Pháp luật

Ngày mai 17/12: Xét xử vụ chai nước ngọt có ruồi

(DNVN) - Theo dự kiến sáng mai 17/12, TAND tình Tiền Giang sẽ tiến hành xét xử sơ thẩm vụ chai nước ngọt có ruồi của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Tin tức trên báo Pháp luật TP.HCM, TAND tỉnh Tiền Giang sẽ xử sơ thẩm vụ Võ Văn Minh bị truy tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản 500 triệu đồng. Đây là vụ án (chai nước có ruồi ‘giá’ 500 triệu đồng) được dư luận rất quan tâm trong năm 2015. Phiên tòa được xét xử tại trụ sở TAND tỉnh, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Võ Trung Hiếu, hai KSV là ông Võ Hồng Phương và Võ Hải Phương.

Võ Văn Minh sẽ hầu tòa về tội cưỡng đoạt tài sản trong vụ chai nước ngọt có ruồi. Ảnh báo Pháp luật TP.HCM.

Có hai luật sư bào chữa cho bị cáo Minh. Công ty TNHH TM&DV Tân Hiệp Phát được tòa xác định là nguyên đơn dân sự cũng mời một luật sư bảo vệ cho mình. Có tất cả sáu nhân chứng được tòa triệu tập đến tòa để làm chứng trong vụ án này.

Theo bản cáo trạng, ngày 3/12/2014, Võ Văn Minh lấy chai nhựa 350ml của Công ty Tân Hiệp Phát định lấy ra bán cho khách, thì nhìn thấy ở bên trong có con ruồi. Minh giấu chai nước này ở dưới bàn nước để không ai phát hiện. Báo Chất lượng Việt Nam thông tin.

Đầu tiên, ngày 5/12/2014, Minh gọi điện đến Tân Hiệp Phát đòi 1 tỷ đồng, để đổi lấy sự im lặng của mình, mà không báo sự việc với cơ quan chức năng hay cơ quan báo chí. Sau nhiều lần thương lượng, gặp gỡ nhân viên Tân Hiệp Phát, cuối cùng, Võ Văn Minh đã đồng ý hạ giá xuống 500 triệu đồng.

Đổi lại, Minh sẽ đồng ý im lặng, bỏ qua sự việc này. Ngày 27/1/2015, tại một quán nước ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, khi Minh vừa bỏ tiền vào cốp xe xong, đã viết giấy biên nhận thì trinh sát của Công an tỉnh Tiền Giang ập đến, bắt quả tang Minh và tang vật.

Theo phân tích của luật sư Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp trên báo Lao động, trong vụ việc này, rõ ràng anh Minh không lựa chọn hành vi ứng xử theo quy định pháp luật mà lại có hành vi “tự xử”, mang tính uy hiếp tới doanh nghiệp nhằm chiếm đoạt tài sản. 

 

Cụ thể, nếu Tân Hiệp Phát không đồng ý thì ông Minh đã đe dọa sẽ “thưa ra Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, đưa lên báo chí, in 5.000 tờ rơi để phát nhằm làm mất uy tín công ty”. 

Như vậy, hành vi này là thủ đoạn uy hiếp tinh thần của ban lãnh đạo một doanh nghiệp nhằm chiếm đoạt tài sản của công ty này. Hành vi này thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự.

Dấu hiệu đặc thù của tội này là yếu tố đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người bị hại: “đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”. Chỉ cần có “hành vi” mà “mục đích” như vậy (thỏa mãn dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm) là cấu thành tội phạm theo tội danh này. 

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, bị cáo Minh bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 135, BLHS (có mức hình phạt từ 12 đến 20 năm tù).

Dã Qùy (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo