Một ký túc xá (KTX ) hiện đại có sức chứa 432 sinh viên và hoàn toàn miễn phí sẽ được khởi công xây dựng tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM vào tháng 5-2015.
Tại KTX này, trong suốt những năm đại học, sinh viên còn được hỗ trợ toàn bộ học phí, tiền ăn và được đào tạo những kỹ năng cần thiết để ra đời.
Người đề xuất và tài trợ dự án “độc”, “lạ” này là một doanh nhân 66 tuổi ở xứ bưng biền Đồng Tháp: ông Phạm Văn Bên.
Trả ơn đời
Mấy hôm nay ông Phạm Văn Bên gác lại hết các cuộc hẹn quan trọng với đối tác làm ăn, tập trung chuẩn bị cho lễ ký kết hợp tác với Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, rồi sau đó là khởi công xây dựng KTX.
Chuyện này quan trọng đến mức ông bỏ luôn thói quen đánh cờ tướng mỗi buổi chiều.
Ông dành thời gian đó để cùng các con bàn chuyện mua sắm trang thiết bị, mời những người có tâm từ thiện tham gia ban quản lý KTX, rồi chuyện làm thế nào chọn được sinh viên nghèo nhất mà học giỏi nhất vào ở...
Đưa chúng tôi xem quyết định phê duyệt dự án của Bộ GD-ĐT và bản vẽ phối cảnh KTX Cỏ May sắp được khởi công, ông Bên bảo rằng công trình này xuất hiện trong đầu ông từ năm 2012.
Hơn hai năm qua ông dành rất nhiều tâm huyết để biến ý tưởng đó thành hiện thực.
Và bây giờ ông đang hồi hộp chờ đợi giây phút đặt viên gạch đầu tiên xây dựng công trình của cuộc đời mình.
Ông lặng im nhìn ra cửa hồi lâu rồi chậm rãi kể: “Tui sinh ra ở cù lao Tây thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Tui từng lưu lạc sang Long Xuyên, Chợ Mới (An Giang) để học phổ thông. Nhưng vì ham chơi nên thi rớt tú tài, lúc này tui mới tỉnh ngộ, thấy có lỗi với cha mẹ rất nhiều. Hối hận quá nên tui khăn gói lên Sài Gòn học lại với quyết tâm lấy được bằng tú tài đem về cho cha mẹ vui lòng. Tui không xin tiền cha mẹ nữa mà ra đi tay trắng, tự tìm việc làm để có tiền ăn học”.
Lên Sài Gòn, ông xin làm công ở lò bánh mì. Nhưng nghề này chỉ làm việc nửa đêm về sáng nên chẳng bao lâu ông Bên trở nên xanh xao, ốm như con cò ma, đôi mắt thụt sâu vì thiếu ngủ. Sức khỏe suy giảm khiến ông không thể học được.
Nghe bạn bè mách bảo, ông nghỉ làm ở lò bánh mì xin một chân thợ hồ. Công việc này rất nặng nhọc nhưng ông vẫn cố gắng làm để có tiền đi học.
Cuộc sống ở đất Sài Gòn vất vả, túng thiếu đã dẫn dắt ông vào cô nhi viện Quách Thị Trang gần hồ Kỳ Hòa cho có chỗ ở và được ăn cơm bá tánh.
Vì liên tục trốn quân dịch nên ông buộc phải bỏ dở ước mơ lấy tấm bằng tú tài chuộc lỗi với cha mẹ. Ông buồn bã xếp hành lý quá giang tàu buôn trở về quê Đồng Tháp.
Mấy chục năm qua công việc kinh doanh lúa gạo, thức ăn chăn nuôi của ông Bên rất thuận buồm xuôi gió, song ký ức học hành dở dang vẫn cứ hiện về ám ảnh ông.
Nhưng ít ai biết có một lý do rất đặc biệt đã thôi thúc ông Phạm Văn Bên dành hết tâm huyết cho công trình KTX miễn phí.
Đó chính là căn bệnh hiểm nghèo mà ông từng mang. Năm 2002, lúc đó ông Bên được 52 tuổi, ông phát hiện mình bị bệnh gan.
Hai năm sau ông đến một cơ sở y tế lớn tại TP.HCM để khám và được chẩn đoán xơ gan giai đoạn cuối. Một nữ bác sĩ đã nói với ông: “Bệnh của ông trị không được nữa!”.
Nghe bác sĩ nói mình sắp chết, ông tự tìm hiểu cách chữa bệnh xơ gan mà người đời truyền miệng với hi vọng sống thêm ngày nào hay ngày đó.
Ông áp dụng phương pháp nhịn đói 21 ngày liên tục và lao vào làm việc 15 giờ mỗi ngày, bên cạnh việc uống thuốc tây cầm cự. Lạ một điều là sức khỏe của ông ngày một tốt hơn.
Đến năm 2008 ông đi làm các xét nghiệm và được thông báo đã khỏi bệnh. Ông tâm sự: “Tui hết bệnh là nhờ những bài thuốc dân gian của người đời để lại. Bởi vậy, tui xây KTX cho sinh viên nghèo để vừa lo cho các em học thành tài, vừa quan tâm dạy dỗ các em về đạo làm người, về tình yêu thương giữa người với người, và trên hết là tình yêu cùng trách nhiệm đối với đất nước này, với dân tộc. Đó cũng là cách tui trả ơn cuộc đời này”.
Tuổi thơ của tui không được học hành đàng hoàng như người khác nên bây giờ tui muốn giúp sinh viên nghèo quẳng đi gánh lo cơm áo gạo tiền hằng ngày mà chú tâm vào chuyện học mà thôi. Chỉ có như vậy các em mới có thể học thành tài để sau này phụng sự đất nước" Ông Phạm Văn Bên.
Đào tạo người trẻ có tài, có tâm
Chị Phạm Thị Tố Uyên, con gái lớn của ông Bên, kể cả năm chị em đều rất ngạc nhiên khi nghe ba mình nói ý tưởng xây dựng một KTX và đầu tư kinh phí lo ăn học cho hơn 400 sinh viên nghèo/năm.
Chị giải thích: “Từ trước đến giờ gia đình tui hỗ trợ rất nhiều sinh viên nghèo ăn học, nhưng làm như ý tưởng của ba tui thì chưa ai nghĩ đến. Quy mô lớn quá và kéo dài, chứ không phải vài tháng hay vài năm thì liệu mình có làm nổi hay không. Chẳng may bị sự cố giữa chừng sẽ làm ảnh hưởng đến Trường ĐH Nông lâm TP.HCM và các sinh viên nữa. Lo là lo như vậy đó”.
Thấy các con lo lắng, ông Bên cười hiền: “Khi nào người dân còn tin tưởng, còn ủng hộ mình thì chúng ta vẫn có điều kiện chăm lo cho sinh viên nghèo. Muốn vậy bằng mọi giá các con phải giữ chữ tín trong sản xuất, kinh doanh. Nếu mình thu được một đồng lời thì các con phải dành ít nhất nửa đồng chăm lo cho người nghèo. Đó là trách nhiệm của chúng ta đối với xã hội. Ba tin các con làm được. Khi ba qua đời thì các con, rồi con của các con sau này cũng phải giữ nguyên tắc đó để dự án KTX của ba được trường tồn”.
Đến lúc này mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.
Ông Bên cho biết ngoài việc đầu tư kinh phí xây dựng KTX, doanh nghiệp của ông còn dành khoảng 20 tỉ đồng/năm để đóng học phí, lo ăn ngày ba bữa, tổ chức dạy tiếng Anh, tin học, kỹ năng mềm cho toàn bộ sinh viên được chọn vào ở KTX này trong suốt thời gian học.
Ông hào hứng: “Tui sẽ mời chuyên gia dạy cho các em kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc độc lập và phối hợp nhóm, khiêu vũ... Những gì thuộc kỹ năng mềm cần phải trang bị cho giới trẻ thì tui sẽ đầu tư cho các em hết. Mục đích cuối cùng tui mong mỏi là sẽ đào tạo ra những người trẻ năng động, có tài, có tâm thật sự để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Tui muốn các nhà tuyển dụng phải đến đây tìm người tài. Sinh viên ở đây không cần phải ôm hồ sơ đi xin việc như người khác”.
Ông nói tiếp: “Tui sẽ coi các em như con cháu của mình, thường xuyên đến thăm nom, dạy bảo để cha mẹ các em ở xa yên tâm. Tui mong chờ cái ngày nhìn thấy các em thành đạt trong cuộc sống, giữ những vị trí quan trọng ở doanh nghiệp, cơ quan nào đó. Chỉ cần như vậy tui chết cũng mãn nguyện rồi”.
Hệ thống DNTN Cỏ May của ông Bên hiện có bảy công ty chuyên sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, lương thực, trong đó năm công ty đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Ngoài ra còn có Cỏ May Phú Quốc kinh doanh lĩnh vực du lịch và Cỏ May Singapore (văn phòng tại Singapore) kinh doanh, phân phối sản phẩm gạo cao cấp Nosavina sản xuất tại nhà máy ở Sa Đéc.
Mới đây ông Phạm Văn Bên hợp tác với Trường cao đẳng Cộng đồng tỉnh Đồng Tháp mở thêm Công ty Cỏ May Essential để nghiên cứu, sản xuất tinh dầu cám, tinh dầu hoa Sa Đéc xuất khẩu, nấm rơm siêu sạch cho thị trường Nhật... nhằm giúp tăng giá trị nông sản Việt và tăng thu nhập cho nông dân.
Mỗi sinh viên được đầu tư khoảng 200 triệu đồng/4 năm
Theo thiết kế được duyệt, ký túc xá Cỏ May có quy mô năm tầng với diện tích sàn hơn 4.000m2, đáp ứng chỗ ở, sinh hoạt, học tập của 432 sinh viên cùng lúc (54 phòng). Mỗi phòng cho tám sinh viên, mỗi người có bàn ghế học bài, tủ đựng quần áo, tủ đựng sách vở riêng; có hội trường dành cho các hoạt động tập thể.
Tổng kinh phí xây dựng hơn 40 tỉ đồng. Dự kiến tháng 5 sẽ khởi công để kịp hoàn thành đưa vào hoạt động đầu năm học 2016-2017. Ký túc xá nằm trong khuôn viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhưng sẽ tiếp nhận sinh viên nghèo, học giỏi đang học ở tất cả các trường tại TP.HCM, trong đó sẽ ưu tiên nhận 20% sinh viên của trường này.
Tính trung bình mỗi sinh viên được đầu tư khoảng 200 triệu đồng/4 năm đại học.
Theo Tuổi Trẻ