Mỹ, Nga cắt giảm số lượng để hiện đại hóa vũ khí hạt nhân
Trong một báo cáo của SIPRI, hai nhà nghiên cứu Shannon Kile và Hans Kristensen viết: "Số lượng vũ khí hạt nhân lưu kho toàn cầu đã giảm dần kể từ khi đạt đỉnh với gần 70.000 đầu đạn hạt nhân vào giữa những năm 1980. Sự suy giảm này chủ yếu là do Nga và Mỹ cắt giảm lực lượng hạt nhân của mình."
Báo cáo cũng lưu ý rằng: "Tốc độ cắt giảm vũ khí hạt nhân của hai cường quốc này dường như diễn ra chậm chạp so với 10 năm trước đây, và cả Nga và Mỹ đều không cắt giảm đáng kể lực lượng hạt nhân chiến lược được triển khai kể từ khi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới có hiệu lực vào năm 2011."
Theo đó, vào đầu năm 2016, 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên có 15.395 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 4.120 đầu đạn đã được triển khai hoạt động. Vào đầu năm 2015, con số này là 15.850 đầu đạn.
"Kho vũ khí hạt nhân trên toàn cầu giảm so với thời kỳ cao điểm với gần 70.000 đầu đạn hạt nhân vào giữa thập niên 80 của thế kỷ 20. Sự sụt giảm này chủ yếu do Mỹ và Nga cắt giảm lực lượng hạt nhân của mình", báo cáo viết.
Việc cắt giảm trên là kết quả của 3 hiệp ước giới hạn vũ khí được Mỹ và Nga ký kết từ năm 1991 đến nay, đồng thời do quyết định cắt giảm đơn phương của 2 cường quốc hạt nhân này.
Vào đầu năm 2016, Nga có khoảng 7.290 đầu đạn hạt nhân; Mỹ có khoảng 7.000 đầu đạn. Tổng số đầu đạn của 2 nước chiếm khoảng 93% số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.
Tiếp theo là Pháp với 300 đầu đạn, Trung Quốc 260, Anh 215, Pakistan 110-130, Ấn Độ 100-120, Israel 80 và Triều Tiên 10. Riêng con số thống kê đối với Triều Tiên là không chắc chắn nên không được tính vào tổng số đầu đạn hạt nhân toàn cầu.
"Không có quốc gia nào đang phát triển vũ khí hạt nhân sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí này trong tương lai có thể dự đoán được, SIPRI cho biết. Washington và Moscow thậm chí còn triển khai nhiều chương trình hiện đại hóa hạt nhân sâu rộng và tốn kém.
End of content
Không có tin nào tiếp theo