Một Trung Quốc đầy nguy cơ và bất ổn
Ý đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc đã quá rõ. Nếu vượt qua được chốt chặn khó nhằn nhất là Việt Nam trên đường nam tiến, thì toàn bộ ASEAN Trung Quốc không quá khó khăn để thu phục.
Biến biển Đông thành “ao nhà”, tạo bàn đạp vươn ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, tự khắc một loạt quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc trở thành con tin. Song biển Đông chỉ là điểm khởi đầu cho mục tiêu chiến lược của Trung Quốc nhằm hất Mỹ ra khỏi châu Á-Thái Bình Dương, cuối cùng đoạt lấy ngôi vị siêu cường dẫn dắt thế giới.
Khuấy động biển Đông, Trung Quốc muốn chứng tỏ chiến lược xoay trục của Tổng thống Mỹ Barack Obama vô giá trị, đồng thời “nắn gân” xem Mỹ quyết tâm đến đâu trong việc bảo vệ trật tự thế giới hiện hữu. Trung Quốc biết rõ Mỹ đang bị cuốn vào cuộc đấu với Nga ở Ukraine và nước Mỹ còn ám ảnh bởi “hội chứng sa lầy” sau các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan, nên liều chơi canh bạc biển Đông, nếu thuận sẽ đẩy nhanh chiến lược trỗi dậy. Trung Quốc dùng chiến thuật “già tranh chấp non xung đột” để Mỹ không có cớ can thiệp, dần ép Mỹ từ bỏ các đồng minh, tiến tới loại trừ triệt để ảnh hưởng Mỹ tại tây Thái Bình Dương.
Các học giả thế giới đang cố gắng cắt nghĩa những hành động và suy nghĩ của Bắc Kinh, làm sao Trung Quốc có thể trỗi dậy với những chính sách hung hãn, đầy mâu thuẫn như vậy? Trên thế giới chưa từng có siêu cường nào nổi lên được trong bối cảnh gây hấn với hầu khắp láng giềng, tứ bề thọ địch như Trung Quốc. Trung Quốc không có đồng minh thực sự và càng không thể hiểu nổi dựa trên cơ sở nào mà tác giả cuốn sách nổi tiếng “Giấc mơ Trung Hoa” nhận định: “Hiện nay Trung Quốc hầu như không có kẻ thù”. Trung Quốc cần duy trì môi trường hòa bình để phát triển, nhưng sự ngang ngược, hung hăng của họ lại đang tạo ra vô số kẻ thù.
Trung Quốc có hàng loạt tử huyệt có thể kéo nước này xuống vực bất kỳ lúc nào. Kinh tế Trung Quốc bắt đầu tụt dốc sau nhiều thập kỷ tăng trưởng, bong bóng bất động sản và nợ công (đặc biệt của các địa phương ) đang ở mức cực kỳ nguy hiểm.
Môi trường sống ô nhiễm trầm trọng là cái giá cho phát triển nóng, 60% nguồn nước ngầm và 1/5 đất đai của Trung Quốc bị nhiễm độc, không khí ở nhiều thành phố trở nên không thể chịu nổi. Bất công và môi trường sống xuống cấp là nguyên nhân chủ yếu làm bùng phát 200.000 vụ bạo động mỗi năm.
Để đối phó dân chúng bất bình, ngăn ngừa động loạn và duy trì an ninh, Trung Quốc phải chi tiêu cho lực lượng cảnh sát còn lớn hơn cả ngân sách quốc phòng.
Cuộc tấn công đẫm máu mới nhất ở thủ phủ khu tự trị Tân Cương khiến hàng trăm người thương vong thật sự đặt Trung Quốc vào tình trạng báo động. Các cuộc tấn công khủng bố có yếu tố Hồi giáo không chỉ dừng ở phạm vi Tân Cương mà trải khắp đất nước, gieo rắc sự hoang mang, sợ hãi khiến Trung Quốc luôn nơm nớp trước viễn cảnh xung đột sắc tộc lan rộng.
Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” nhằm khẳng định tính chính danh của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nguy cơ biến tướng thành một cuộc đấu đá nội bộ, thanh trừng chính trị khốc hại mới.
Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từng nói: “Trung Quốc chống hữu nhưng chủ yếu là phòng tả” vì lo sợ lặp lại các phong trào đại nhảy vọt hay cách mạng văn hóa. Nhiều dấu hiệu cho thấy hạ bệ Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang không đơn thuần chỉ là chuyện chống tham nhũng. Trong bối cảnh ấy, “giấc mơ Trung Hoa” rất có thể trở thành cơn ác mộng.
Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Cột tin quảng cáo