Mua tàu hơn bảy tỉ, bán giá sắt vụn
Đây là sự lãng phí rất lớn trong đầu tư trang thiết bị ở Cục Đường thủy nội địa thuộc Bộ GTVT.
Năm 2006, Đoạn Quản lý đường thủy nội địa (QLĐTNĐ) số 1 - Cục Đường thủy nội địa, được trang bị dây chuyền tàu cuốc để nạo vét luồng tàu chạy phục vụ tuyến vận tải Hải Phòng - Sơn La, bao gồm hai sà lan (SL-01 và SL-02), tàu trục thả phao, tàu lái, tàu cuốc có tổng trị giá 7,18 tỉ đồng, từ ngân sách nhà nước.
Dây chuyền tiền tỉ không phù hợp
Đầu năm 2014, Đoạn QLĐTNĐ số 1 đã thành lập hội đồng để thẩm định giá trị khối tài sản này. Kết quả xác định sà lan, tàu lai, tàu trục thả phao, tàu cuốc, tàu khách đều hư hỏng nghiêm trọng. Cụ thể, sà lan SL-01 có nguyên giá khi bàn giao là 851,5 triệu đồng nhưng qua 8 năm đã khấu hao trên 798 triệu đồng và giá trị chỉ còn khoảng 53 triệu đồng.
Sà lan SL- 02 nguyên giá 850 triệu đồng, khấu hao trên 797 triệu đồng và chỉ còn giá trị khoảng 53 triệu đồng. Theo biên bản, quá trình sử dụng vỏ tàu của 2 sà lan này bị va đập mài mòn han gỉ hệ thống khung xương do “làm việc trong môi trường phức tạp” và “không được bảo dưỡng thường xuyên”. Với tình trạng này vỏ tàu sử dụng không an toàn để phục vụ sản xuất của đơn vị.
Đối với tàu lai thì phần máy không hoạt động được do hỏng trục cơ, xéc măng, piston, xi lanh bị mài mòn, hệ thống điện bị chập cháy; đơn vị đã cho tiến hành bổ máy để kiểm tra, khắc phục nhưng không được. Tàu cuốc được đầu tư ban đầu có máy sản xuất ở Trung Quốc, phần vỏ do Viện Khoa học công nghệ tàu thủy thiết kế - đóng mới năm 2006, có giá trị ban đầu gần trên 2,4 tỉ đồng nhưng đến thời điểm này đã khấu hao hết 2,3 tỉ đồng và giá trị còn lại chỉ gần… 154 triệu đồng. Đáng chú ý nhất là chiếc tàu khách có giá trị ban đầu 767 triệu đồng nhưng đến thời điểm tháng 7.2014 giá trị được ghi nhận chỉ còn bằng 0.
Trả lời Thanh Niên, ông Trần Xuân Khơi, Giám đốc Đoạn QLĐTNĐ số 1, thừa nhận sau nhiều năm quản lý và sử dụng dây chuyền tàu cuốc, đơn vị này không phát huy được công năng sử dụng vì hệ thống tàu cuốc quá nặng nề, chiều sâu đào chỉ khoảng 2,5 m do vậy không thể thi công được. “Không lâu sau khi được trang bị dây chuyền này chúng tôi đã thấy nó không phù hợp. Hơn nữa trên hệ thống sông Hồng suốt từ thời gian đó tới nay tình trạng khai thác cát sỏi diễn ra rầm rộ nên không còn nhiều địa điểm cần phải nạo vét luồng lạch, phải sử dụng tới dây chuyền này. Ngoài ra, công suất máy chính quá lớn, tiêu hao nhiên liệu nhiều đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm” - ông Khơi nói. Chính vì thế đơn vị này đã làm thủ tục để báo cáo Cục Đường thủy nội địa và sau đó được Bộ GTVT phê duyệt đề xuất bán đấu giá cả dây chuyền này. Tại phiên đấu giá được tổ chức vừa qua, HTX vận tải CP Mùa Xuân (tỉnh Nam Định) đã trúng đấu giá với tổng số tiền 562 triệu đồng.
Vừa vận hành thử đã gặp sự cố
Trả lời về trách nhiệm trong việc để tài sản hư hại, hao hụt quá lớn suốt thời gian dài mà không đem lại hiệu quả kinh tế, ông Trần Xuân Khơi cho biết từ khi vận hành thử năm 2006 đến nay hệ thống tàu cuốc đã gặp sự cố không thể khắc phục được. Đơn vị đã nhiều lần báo cáo bằng văn bản để có phương án sửa chữa và xin nguồn kinh phí bảo dưỡng, trông coi hệ thống phương tiện này nhưng Cục Đường thủy nội địa VN không có nguồn để bố trí; dẫn tới việc phương tiện xuống cấp không còn khả năng hoạt động.
Trong khi đó, ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, cho biết dây chuyền này đã lạc hậu không lâu sau khi được bàn giao. Về việc ai phải chịu trách nhiệm trong việc trang bị tàu thuyền, dây chuyền lạc hậu dẫn tới hư hỏng và đến giờ chỉ bán đấu giá được 1/10 giá trị, ông Cừu cho biết “rất khó để đánh giá”, bởi thời điểm đó ông chưa giữ chức Cục trưởng cục này.
Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Cột tin quảng cáo