Nghị lực vượt khó của nữ sinh mồ côi
Chúng tôi gặp cô sinh viên Nguyễn Thị Bảy nhân dịp lễ gặp mặt sinh viên (SV) tiêu biểu toàn huyện Tuy Phước (Bình Định) đầu năm mới. Tại buổi lễ, Bảy là người đại diện cho 115 SV phát biểu. Khi nghe về gia cảnh em, cả hội trường như lặng đi. Các vị lãnh đạo huyện, những bậc phụ huynh và các bạn SV có mặt đều khâm phục nghị lực vượt khó của nữ sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ này.
Em Bảy sinh ra trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em ở xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định). Ký ức tuổi thơ về em Bảy là hình ảnh cô học trò trường làng dáng mảnh mai, sau mỗi buổi đến trường là buổi ra đồng phụ giúp cha mẹ. Từ việc đồng áng đến những việc nhỏ trong gia đình. Vất vả là vậy, nhưng những năm học ở trường làng, em luôn nỗ lực phấn đấu học tập tốt, nhiều năm liền là học sinh tiên tiến.
Khó khăn chồng chất khó khăn, khi Bảy vừa lên lớp 12 thì người mẹ do mắc bệnh nan y lâu năm không tiền chữa trị đã qua đời. Nỗi đau mất mẹ chưa nguôi thì không lâu sau người cha cũng qua đời vì lao lực. Sau cú sốc tinh thần khi mất đi cả cha mẹ, tưởng như Bảy suy sụp phải bỏ học giữa chừng. Nhưng rồi em lại gượng dậy, tiếp tục cố gắng theo học đại học. “Mỗi lúc nghĩ đến hoàn cảnh gia đình, nhiều khi em định bỏ học mà kiếm việc làm. Nhưng nhớ đến ước nguyện của ba mẹ trước khi mất dù khó khăn bao nhiều cũng có tấm bằng đại học để mai này không phải chịu khổ nên em quyết tâm vượt qua".
Từ khi cha mẹ mất, khó khăn chồng chất lên vai 6 chị em, nhất là các chị gái lớn phải làm lụng và chắt chiu từng đồng để nuôi các em ăn học. Hiểu được nỗi cơ cực của chị gái và số phận đầy éo le của mình, Bảy đã luôn cố gắng vươn lên trong học tập, giành nhiều thành tích.
Năm 2010, Nguyễn Thị Bảy, cô học sinh Trường THPT Nguyễn Diêu đã thi đỗ vào khoa Kinh tế kế hoạch và đầu tư Trường ĐH Quy Nhơn. Đậu đại học, cánh cửa tương lại như rộng mở thì đó cũng là quãng đường gian nan mà Bảy cần chứng minh bản lĩnh của mình. Từ đó, cứ một buổi đi học, còn buổi Bảy phải đi làm thêm, hết phụ bán hàng đến đi phát tờ rơi quảng cáo để lấy tiền trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. 4 năm học qua, ngoài khoản tiền học bổng của nhà trường, tiền làm thêm Bảy tự xoay sở mọi chi phí sinh hoạt, để chị gái ở quê đỡ vất vả.
Dù công việc làm thêm mất nhiều thời gian nhưng Bảy đảm bảo cho việc học tập đạt thành tích cao. Cuối năm học 2012-2013, Bảy đạt danh hiệu SV Giỏi, với điểm trung bình 8,21. Trong những ngày đầu năm mới 2014 này, cô sinh viên đầy nghị lực ấy đã vinh dự là một trong số 115 SV được Huyện ủy và UBND huyện Tuy Phước tôn vinh tại lễ gặp mặt SV tiêu biểu toàn huyện và được xét nhận học bổng học tập của Hội Khuyến học huyện.
“Ba mẹ mất khi em còn đang đi học, em luôn tự cố gắng học tập tốt. Hàng ngày, ngoài thời gian học ở trường và đi làm thêm thì rảnh lúc nào là em học lúc đó. Ngoài nỗ lực cá nhân thì em còn được động viên của anh chị em em và sự giúp đỡ của thầy cô cũng như bạn bè”, cô sinh viên mồ côi tâm sự.
Chia sẻ về ước mơ, Bảy bùi ngùi chia sẻ: “Em mong sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ thi vào công chức ở huyện hay tỉnh thì càng tốt. Cơ bản vẫn là có việc làm ổn định để có điều kiện phụ giúp gia đình, chăm sóc cho bà nội được tốt hơn. Em chỉ buồn khi các anh chị em em đã lớn, học ra trường có việc làm có thể giúp cha mẹ thì cha mẹ không còn nữa”.
Bảy bước vào năm cuối đời sinh viên với bao khó khăn, thử thách trước mắt. Tin rằng, với ý chí và nghị lực vượt lên số phận, ước mơ đó của nữ sinh mồ côi sẽ sớm thành hiện thực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Con vật được xem như 'lộc trời cho', chui ra từ bụi rậm, nhìn không ai dám ăn nhưng lại là đặc sản có giá 350.000 đồng/kg
Ngày chồng sang sống với bồ, vợ lẳng lặng mở két lấy 300 triệu rời nhà ra đi
Cuối tuần này (23-24/11): 4 con giáp đón lộc trời ban, vận may bất ngờ, thành công vượt mong đợi
Giải mã giấc mơ: Dấu hiệu tiền bạc sắp đến nếu bạn mơ thấy điều này
Khám phá cây thuốc với cái tên đọc 'méo cả mồm' có tác dụng chữa bệnh, phổ biến khắp làng quê Việt
Tại sao ở bồn rửa mặt thường có một lỗ tròn nhỏ, công dụng thực tế là gì?