Ngân hàng sẽ “nằm vùng” ở doanh nghiệp
Hiện tại phân khúc khách hàng đang cần vốn nhất là DNNVV nhưng đối tượng này lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn do không có tài sản đảm bảo, tình hình tài chính không minh bạch, năng lực quản lý chưa cao... Để hỗ trợ họ và cũng là cứu chính mình, ngân hàng phải thấy có “trách nhiệm” cùng DN khắc phục những vấn đề này, phải sống cùng nhịp sống với DN...
Tháng 2/2013, tín dụng đã tăng trở lại so với tháng 1. Nhưng tính chung 2 tháng đầu năm, tín dụng vẫn giảm 0,28% so với cuối năm 2012. Trong khi đó huy động vốn vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá tốt. Dư thanh khoản, nhiều NHTM đã chọn trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN làm nơi “trú chân”. Song, đây chỉ là biện pháp đặng chẳng đừng, vấn đề mấu chốt vẫn là làm sao khơi được đầu ra của đồng vốn.
Nhiều NHTM liên tục triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, kèm theo khuyến mại bằng cách miễn, giảm phí dịch vụ... Ngân hàng lo là thế, nhưng nhiều DN vẫn “kêu” khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, chứ chưa nói đến vấn đề được vay với lãi suất ưu đãi.
Theo phản ánh của các DN, thực tế chỉ có những DN tốt mới “với” được tới mức lãi suất tốt, mà số lượng khách hàng này ngày càng khan hiếm. Còn những DN yếu kém thì có “các thêm vàng”, các ngân hàng vẫn lắc đầu do lo ngại nợ xấu. Đó cũng là một trong những lý do khiến ngân hàng và nhiều DN chưa bắt tay nhau được.
Thời gian qua cũng có không ít địa phương tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận, thậm chí là đối thoại nhằm tăng cường hiểu biết, cùng tìm ra điểm gặp gỡ giữa ngân hàng và DN; tìm giải pháp để tháo gỡ nút thắt tín dụng... nhưng xem ra vẫn không mấy hiệu quả. Bởi bên nào cũng cho là mình đúng, giữ “thế thủ” cho an toàn.
Ngân hàng cho rằng, nếu cho DN không tốt vay khả năng mất vốn là rất lớn, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng. Còn DN cũng đưa ra cái lý của họ là nếu tốt rồi thì họ vay đâu chả được, cần gì phải “nài” ngân hàng!? Rõ ràng, nếu hai bên cứ tiếp tục như vậy sẽ không thể gỡ nút thắt tín dụng.
Về phía cơ quan quản lý, NHNN cho biết đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt.
Theo tìm hiểu của phóng viên, số các TCTD được tăng trưởng tín dụng tối đa 17% trong năm nay chiếm khá nhiều. Do vậy, có thể nói chính sách khá mở cho các TCTD. Nhưng theo một chuyên gia ngân hàng, chính sách của cơ quan quản lý chỉ là đòn bẩy hỗ trợ, quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực của chính NHTM.
Không chỉ giảm lãi suất cho vay, mà các NHTM, cụ thể là cán bộ tín dụng sẽ phải “làm mới” mình từ tư duy đến hành động. Tức là cán bộ tín dụng sẽ phải sâu sát với DN tới mức “hiểu DN hơn chính DN”, chứ không đơn thuần là cán bộ “tiếp thị vốn”.
Theo ý kiến chuyên gia, để đi đến mục tiêu này, các ngân hàng phải chủ động hơn. Ngân hàng không phải chỉ mang tiền đến, mà phải cùng chung lưng đấu cật với DN trong giải quyết khó khăn, ngay từ khi DN mới đang là khách hàng tiềm năng.
Ngân hàng có thể tư vấn cho DN, tính toán vòng quay vốn, giới thiệu các đối tác cho DN... giúp cho DN sau khi vay được vốn sẽ sử dụng vốn một cách hiệu quả nhất. Có như vậy mới vừa tăng ý nghĩa đồng vốn, vừa khẳng định vai trò bà đỡ của ngân hàng.
Một lãnh đạo NHTMCP đề xuất: với DN có tình hình tài chính xấu, ngân hàng có thể cử cán bộ đến “nằm vùng” tại DN trong một thời gian nhất định để giúp DN quản lý dòng tiền tốt hơn. Một yếu tố nữa rất quan trọng là tín dụng phải đưa đến đúng phân khúc cần vốn.
Hiện tại phân khúc khách hàng đang cần vốn nhất là DNNVV nhưng đối tượng này lại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn do không có tài sản đảm bảo, tình hình tài chính không minh bạch, năng lực quản lý chưa cao... Để hỗ trợ họ và cũng là cứu chính mình, ngân hàng phải thấy có “trách nhiệm” cùng DN khắc phục những vấn đề này. Hay nói cách khác, để dòng vốn tín dụng chảy mạnh hơn, ngân hàng phải sống cùng nhịp sống với DN.
Minh Trí
Theo TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo