Mùa thi - mùa “giăng bẫy”
Giả danh sinh viên tình nguyện
Gọi điện đến đường dây nóng Báo ANTĐ sáng 28/6, bà Lê Thị Xuân, ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình mếu máo: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên hôm nay tôi mới đưa con lên Hà Nội. Khi hai mẹ con vừa xuống xe ở bến Giáp Bát, ngồi nghỉ ở quán nước thì có một thanh niên mặc áo xanh giống thanh niên tình nguyện ra bắt chuyện. Anh ta hỏi mẹ con tôi cần về đâu, đã có nhà trọ chưa, nếu chưa có ai đón thì sẽ chở giúp không lấy tiền. Thấy tôi tìm chỗ gọi điện thoại, anh ta còn đưa điện thoại của mình ra và nói “bác cầm lấy gọi về nhà cho tiện”.
Thấy người thanh niên này có vẻ nhanh nhẹn, tốt bụng nên bà đã nhờ anh ta chở đến một phòng trọ tại khu vực gần trường Đại học Sư phạm. "Vòng vo một hồi, anh ta nói địa chỉ tôi đưa không đúng nên không tìm được và gợi ý cho tôi đến ở tạm cùng người nhà anh ta tại một ngõ nhỏ thuộc đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy”, bà Xuân kể.
Bà Xuân cho biết, khi đến nơi, tôi thấy phòng trọ này khá chật chội nóng bức, đã có 4 người ở, giá lại cao (150.000 đồng/2 người/ngày) nên không đồng ý. Đến lúc này, người thanh niên lập tức trở mặt:
“Ở hay không là tùy mẹ con bà nhưng phải thanh toán cho tôi tiền “xe ôm” và điện thoại, tổng cộng là 200.000 đồng. Tôi bảo không có tiền trả thì anh ta nổi khùng: “Bà định ăn quỵt à, tôi thách bà không trả đấy”. Trước thái độ bặm trợn của anh ta, tôi đành phải rút tiền ra trả.
Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là diễn ra kỳ thi đại học đợt 1. Những ngày nước rút này, tại các bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát… có rất đông thí sinh và người nhà lên Thủ đô. Đây cũng là cơ hội làm ăn của những kẻ lừa đảo. Không chỉ giả danh sinh viên tình nguyện làm “xe ôm” mà một số đối tượng còn sử dụng màu áo xanh này để chiếm đoạt tài sản của các thí sinh.
“Dù đã rất cảnh giác song em vẫn bị lừa. Khi em đang đứng chờ người nhà đến đón ở bến xe Mỹ Đình, một anh thanh niên mặc áo xanh chạy đến, nhìn vào chiếc áo đồng phục em đang mặc hỏi: “Em là học sinh trường T.Y ở Quảng Ninh à, anh cũng học trường đó, đang là sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải. Em cần giúp gì cứ gọi anh nhé”.
Sau đó như sực nhớ ra điều gì, anh ta tỏ vẻ hốt hoảng: “Thôi chết, không biết anh vứt điện thoại đâu rồi, em cho anh mượn điện thoại, anh gọi vào máy anh xem thế nào”. Cả tin, em đưa điện thoại cho anh ta. Ngay lập tức, anh ta bước nhanh ra xa chỗ em đang đứng, giả vờ gọi điện rồi nhảy lên chiếc xe đỗ gần đó chuồn mất” - sĩ tử Lê Thu Phương, ở huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh thở dài.
“Chôm” đồ, lừa bán hàng từ thiện
Trong những ngày thi tại khu vực cổng các trường Đại học Sư phạm, Giao thông vận tải… và các bến xe thường xuất hiện những kẻ lừa đảo mang danh hội viên các hội từ thiện. Thủ đoạn chung của chúng là mang theo sổ, bút, giấy giới thiệu của tổ chức từ thiện như Hội Người mù và Trẻ em tàn tật.
Chúng đeo bám, mời mọc thí sinh cùng người nhà đi cùng mua các mặt hàng như tăm tre, bông tai, móc đeo chìa khóa. Để tạo lòng tin, chúng còn ghi tên, địa chỉ, số tiền mua hàng của mỗi cá nhân để… về làm giấy xác nhận “Những tấm lòng hảo tâm”. Không ít nông dân chất phác đã bị lừa từ vài chục đến hàng trăm nghìn đồng.
Cũng tại các khu vực này có khá đông phụ huynh, thí sinh ngồi nghỉ chân ở những quán nước ven đường và họ thường để điện thoại, túi xách trên bàn. Lợi dụng sơ hở này, một số đối tượng sẽ chạy lại hô to: “Tiền rơi kìa”. Khi nạn nhân cúi xuống để nhặt thì ngay lập tức món đồ để trên bàn sẽ “bốc hơi”.
Ngoài ra, hình thức chào bán điện thoại, máy ảnh… rởm với giá rẻ cũng diễn ra khá phổ biến.
Ông Phan Văn Nam (ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) chia sẻ: “Hôm trước, tôi đưa con đến trường Đại học Kinh tế Quốc dân để xem địa điểm thi. Khi hai bố con đang ngồi ở gần cổng trường thì có một đối tượng đến rao bán 1 chiếc điện thoại trông rất mới và đẹp, có thể quay phim, chụp ảnh nhưng có giá chỉ 1,5 triệu đồng. Con gái tôi thấy vậy nói nhỏ: “Hôm trước con thấy chiếc điện thoại giống y như chiếc này quảng cáo trên báo nhưng có giá tới 5 triệu đồng. Hôm nay tự nhiên người ta bán rẻ, bố mua luôn đi để tiện gọi về nhà cho mẹ và bố con mình chụp ảnh lưu niệm”. Chiều con, tôi rút tiền ra trả, trong lòng rất vui vì nghĩ đã mua được món đồ rẻ. Nào ngờ, chưa đầy một ngày chiếc điện thoại này bỗng dưng tắt ngóm. Thì ra bố con tôi đã bị lừa mua phải điện thoại rởm”.
Trong những ngày diễn ra kỳ thi đại học của những năm trước, hiện tượng một đội ngũ đứng trước các địa điểm thi để bán đề và đáp án với giá đắt (10.000 - 20.000 đồng cho một tờ giấy photo) cũng diễn ra khá nhiều. Điều đáng nói là những tờ đáp án này có nguồn gốc không đáng tin cậy .
Để tránh bị sập bẫy, các thí sinh cần thận trọng và cảnh giác trước những lời mời chào giới thiệu, sự giúp đỡ vô điều kiện và cần kiểm tra độ xác thực của thông tin trước khi quyết định nộp hồ sơ và đưa tiền cho bất cứ cá nhân nào. Khi phát hiện thấy các đối tượng có hành vi lừa đảo, thí sinh và người nhà cần trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Theo ANTĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Khẩu súng đắt nhất thế giới trị giá hơn 110 tỷ: Chỉ vài người có khả năng mua, làm bằng chất liệu độc nhất
Người đàn ông mua chiếc ấm nứt vì đam mê, nào ngờ là đồ cổ 250 năm được định giá hơn 17 tỷ đồng
Không phải người ngoài hành tinh, con người có thể là sinh vật có trí tuệ duy nhất trong vũ trụ?
Ngôi chùa cổ sở hữu 4 chiếc cột gỗ quý hơn 'kim cương' giá 3400 tỷ: Người người xếp hàng vào xem!
Cặp vợ chồng sững sờ phát hiện chiếc bình sứ chắn cửa nhà suốt 36 năm lại có giá trị đến 30 tỷ đồng
Chiếc giường gỗ có giá trị nhất miền Tây: Chế tác bằng gỗ quý hàng đầu Việt Nam, trả 3 tỷ không bán