Ngành nào, trường nào dễ trúng tuyển?
Khảo sát hơn 89.000 người trên cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ GD&ĐT (http://thi.moet.gov.vn) với chủ đề ngành nào bạn coi là nóng nhất hiện nay, hơn 38% trong số đó cho rằng tài chính-ngân hàng, 22% đánh giá là ngành quản trị kinh doanh, gần 24% cho là các ngành khác và chỉ có 16% chọn ngành y dược.
Khối A: Nhất kinh tế, nhì kỹ thuật công nghệ
Kỳ thi năm 2011, mặt bằng chung điểm thi phân hóa rõ ở từng loại hình trường, trường tốp trên điểm trúng tuyển luôn ở mức cao. Thí sinh đã biết lượng sức mình khi cân nhắc dự thi. Đó là không phải bằng mọi giá chen chân vào các trường chuyên ngành kinh tế mà đã chọn nhóm ngành kinh tế (quản trị kinh doanh, tài chính-ngân hàng, kế toán…) ở các trường đào tạo đa ngành. Kéo theo đó là điểm trúng tuyển của các trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Sài Gòn, ĐH Cần Thơ, ĐH Công nghiệp TP.HCM… nằm trong khoảng 15-17 điểm. Còn lại các trường vùng, tỉnh, ngoài công lập… điểm trúng tuyển ở mức trên điểm sàn một vài điểm, thậm chí bằng điểm sàn (13 điểm).
Về trường chuyên ngành kinh tế, mức điểm các trường khu vực phía Bắc luôn dẫn đầu như ĐH Ngoại thương thấp nhất 22 điểm, nhiều ngành lên đến 26 điểm; kế đến là ĐH Kinh tế quốc dân có điểm 21-25,5; ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) các ngành tài chính-ngân hàng, kế toán vẫn tăng 1-2 điểm lên 22-23, các ngành khác ổn định mức 21 điểm. Tương tự mức điểm này, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính có điểm trúng tuyển 20-20,5. Ở phía Nam, ĐH Kinh tế TP.HCM lấy một mức duy nhất cho tất cả các ngành là 19 điểm, còn các trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)… có điểm trúng tuyển ổn định từ 17 đến 21 điểm.
Trong nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, ngành công nghệ thông tin không còn gây “sốt” như nhiều năm trước nhưng vẫn là ngành nhiều thí sinh lựa chọn. Điểm trúng tuyển cũng phân tầng rõ rệt ở từng trường. Đối với các trường tốp trên như ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ở mức 20-21,5 điểm. Còn các trường tốp giữa như ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ĐH Công nghệ Hà Nội… vẫn nằm ở mức 17-18,5 điểm. Đối với các trường còn lại điểm vẫn bằng sàn hoặc cao hơn chút ít, mức 15-16 điểm.
Đối với các ngành như điện-điện tử, cơ khí-cơ điện tử, xây dựng, kỹ thuật ô tô… thì các trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM… có điểm trúng tuyển cao, khoảng 17-21,5 điểm. Trong khi đó, cũng chuyên về kỹ thuật nhưng các trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, ĐH Giao thông vận tải (Cơ sở 2 TP.HCM), ĐH Công nghiệp TP.HCM… chỉ nằm ở mức 13-15 điểm. Hàng loạt trường tỉnh, ngoài công lập điểm các ngành chỉ bằng điểm sàn.
Tương tự, nhóm ngành khoa học cơ bản như toán-tin, vật lý, hóa học… và các ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ môi trường… ở nhiều trường điểm trúng tuyển dao động 13-16 điểm. Riêng ngành công nghệ sinh học vẫn chiếm lượng thí sinh dự thi đông nhất. Tỉ lệ “chọi” vào ngành công nghệ sinh học ở ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM ở mức một “chọi” chín nhưng điểm trúng tuyển là 17-20, ĐH Cần Thơ mức một “chọi” 16 và điểm trúng tuyển là 17,5-18,5…
Khối B: Y dược vẫn đáng gờm
Nhóm ngành y dược không được coi là “nóng” đối với những thí sinh có học lực không thật sự giỏi. Vì vậy, sự cạnh tranh nhóm ngành này khá khốc liệt ở những thí sinh giỏi. Không cần tỉ lệ “chọi” cao nhưng điểm trúng tuyển nhiều năm gần đây của nhóm ngành này vẫn luôn giữ mức cao. Nhiều năm qua dù đề thi khó hay dễ thì điểm trúng tuyển của nhóm ngành y dược luôn ở mức 20-26 điểm. Tại các trường ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược (ĐH Huế)… điểm trúng tuyển năm 2011 các ngành bác sĩ, dược sĩ đều từ 23 đến 25,5 điểm. Riêng các ngành đào tạo cử nhân thì điểm thấp hơn nhưng vẫn cao với mức 16-20 điểm.
Điểm trúng tuyển thấp nhất khối B là nhóm ngành nông lâm ngư. Suốt nhiều năm, hàng loạt ngành của ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Nông Lâm (ĐH Huế), ĐH Cần Thơ, ĐH Tây Nguyên, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Thủy sản… chỉ dao động từ điểm sàn đến 15 điểm. Thêm vào đó, nếu thí sinh dự thi vào các trường chuyên về khối nông lâm ngư thì các ngành nhóm kinh tế, công nghệ… cũng chỉ có điểm trúng tuyển bằng điểm sàn. Thực tế không mấy sáng sủa này bắt nguồn từ việc tổng số thí sinh đăng ký nhóm ngành này năm 2011 chỉ chiếm 4%, cao hơn chút ít so với 3,6% của năm 2010.
Khối C, D: Nhiều cơ hội
Ngoại trừ Học viện Báo chí tuyên truyền có điểm trúng tuyển khối C trên 20 điểm, các trường khác như ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội) điểm trúng tuyển cao nhất ở mức 19,5. Ở khối C chỉ có ngành báo chí là điểm trúng tuyển luôn cao nhất. Còn các ngành khác như triết học, thư viện thông tin, lưu trữ học, nhân học, xã hội học, văn hóa học, Việt Nam học, công tác xã hội... điểm trúng tuyển tại nhiều trường đều bằng điểm sàn 14 điểm hoặc nhỉnh hơn 1 điểm. Một điều đáng lưu ý là các trường phía Bắc luôn có điểm trúng tuyển cao hơn các trường phía Nam từ 1 đến 4 điểm.
Cơ hội cho thí sinh thi khối D không còn bó hẹp, có nhiều cơ hội chọn lựa trường thi phù hợp năng lực học tập của thí sinh. Nếu trước đây khối D chủ yếu tuyển vào các ngành ngoại ngữ, xã hội - nhân văn thì gần đây khối này được tuyển cả vào các ngành công nghệ, kinh tế... Năm 2011, nhiều trường công lập lẫn ngoài công lập có điểm trúng tuyển khối D bằng với điểm sàn (13 điểm). Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, khối ngành kinh tế tuyển sinh khối D ở một số trường có điểm rất cao. Dẫn đầu các trường này phải kể đến: ĐH Ngoại thương từ 21,5 đến 22,5 điểm; ĐH Kinh tế quốc dân từ 21 đến 25,5 điểm, ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) từ 16,5 đến 20,5 điểm...
Nhóm ngành sư phạm điểm thấp, luật không cao Các ngành sư phạm như toán, lý, hóa, sinh… của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có điểm trúng tuyển từ 17 đến 19,5; còn ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ở mức 18-20 điểm; ở các trường vùng, tỉnh có đào tạo sư phạm thì điểm chỉ ở khoảng 15-17 điểm. Còn các ngành ngoài sư phạm thì điểm cũng dừng ở mức từ sàn đến 17 điểm. Phần lớn các ngành sư phạm vẫn phải xét tuyển thêm nguyện vọng, nhiều ngành ngoài sư phạm tuyển không đủ chỉ tiêu.
Năm 2011 là năm Trường ĐH Luật TP.HCM có điểm trúng tuyển rất thấp, với khối A là 15,5, khối C là 17-17,5 và khối D là 15,5-16 điểm. Trường ĐH Luật Hà Nội có điểm ổn định như mọi năm, khối A là 17,5, khối C là 20 và khối D là 18. Còn ở Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), điểm trúng tuyển các ngành luật từ 16 đến 18,5 điểm. Nhiều trường ĐH có đào tạo ngành luật như ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Lạt, ĐH Sài Gòn… có điểm từ 14 đến 17. |
QUỐC DŨNG( PL TPHCM)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Giải mã về sinh vật bí ẩn cao 8m xuất hiện tại rừng rậm Nam Mỹ, từng bị nghi là người ngoài hành tinh
Người phụ nữ nghèo đổi đời nhờ nhặt được viên ngọc trai quý hiếm trong lúc nấu ăn, trị giá bằng cả căn nhà