Ngạc nhiên trường chuẩn “ba chung”
Tiền hậu bất nhất!
Năm 2001, trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ được Bộ giáo dục-đào tạo công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ một. Mặc dù đạt chuẩn, nhưng cơ sở vật chất lại sử dụng chung với Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề tỉnh Nam Định tại khu nhà Chung số 27/88 Nguyễn Du, Thành phố Nam Định.
Năm 2003, Phó Chủ tịch tỉnh Nam Định Trần Xuân Giai ký quyết định số 2767 phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng trường Trung học cơ sở Trần Đăng Ninh, Thành phố Nam Định tại địa điểm mới thuộc khu Đông Mạc, phường Thống Nhất để đạt chuẩn Quốc gia; đồng thời cho phép trường Trung học cơ sở Trần Đăng Ninh chuyển toàn bộ cơ sở vật chất hiện có cho trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ.
Quyết định trên tạo sự tin tưởng, phấn khởi cho cán bộ, giáo viên, đặc biệt là hàng trăm phụ huynh học sinh nhà trường vốn nhiều năm phải chấp nhận giảng dạy, học tập trong điều kiện tạm bợ, chật chội.
Nhưng bao năm hy vọng, chờ đợi bỗng tiêu tan thành mây khói khi ngày 13/1/2012 Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Công Thành ký văn bản số 08 thông báo kết luận của ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tại buổi họp Ban chỉ đạo nâng cấp Thành phố Nam Định trở thành đô thị loại I, trong đó có nội dung: “Giao Sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất với UBND thành phố điều chuyển khu trường Trung học cơ sởTrần Đăng Ninh cho trường THPT Nguyễn Khuyến để đủ điều kiện chuẩn Quốc gia”!
Bà Đỗ Thị Thuý, Chi hội trưởng Chi hội phụ huynh trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ bức xúc nói: “Sau chín năm, UBND tỉnh Nam Định ra hai văn bản hoàn toàn trái ngược nhau và thông báo gần đây của tỉnh tạo tâm lý hoang mang, lo lắng, đặt ra những khó khăn mới cho nhà trường, đặc biệt là các bậc phụ huynh về tương lai phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường.
Hé lộ sự thật về “trường chuẩn Quốc gia”
Trên con phố Nguyễn Du tấp nập người, xe qua lại, rẽ vào một ngõ nhỏ dài chừng 200 mét san sát dân cư sinh sống, chúng tôi vào tới địa điểm trường học.
Khó có thể ngờ rằng trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ đạt chuẩn Quốc gia mức độ một mà phải chung đụng với một cơ sở giáo dục khác từ ngay tấm biển trường! Ngó nghiêng bên trái tấm biển thấy ghi: Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề tỉnh Nam Định, bên phải lại có dòng chữ: Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ!
Giải thích về vấn đề này, Ban giám hiệu nhà trường cho biết: Ngày 9/10/1982, Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định Bùi Quang Hướng ký quyết định số 48, trong đó giao khu nhà Chung số 27/88 (đây là kiến trúc tôn giáo gồm ba tầng) và mặt bằng chung quanh làm địa điểm của Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp Nam Định (nay là Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề tỉnh Nam Định).
Trong khi chưa bố trí được địa điểm của trường Nguyễn Văn Cừ tạm để trường sử dụng những phòng học mà trường trước đây đang sử dụng.
Vậy vì sao một cơ sở giáo dục đang chịu cảnh ba chung: Chung cổng, chung sân, chung lớp học lại được xét đạt chuẩn Quốc gia?
Để làm rõ vấn đề, chúng tôi được nhà trường cho xem Biên bản kiểm tra đánh giá trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ theo tiêu chuẩn trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1996-2000. Ở phần tiêu chuẩn 3 về xây dựng cơ sở vật chất, trong biên bản ghi: “Diện tích sử dụng 4.179 mét vuông (ba tầng)”.
Nhưng sự thật không phải như vậy, lãnh đạo nhà trường thừa nhận đã có gần một nửa tổng diện tích của toà nhà này được Ban giám hiệu khoá trước “mượn” của Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề tỉnh Nam Định. Chính vì thế mà năm 2010 vừa qua, Trung tâm này đã đề nghị trường phải trả lại toàn bộ diện tích trên tầng ba trước đây cho mượn!
Đi tìm lối thoát
Có hai con số nói lên sự khó khăn bộn bề của nhà trường thời gian hiện nay. Nếu như năm 2003, toàn trường có 750 học sinh, thì năm học này chỉ còn 230 học sinh chia làm chín lớp (từ lớp 1 đến lớp 5). Số lượng học sinh ngày càng giảm sút là do phụ huynh trên địa bàn chủ động “né”, không muốn con em phải nhập học ở ngôi trường mà các điều kiện giáo dục không bảo đảm tiêu chuẩn.
Thực tế đây là khu Nhà Chung (kiến trúc tôn giáo cũ) nên tất cả các phòng học đều có hai cửa thông gió thông sang nhau, khi giáo viên giảng dạy đều vọng sang lớp bên cạnh. Mặt khác, phòng học ở đây không có cửa sổ, chỉ có cửa ra vào nên trong lớp rất tối, không bảo đảm ánh sáng.
Nhưng khốn khổ nhất là giờ giải lao, nếu hai trường trùng nhau thì không có chỗ chơi, nếu ra chơi lệch nhau thì gây ồn ào và ảnh hưởng trực tiếp đến học tập của trường còn lại.
Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ Nguyễn Tài Trung đề nghị: Nguyện vọng của Ban giám hiệu nhà trường cũng như Hội cha mẹ học sinh mong muốn cấp trên xem xét, tạo điều kiện chuyển địa điểm ra trường Trung học cơ sở Trần Đăng Ninh theo đúng quyết định năm 2003 của UBND tỉnh Nam Định vì thực tế hiện nay trường đang đi “ở nhờ” Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề tỉnh Nam Định. Với sĩ số học sinh 230 em hoàn toàn đủ điều kiện đạt chuẩn Quốc gia theo quy định nếu được tiếp quản trường Trung học cơ sở Trần Đăng Ninh.
Về lâu dài, Thành phố Nam Định cần quan tâm tìm quỹ đất hợp lý để xây dựng trường tại địa điểm mới, đáp ứng lòng mong mỏi của cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh.
Theo Nhân Dân
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bài toán hóc búa của thầy giáo Việt Nam trong đề thi Olympic: Độ khó khiến nhiều nước muốn loại bỏ
Thần đồng toán học Việt Nam trở thành GS Vật Lý nổi tiếng thế giới: Từng được kỳ vọng đạt giải Nobel
Thầy giáo đầu tiên ở Việt Nam mở trường phổ thông dân lập: Từng ra đề cho Olympic toán học quốc tế
'Thần đồng' Việt Nam nhỏ tuổi nhất đạt HCV Olympic Toán: Được Pháp phong hàm Giáo sư hạng đặc biệt
Nhà thơ 'lười' nhất lịch sử: Cả đời chỉ sáng tác một bài hai câu thơ, được truyền muôn đời
Ai được xem là ‘nhà thơ của làng cảnh Việt Nam’ ? Có bài thơ người Việt nào cũng thuộc