực
 
Riêng Trung Quốc, sau khi là thành viên chính thức của Hội đồng Bắc Cực, Bắc Kinh tiếp tục tăng cường giám sát Nam Cực. Hồi tháng 11/2013 vừa qua, Trung Quốc có kế hoạch xây thêm hai trạm nghiên cứu nữa ở Nam Cực, tăng tổng số cơ sở của họ lên 5 trạm.
 
Xinhua dẫn thông tin từ Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc cho biết, trạm Thái Sơn (Taishan) – trạm nghiên cứu mới sẽ được xây giữa hai trạm sẵn có là Côn Lôn (Kunlun) và Trung Sơn (Zhongshan) tại lục địa băng.
 
Trạm Kunlun nằm trên đỉnh một vỉa băng ở phía đông Nam Cực, trong khi Zhongshan cách bờ biển Nam Cực 1.280 km.
 
Trạm mới sẽ được sử dụng để nghiên cứu địa chất, các dòng sông băng, địa từ học và khoa học khí quyển. Một trạm quanh năm nữa sẽ được xây ở vùng Victoria Land ở biển Ross, để phục vụ công tác nghiên cứu đa ngành về sinh học và dò tìm vệ tinh từ xa.
 
Một đội thám hiểm đang tiến hành kiểm tra thực địa và hai trạm nghiên cứu sẽ được hoàn tất trước năm 2015. Trạm thứ ba hiện có của Trung Quốc, trạm Vạn lý Trường thành, nằm trên đảo King George ở ngoài khơi bán đảo Nam Cực.
 
Được biết, Nam Cực là mục tiêu của hơn 80% các cuộc thám hiểm địa cực của Trung Quốc và được coi là trọng tâm địa cực của nước này.
Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo