Nam Phi chào bán tên lửa PK khủng cho Việt Nam
Denel Dynamics chào bán TLPK trên hạm cho Việt Nam
Nhu cầu thay thế hàng loạt vũ khí đã lỗi thời hầu hết tuổi thọ đều đạt 30 - 40 năm, chủ yếu có xuất xứ từ Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu, đã biến Việt Nam trở thành một thị trường đầy tiềm năng với doanh số có thể lên tới hàng chục tỷ USD.Nắm bắt xu thế này, các tập đoàn vũ khí hàng đầu thế giới đang cạnh tranh quyết liệt với phía Nga để chiếm bằng được một phần "chiếc bánh thơm ngon" này.
Tập đoàn Denel Dynamics (Nam Phi) cũng tham gia với tên lửa phòng không trên hạm Umkhonto.Trong nửa cuối năm 2010, lãnh đạo cao cấp Tập đoàn Denel đã có những chuyến đi con thoi tới Việt Nam để theo đuổi gói thầu mua sắm tên lửa phòng không trên hạm cho Hải quân Việt Nam.
Các quan chức Chính phủ Nam Phi cũng góp phần vận động ở "tầm cao".Ngài Kgalema Motlanthe - Phó Tổng thống Nam Phi là người ủng hộ hết mình để Denel Dynamics sớm chen chân được vào thị trường vũ khí Việt Nam.
Đầu tháng 10/2010, trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam ông đã cho biết: Denel Dynamics đã tham dự gói thầu cung cấp hệ thống phòng không trên hạm cho Hải quân Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng sản phẩm của Nam Phi vượt trội hơn các hệ thống khác và nếu thắng thầu sẽ mở ra một lĩnh vực hợp tác mới giữa hai nước đó là quân sự, đồng thời thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa nhân dân hai nước.
Tại thời điểm năm 2010, chưa có thông tin tên lửa phòng không trên hạm sẽ trang bị cho lớp tàu nào, chỉ biết lúc đó Việt Nam đã đặt mua cặp tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard từ Nga (ký năm 2006), nên Umkhonto chắc chắn không còn cơ hội để sánh vai cùng 2 tàu này.
Rõ ràng, tên lửa này dự kiến sẽ được trang bị cho một lớp tàu hoàn toàn mới, xuất xứ có thể không phải từ bạn hàng truyền thống là Nga, bởi tàu chiến của họ thường đồng bộ với tên lửa phòng không do các nhà sản xuất trong nước cung cấp.
Gần đây, với việc Việt Nam chính thức đặt mua lớp tàu hộ vệ tên lửa SIGMA 9814 do Tập đoàn Damen (Hà Lan) làm tổng thầu thì mới rõ, "hóa ra" tên lửa Umkhonto của Denel được chào bán để tích hợp lên lớp chiến hạm này.
Kết quả thật bất ngờ!
Đích thân Giám đốc điều hành mảng Phòng không của Tập đoàn Denel khẳng định: "Với 45 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng không, chúng tôi rất tự hào về dòng tên lửa phóng thẳng đứng hàng đầu thế giới của mình".
Tại triển lãm Africa Aerospace & Defence 2010 tại Cape Town, Nam Phi, dòng tên lửa Umkhonto-IR Block 2 đã được trưng bày và giới truyền thông đồn đoán đây chính là loại tên lửa phòng không trên hạm thế hệ mới mà Denel đang chào bán cho Việt Nam.
Vậy loại tên lửa này có gì đặc biệt?
Đây là dòng tên lửa siêu âm phóng thẳng đứng sử dụng đầu dò hồng ngoại được thiết kế để cung cấp khả năng phòng thủ cho hạm tàu trước sự đe dọa của mọi phương tiện tiến công như máy bay cánh cố định, trực thăng và/hoặc tên lửa các loại.
Mục tiêu được đài radar cảnh giới nhìn vòng 3D tìm kiếm, phát hiện, xác định và cung cấp tham số tọa độ để đầu dò hồng ngoại bám, khóa và dẫn tên lửa bay với tốc độ tối đa Mach 2 tới đích chỉ trong chưa tới 18 giây, khiến đối phương không kịp phản ứng.
Nhờ kích thước gọn nên nó có thể trang bị cho các tàu có lượng giãn nước nhỏ. Với tầm bắn nghiêng đạt 12 - 15 km, trần bay 8 km, Umkhonto-IR Block 2 cung cấp khả năng phòng thủ tên lửa tương đối mạnh và hiệu quả cho tàu được trang bị.
Denel đã chào bán thành công dòng tên lửa này cho lớp tàu tên lửa Hamina và tàu quét mìn Hameenmaa của Hải quân Phần Lan. Bên cạnh đó, các khinh hạm lớp Valour của Hải quân Nam Phi cũng sử dụng Umkhonto.
Mặc dù rất hiện đại và được giới chức cấp cao của Nam Phi ủng hộ nhiệt tình, những tưởng Umkhonto sẽ có triển vọng thắng thầu. Nhưng cuối cùng kết quả đầy bất ngờ, Denel đã thất bại trong gói thầu chào bán Umkhont-IR Block 2 cho Việt Nam.Các nguồn tin gần đây cho thấy, SIGMA 9814 của Việt Nam sẽ được trang bị hệ thống phòng không phóng thẳng đứng VL MICA-M tiên tiến nhất của Pháp. Trước đó, Denel cũng đã thất bại khi chào bán tên lửa Umkhonto cho các tàu SIGMA của Indonesia.
So với Umkhont-IR Block 2, VL MICA-M trội hơn hẳn ở tầm bắn, tốc độ, khả năng chịu quá tải cũng như phương thức "bắn và quên" tiên tiến. Chưa kể, nếu dùng tên lửa của Denel sẽ mất rất nhiều thời gian để tích hợp với hệ thống chỉ huy/điều khiển trên SIGMA.
Trong khi đó, VL MICA-M là hệ thống vũ khí đồng bộ trong thiết kế của SIGMA, nó ưu việt đến mức Việt Nam hầu như không có lý do gì để thay thế bằng loại tên lửa khác vốn chưa mấy tên tuổi trên thị trường vũ khí thế giới, dù được quảng cáo rất rầm rộ.
Tuy nhiên, chưa hẳn Denel đã hết cơ hội, bởi sau nhiều thất bại liên tiếp, họ đã nỗ lực nghiên cứu để cho ra đời những phiên bản tiên tiến hơn, tầm bắn xa và xác suất trúng đích lớn hơn.Liệu các phiên bản tên lửa phòng không trên hạm Umkhonto thế hệ tiếp theo có phù hợp với những tàu phòng không chuyên nhiệm của Hải quân Việt Nam trong tương lai, điều này sẽ được phân tích sâu hơn trong một dịp khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc