Môi trường biển miền Trung: Khi nào mới biết cá biển an toàn?
Ở thời điểm hiện tại, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục lấy mẫu cá biển tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) để tiến hành xét nghiệm. Việc kết luận cá biển ăn được hay không cần có thời gian bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Do đó, chỉ cần có 1 hay 1/2 mẫu cá thu thập được kiểm tra là không an toàn, thì khả năng cá biển ô nhiễm gây hại cho sức khỏe trong người vẫn còn. Vì vậy, phải tới tháng 9 thì Cục An toàn Thực phẩm mới công bố cá biển miền Trung có ăn được hay không. Báo Vntinnhanh thông tin.
Bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết thêm từ thời điểm cá chết hàng loạt, Cục An toàn thực phẩm đã thu thập tổng cộng 435 mẫu cá xét nghiệm. Ở thời điểm tháng 5-6 có rất nhiều mẫu không đạt tiêu chuẩn, nhưng hiện tại số mẫu không đạt ngày càng giảm.
Tháng 7, Cục An toàn thực phẩm ghi nhận có 7/27 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Đến tháng 8, số mẫu không đạt chuẩn chỉ còn 1/18. Mẫu này được thu thập tại cảng cá ở Hà Tĩnh.
Tại vùng biển thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh những ngày cuối tháng 8/2016, tàu thuyền không còn tình trạng nằm dài gối bãi. Nhiều tàu cá của ngư dân đã ra khơi trở lại. Sau những chuyến đi biển, lượng hải sản đánh bắt được khá dồi dào nhưng việc tiêu thụ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Báo Người lao động thông tin.
Tại các chợ ở những xã ven biển như Kỳ Lợi, Kỳ Phương, Kỳ Nam..., các quầy bán hải sản luôn vắng người mua. Chị Trần Thị Diêu, một tiểu thương chuyên bán hải sản ở khu vực xã Kỳ Lợi, cho biết: “Từ khi xảy ra sự cố môi trường, hải sản ngư dân đánh bắt về có giá rất thấp.
Cá nục nhỏ trước đây giá 50.000-60.000 đồng/kg, giờ bán chưa tới 10.000 đồng/kg; mực trước đây giá khoảng 250.000-300.000 đồng/kg, nay chỉ bán được khoảng hơn 100.000 đồng/kg... Giá rẻ vậy nhưng vắng khách vì nhiều người vẫn sợ ăn hải sản sẽ bị nhiễm độc”.
Lo lắng của người dân cũng dễ hiểu bởi đến nay, vẫn chưa có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng về việc ăn hải sản đánh bắt ở khu vực gần bờ có thực sự an toàn hay không. Chị Nguyễn Thị Lan, ngụ thị xã Kỳ Anh, e dè:
“Mấy tháng rồi không ăn cá biển nên gia đình tôi rất thèm. Nhiều lần đi chợ định mua nhưng lại sợ vẫn còn nhiễm độc nên không dám. Các cơ quan chức năng cần có kết luận sớm để người dân khỏi lo lắng”.
Việc người dân quay lưng với các loại hải sản không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của các ngư dân mà còn khiến hàng loạt quán xá, nhà hàng hải sản trên địa bàn thị xã Kỳ Anh lâm vào cảnh tiêu điều.
End of content
Không có tin nào tiếp theo