Môi trường

Mục tiêu phát thải ròng bằng 0: Cơ hội cho doanh nghiệp ứng dụng đồng bộ công nghệ xanh

DNVN - Phát biểu tại diễn đàn “Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0” ngày 23/12, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam nhấn mạnh mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tạo cơ hội cho doanh nghiệp đồng bộ chuyển giao công nghệ xanh.

Siemens khởi động Giải thưởng báo chí về Công nghệ xanh / Hội thảo: Con đường đến với công nghệ xanh của Thụy Điển

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết, biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng, không chỉ Việt Nam mà toàn thế giới đang phải gánh chịu.

Nguyên nhân chính là do lượng phát thải khí nhà kính tăng lên trong những năm qua. Để giảm những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra, thế giới đang đẩy mạnh các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính ở cấp độ toàn cầu.

Đây cũng là cơ hội để các quốc gia thúc đẩy một cuộc cách mạng trong sản xuất, tiêu dùng và giao thông vận tải… để loại bỏ lượng lớn carbon thải ra, hoặc sử dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ, loại bỏ carbon tại nguồn phát thải.

“Với mục tiêu cao nhất đạt phát thải ròng bằng 0 của Chính phủ thì đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội mới để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đồng bộ cơ chế, giải pháp, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xanh nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Ngọc nói.

Các đại biểu tham gia diễn đàn “Thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.

Theo TS Tạ Đình Thi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Việt Nam luôn coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và từng người dân trong việc thực hiện đồng thời các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết chính trị mạnh mẽ trong nội dung này. Đồng thời, trong nỗ lực chung, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiều nội dung nằm trong chiến lược quốc gia trong giai đoạn mới với mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, phát huy lợi thế cạnh tranh trong chuỗi kinh tế xanh toàn cầu.

Điều này, thể hiện rõ nét và khẳng định mạnh mẽ tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế số là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Nếu không bắt kịp với thế giới, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển. Người dân cần nắm bắt sớm, chuyển đổi ngay. Về thể chế, chính sách có ảnh hưởng sâu rộng đến phát triển của doanh nghiệp; trong đó có cả các bên liên quan.

Đối với một số nhiệm vụ cần thực hiện, ông Thi cho rằng, việc phát triển thị trường carbon cần được tăng tốc độ. Trong đó, các hội đồng khoa học, doanh nghiệp, người dân cần chung tay đóng góp và đây là tiền đề phát triển chung bao trùm xã hội.

“Cần có thêm những ý kiến đóng góp để tạo hành lang pháp lý phù hợp, phát huy vai trò của nhà nước trong phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Tôi cho rằng các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý để bắt nhịp quá trình hội nhập. Từ đó, tạo ra thêm nhiều nguồn lực, tài chính để phát triển”, ông Thi nhấn mạnh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm