Môi trường

WHO: Thế giới có khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm do ô nhiễm không khí

DNVN - WHO cho biết, gánh nặng bệnh tật do tiếp xúc với ô nhiễm không khí xung quanh và trong nhà đang ngày càng gia tăng. Đặc biệt, ô nhiễm không khí làm gia tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong do các bệnh hô hấp và tim mạch. Theo ước tính của WHO, khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm chủ yếu từ ô nhiễm không khí.

Việt Nam báo động ô nhiễm không khí trong nhà / Ô nhiễm không khí gây hội chứng rối loạn tự kỉ?

Ngày 22/9 Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố những thông tin mới nhất về Hướng dẫn chất lượng không khí toàn cầu - Global Air Quality Guidelines (AQGs) 2021. Đây là bản cập nhật đầu tiên cho AQGs kể từ lần đầu được công bố năm 2005.

Trong năm 2019, trên 90% dân số trên thế giới sống trong các khu vực có nồng độ PM2,5 vượt ngưỡng 10 µg/m³ theo hướng dẫn AQG của WHO năm 2005.

Trong năm 2019, trên 90% dân số trên thế giới sống trong các khu vực có nồng độ PM2,5 vượt ngưỡng 10 µg/m³ theo hướng dẫn AQG của WHO năm 2005.

WHO cho biết, gánh nặng bệnh tật do tiếp xúc với ô nhiễm không khí xung quanh và trong nhà đang ngày càng gia tăng. Đặc biệt, ô nhiễm không khí làm gia tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong do các bệnh hô hấp và tim mạch - là các nguyên nhân chính gây tử vong trên toàn cầu. Ô nhiễm không khí cũng làm gia tăng gánh nặng bệnh tật do nhiễm trùng đường hô hấp dưới, tăng nguy cơ sinh non và các nguyên nhân tử vong khác ở trẻ em và trẻ sơ sinh - đây là nguyên nhân chính gây ra gánh nặng bệnh tật tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Theo ước tính của WHO, khoảng 7 triệu ca tử vong sớm chủ yếu từ các bệnh không lây nhiễm, là do cả ô nhiễm không khí trong nhà và xung quanh. Chỉ tính riêng ô nhiễm không khí xung quanh (bên ngoài) đã làm mất đi hàng trăm triệu năm sống khỏe mạnh, trong đó hầu hết gánh nặng bệnh tật đặt vào các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

Mặc dù chất lượng không khí đã dần được cải thiện ở các nước thu nhập cao, nhưng ở nhiều khu vực, nồng độ một số chất ô nhiễm vẫn vượt ngưỡng AQG 2005 của WHO. Năm 2019, hơn 90% dân số toàn cầu sống trong những khu vực có nồng độ vượt mức AQG năm 2005 của WHO về phơi nhiễm PM2,5 dài hạn. Ô nhiễm không khí nói chung là phổ biến ở hầu hết các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Tổ chức này cho biết, phơi nhiễm với các chất ô nhiễm không khí đang phụ thuộc phần lớn vào nồng độ các chất ô nhiễm không khí xung quanh (bên ngoài). Đặc biệt, trong năm 2019, trên 90% dân số trên thế giới sống trong các khu vực có nồng độ PM2,5 vượt ngưỡng 10 µg/m³ theo hướng dẫn AQG của WHO năm 2005. Và với ngưỡng AQG năm 2021 xuống thấp hơn năm 2005, thì gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí sẽ tăng lên ở tất cả các quốc gia.

Việc đạt được các mức AQG theo khuyến nghị sẽ mang tới những lợi ích sức khỏe đáng kể trên toàn cầu. Theo WHO. thế giới sẽ tránh được khoảng 80% số ca tử vong do phơi nhiễm PM2,5 nếu các quốc gia đưa được nồng độ PM2,5 trung bình năm bằng mức khuyến cáo như hướng dẫn AQG.

Cũng theo WHO, chất lượng không khí kém là một nguy cơ lớn cho cả các bệnh về hô hấp, tim mạch cấp (ví dụ như viêm phổi) hay mãn tính (ví dụ như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ). Những người có bệnh lý nền có thể có nguy cơ bị bệnh nặng hơn khi nhiễm COVID-19. Do vậy, ô nhiễm không khí có khả năng cao là yếu tố làm tăng gánh nặng sức khỏe do COVID-19 gây ra.

Tổ chức này cũng đưa ra khuyến cáo, hầu hết tất cả các nỗ lực trong cải thiện chất lượng không khí đều có thể tăng cường giảm nhẹ biến đổi khí hậu và ngược lại. Đáng chú ý, việc giảm hoặc loại bỏ dần quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch và sinh khối sẽ làm giảm phát thải khí nhà kính, và giảm các chất ô nhiễm không khí gây hại cho sức khỏe. Bằng cách đẩy mạnh các hoạt động bền vững về môi trường gắn với bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chúng ta có thể đạt được những bước tiến lớn nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Thông tin được tổng hợp và biên dịch trong nỗ lực của Dự án Chung tay vì không khí sạch, được thực hiện bởi Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Dự án hướng tới nâng cao nhận thức và thúc đẩy giải pháp về cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe trẻ em và cộng đồng tại Hà Nội cùng các thành phố khác.
Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm