Khám phá

Ngày đầu tiên siết chặt quản lý thuê bao di động trả trước: Thông tư như chưa hề có hiệu lực!

Các thẻ sim đủ loại của các nhà mạng VinaPhone, MobiFone, Viettel vẫn được phô ra và cả người bán lẫn người mua chẳng cần quan tâm tới việc từ 1.6 cấm lưu thông, mua bán sim đã kích hoạt sẵn khi chưa đăng ký thông tin theo quy định. Đó là điều đang diễn ra ngay trong ngày đầu tiên thông tư 04/2012/TT-BTTTT có hiệu lực.

 

Hiệu lực đến đâu?



1/6 - ngày đầu tiên thông tư 04/2012/TT-BTTTT về quản lý thuê bao di động trả trước có hiệu lực. Thông tư này được cho là sẽ siết chặt và chấn chỉnh các vấn đề liên quan tới việc đăng ký thuê bao, kích hoạt trước thẻ sim mà có tới hàng trăm nghìn chiếc đang được bày bán, lưu hành tại các cửa hàng ở nhiều ngõ ngách.



Khảo sát của phóng viên trong ngày 1.6, các cửa hàng thẻ sim tại Kim Mã, Trường Chinh, Lương Thế Vinh, Phương Mai, Bế Văn Đàn (Hà Nội) giao dịch bán sim thẻ vẫn diễn ra như thường ngày, người mua trả tiền và người bán giao sim, không cần CMTND hay hộ chiếu khai báo thông tin thuê bao như quy định. Các sim đã được kích hoạt sẵn. Để kiểm tra chính xác việc này, PV đã mua sim tại một cửa hàng trên phố Trường Chinh.



Theo chủ cửa hàng này thì có nghe nói về việc cấm kích hoạt trước sim điện thoại. Và hiện nhà mạng cũng đã cắt các sim đa năng của cửa hàng chị cũng như một số cửa hàng chị biết. Nhưng theo chị cửa hàng vẫn có cách khác để đăng ký. Chị bày ra một loạt sim VinaPhone, MobiFone, Viettel mời chào và khẳng định cắm vào điện thoại là nghe gọi được ngay chứ không phải làm các thủ tục rườm rà như "cái quy định nào đó"...



Tại cửa hàng bán điện thoại di động và phụ kiện Vạn Xuân trên đường Cách Mạng Tháng 8 (TP.Hồ Chí Minh), khi hỏi mua số đẹp bà chủ đưa cho xem liền mấy tập số thuê bao có mức giá từ hai, ba trăm ngàn đến vài triệu đồng. Số thuê bao 098xxx3131 có giá 1,5 triệu đồng.

 

Hỏi “nếu mua sim số này có phải đăng ký thông tin không?” thì bà chủ đáp: “Phải đăng ký chứ, nếu không sau này có tranh chấp thì làm sao giữ số”. “Vậy có sim nào kích hoạt sẵn không cần đăng ký thông tin không?” - “Có chứ, loại bộ hòa mạng 65.000 đồng cô này đang mua đây này”. Người khách đang mua là một cô gái Hàn Quốc, được một thanh niên người Việt dẫn tới và mua giúp, chả cần phải xuất trình hộ chiếu.

 

Cũng bán số đẹp nhưng tại điểm bán sim, thẻ cào số 35 Trần Khát Chân, quận 1 lại còn thoáng hơn: Những số thuê bao nằm trong danh sách “số đẹp” có giá từ 200.000 - 400.000 đồng nếu đồng ý mua là dùng được ngay mà không cần phải đăng ký thông tin cá nhân.

 

Chủ đại lý điện thoại cố định của Viettel ở số 110 Phan Xích Long, quận Phú Nhuận nói: “Quy định không cho bán sim kích hoạt đã có từ lâu chứ đâu phải mới có, nhưng cũng có quản gì được đâu. Đại lý người ta kích hoạt sẵn rồi, chúng tôi lấy về và cứ thế bán thôi”. Theo bà, lâu nay người tiêu dùng đã có thói quen mua sim kích hoạt sẵn vì tiện lợi sử dụng được ngay.



Ai tự chặt tay mình?


Theo trách nhiệm của đại lý phân phối sim thuê bao của thông tư 04, thì đại lý phải thông báo với DN cung cấp dịch vụ di động, sở thông tin và truyền thông hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương khi phát hiện các vi phạm trong quá trình phân phối sim thuê bao, đăng ký, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao di động trả trước.

 

Tuy nhiên, một chủ cửa hàng sim, thẻ tại Bế Văn Đàn (Hà Đông - Hà Nội) cho biết, sim nhập về có thể sử dụng ngay và chị cũng không cần tìm hiểu điều này. Chị bán sim để ăn phần trăm trên số lượng bán ra. Trên thực tế chính họ là những người phớt lờ quy định trên. Càng bán nhiều sim, thu được càng nhiều tiền hơn trên mỗi sim vì vậy không ai tự làm chậm việc tiêu thụ thẻ sim của mình.



Còn về phía trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động (cung cấp thẻ sim), các nhà mạng này chẳng có lấy một trách nhiệm nào khi không kiểm soát được các thẻ sim đã được kích hoạt trước. Mà chủ yếu chỉ nhấn mạnh tới xây dựng hệ thống kỹ thuật, triển khai, hướng dẫn đăng ký thông tin thuê bao...



Hàng triệu các thuê bao được kích hoạt trước và sai thông tin người sử dụng vẫn được lưu hành, các đại lý thẻ sim vẫn hoạt động, “bình chân như vại” sau ngày có hiệu lực của thông tư 04.



Ngoài những đại lý sim chính thống trên thị trường còn xuất hiện các điểm bán mà chẳng thuộc vào một quy định nào. Các điểm bán này là các quán café, quán nước... mà người chủ nhập thẻ sim qua mối từ các đại lý và như vậy một lần nữa cơ quan quản lý còn gặp khó hơn với các loại hình phân phối này.

 

 

Theo Lao Động

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo